Thời trang bền vững và góc nhìn từ câu chuyện người trồng bông ở Tân Cương

Chọn đứng về phía những người trồng bông nguyên liệu ở Tân Cương, các thương hiệu thời trang lớn lại gặp phải làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng tại Trung Quốc.

Thời trang bền vững (Sustainable Fashion) được biết đến phổ biến là các hoạt động tái chế, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, cắt giảm chất thải… Bên cạnh đó, vấn đề sản xuất có đạo đức cũng được đề cập và ngày càng được quan tâm trên nhiều khía cạnh hơn.

Thời gian gần đây, hàng loạt các thương hiệu thời trang quốc tế lớn như NIKE, H&M, UNIQLO, ZARA,… đã tuyên bố ngừng sử dụng nguyên liệu bông vải từ Tân Cương (Trung Quốc) sau những cáo buộc về tình trạng bóc lột lao động và điều kiện trồng trọt trong ngành công nghiệp trồng bông tại đất nước tỷ dân. Động thái được đưa ra sau khi các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây được ban hành vào hồi đầu tuần để phản đối tình trạng bóc lột người dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Tuy nhiên, các tuyên bố này của các nhãn hàng lại khiến họ phải đối mặt với những phản ứng dữ dội và sự tẩy chay của người dân Trung Quốc.

cotton field xinjiang
Cánh đồng bông vải ở Tân Cương, Trung Quốc. (Ảnh: VCG)

 

Đối với các nhãn hàng, Trung Quốc luôn là một thị trường khổng lồ. Vậy lí do vì sao các họ lại đồng loạt chấp nhận “từ bỏ” thị trường này? Trong sự kiện ở Tân Cương, các nhãn hàng sử dụng tiếng nói và sức ảnh hưởng của mình cũng như các hành động thiết thực để tạo ra những bước tiến mới nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và nhân quyền. Điều kiện làm việc của mọi nhân lực trong ngành thời trang đều phải được minh bạch, có đãi ngộ hợp lý. Mặc dù các thương hiệu thời trang luôn coi trong thị trường Trung Quốc nhưng trước các cam kết bền vững mà yếu tố con người được đặt lên hàng đầu thì đây có lẽ là lý do chính đáng để các quyết định được đưa ra. 

CÁC THƯƠNG HIỆU ĐI SÂU VÀO THỜI TRANG BỀN VỮNG 

Hiện nay, các nhãn hàng quốc tế đã hướng tới xu hướng thời trang bền vững một cách mạnh mẽ. Đối với họ, những giá trị về niềm tin, con người, môi trường và đạo đức sản phẩm ngày càng quan trọng. Vì lẽ đó, các thương hiệu đã có những bước “chuyển mình” để trở nên “xanh” hơn. Bên cạnh đó, họ cũng có những động thái nhất định thể hiện rõ lời cam kết biến ngành công nghiệp thời trang trờ nên xanh và thân thiện với môi trường và con người. Đây cũng chính là lí do khiến các nhãn hàng lớn đều tuyên bố ngừng hợp tác với các nhà cung cấp bông từ Tân Cương. Cùng ELLE tìm hiểu xem những “ông lớn” ngành thời trang đã và đang làm gì để “lột xác” cho ngành thời trang tương lai.

thoi trang ben vung sustainable fashion
(Ảnh: Retviews)

NIKE

Đầu tiên là áo và giày thể thao được làm từ nhựa phế thải tái chế. Kế đến là các bộ sưu tập đồ bơi sinh thái và cam kết chỉ sử dụng năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải vận chuyển. Giờ đây, NIKE đã tiến xa hơn với lời hứa thời trang bền vững của mình cùng chiến dịch “Move to Zero”. Theo Giám đốc cấp cao về cam kết bền vững toàn cầu của NIKE, bà Virginia Rus “Chúng tôi coi biến đổi khí hậu là mối đe doạ đối với các môn thể thao chúng tôi thích chơi và xem” và đó cũng là lí do NIKE đã nghiên cứu và công bố những sáng kiến mới của mình nhằm giảm thiểu tác động của thời trang lên trái đất.

nike house move to zero campaign
(Ảnh: NIKE)

Trong chiến dịch “Move to Zero”, NIKE cam kết sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại các nhà máy của mình vào năm 2025 và giảm lượng khí thải và chất thải carbon của đế chế sản xuất đồ thể thao Mỹ này xuống mức 0. Bên cạnh đó, NIKE còn có chương trình “bù đắp” carbon cho các bên thứ ba bằng việc chi trả chi phí cho việc trồng cây – cũng là nhằm giảm lượng khí thải tổng thể. Với chiến dịch này, nhãn hàng NIKE hi vọng rằng có thể sử dụng sức ảnh hưởng của mình để tạo ra sự thay đổi tốt và rộng rãi hơn lên ngành công nghiệp thời trang.

nike move to zero air max
(Ảnh: NIKE)

ZARA

Là một trong những “ông lớn” trong ngành công nghiệp “fast-fashion”, ZARA nay cũng bước vào cuộc đua thời trang bền vững với chiến dịch “Join Life”. Hãng mong muốn sẽ đạt mức phát triển bền vững 100% ở tất cả hạng mục trong kế hoạch sản xuất xanh của mình ở năm 2025.

Zara join life campaign
(Ảnh: ZARA)

Trong đó, hãng cam kết rằng đến năm 2025 sẽ chỉ sử dụng bông, vải lanh và polyester hữu cơ bền vững hoặc tái chế để làm quần áo. Không chỉ dừng lại ở quần áo, ZARA còn muốn hướng mục tiêu “xanh” của mình tới việc trưng bày cửa hàng. Theo Pablo Isla – Giám đốc điều hành ZARA, hãng sẽ sử dụng những thiết bị điện ít gây ô nhiễm môi trường nhất cũng như đảm bảo nguồn năng lượng tái sử dụng đạt 80% tại các cửa hàng của mình.

zara join life care of fiber logo
(Ảnh: ZARA)

Ngoài ra, ZARA sẽ trang bị những thùng tái chế quần áo tại các cửa hàng của mình để khách hàng quyên góp các sản phẩm thời trang cũ. Các sản phẩm này sau đó sẽ được ZARA thu thập để tái sử dụng làm chất liệu cho các thiết kế mới.

H&M

H&M là một trong những nhãn hàng tiên phong trong vòng lặp tái tạo và làm mới của thời trang bền vững. Trong năm 2018, nhãn hàng đã cho ra mắt bộ sưu tập thời trang bền vững Conscious Exclusive.

hm conscious logo sustainable fashion
(Ảnh: H&M)

Với Conscious Exclusive, H&M đã sử dụng hai chất liệu bền vững mới: bạc tái chế và ECONYL (một loại sợi nylon được tái sinh hoàn toàn từ rác thải nhựa) trong bộ sưu tập này. Việc sử dụng loại sợi này không chỉ giảm đi lượng sản phẩm phế thải mà còn cắt bớt nguồn sử dụng nhiên liệu hoá thạch và tránh việc thải ra môi trường hàng ngàn tấn khí thải CO2. Conscious Exclusive là một phần trong nỗ lực chuyển biến ngành thời trang trở nên “xanh” và thân thiện hơn với môi trường và con người của H&M. H&M đã cam kết rằng, tới năm 2030, hãng sẽ hoàn toàn sử dụng 100% nguyên liệu tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững. Hãng còn mong mang đến những giá trị tích cực cho khí hậu và môi trường vào năm 2040.

hm conscious exclusive collection
(Ảnh: H&M)

Bên cạnh nỗ lực trở nên “xanh” hơn, H&M còn rất chú trọng đến quyền lợi con người của những nhân viên và nhân công làm việc cho hãng. Đối với hãng thời trang có xuất thân từ Thụy Điển này, ngoài mang đến những trải nghiệm thời trang tuyệt vời và trang phục bền vững, H&M còn có trách nhiệm tôn trọng và đề cao nhân quyền. Điều đó đồng nghĩa với việc đối xử bình đẳng với tất cả mọi nhân viên của H&M. Không chỉ vậy, H&M còn có chiến lược rõ ràng nhằm đảm bảo toàn bộ nhân viên và nhân công của mình nhận được mức lương đủ để chi trả cho cuộc sống của họ.

(Ảnh: H&M)

UNIQLO

Thương hiệu thời trang Nhật Bản UNIQLO tin rằng quần áo cho họ sức mạnh để thay đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, hãng đã cho ra mắt chiến dịch “The Power of Clothing” với mục tiêu hướng tới sự hài hoà, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như phát triển tiềm năng con người.

uniqlo the power of clothing
(Ảnh: UNIQLO)

Theo UNIQLO, ba tiêu chí nền tảng cho hoạt động kinh doanh của thương hiệu chính là: Con người, Hành tinh và Cộng đồng. Chính vì vậy, UNIQLO luôn nỗ lực hết mình để giải quyết các vấn đề liên quan đến ba tiêu chí trên.

uniqlo mission sustainable fashion
(Ảnh: UNIQLO)

Nhãn hàng đến từ Nhật Bản luôn tôn trọng sức khoẻ, sự an toàn và quyền con người của toàn bộ công – nhân viên. Tiếp đến, UNIQLO luôn cố gắng hiện thực hoá một xã hội bền vững bằng cách giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường thông qua các hoạt động kinh doanh.  Sản phẩm của UNIQLO chỉ sử dụng những nguyên liệu có nguồn gốc bền vững và các đối tác may mặc của hãng cũng được chứng nhận RDS (Tiêu chuẩn có trách nhiệm) vào cuối năm 2019.

uniqlo recycle re-unqilo
(Ảnh: UNIQLO)

Ngoài việc chỉ sử dụng lông vũ và lông tơ từ các nguyên liệu bền vững từ các trang trại để giảm thiểu tối đa tác động lên gà rừng, UNIQLO còn sử dụng polyester tái chế từ chai nhựa trong việc sản xuất những chiếc áo Polo Dry-EX của hãng.

 

Nhóm thực hiện

Bài: Thanh Nguyen

Ảnh: Tổng hợp

Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)