Khi phân biệt trang sức cao cấp và thời trang, người ta mặc định giá thành là nhân tố chính tạo nên sự khác biệt. Nhưng không phải chỉ tính tới giá tiền, trang sức cao cấp hẳn còn phải mang nhiều đặc trưng khác để trở thành món đầu tư xứng đáng. Tương tự vậy, không phải cứ là trang sức thời trang thì đồng nghĩa với “dễ mua vừa bán”.
Khái niệm “trang sức” có từ bao giờ
Khi nhắc đến trang sức, người ta thường liên tưởng ngay đến những phụ kiện cá nhân tạo điểm nhấn khác biệt giúp người mặc trở nên nổi bật hơn. Khái niệm này có từ cách đây khoảng 40.000 năm, khi loài người biết mài sắc xương động vật thành những chiếc vòng tay, vòng cổ, hoặc đơn giản chỉ là những chiếc kẹp quần áo. Qua thời gian, hai định nghĩa trang sức cao cấp và trang sức thời trang bắt đầu được tách biệt. Vậy cuối cùng chúng có nghĩa là gì?
Từ trang sức thời trang đến trang sức cao cấp
Khi trang sức không chỉ đơn thuần là phụ kiện mà còn là biểu trưng cho tính nghệ thuật, sự xa xỉ và tinh tế của người sở hữu, các nhà chế tác cho ra đời dòng trang sức cao cấp. Điểm khác biệt lớn nhất giữa trang sức cao cấp và các loại trang sức thông thường khác chính là chất liệu. Để tạo ra những món trang sức cao cấp, các nhà chế tác sử dụng 100% các loại đá quý tự nhiên: vàng, bạc nguyên chất, bạch kim hay kim cương.
Ngoài những kim loại quý kể trên, việc sử dụng các loại đá hiếm như hồng ngọc (ruby), ngọc lục bảo (emerald), hổ phách (amber) cũng rất phổ biến trong chế tác trang sức. Trước khi chính thức sử dụng, tất cả những chất liệu này đều phải trải qua các bước thẩm định chặt chẽ về độ tinh khiết, màu sắc, độ phản quang và độ bão hoà.
Trang sức thời trang cũng có thể được làm từ những loại đá quý kể trên. Tuy nhiên, thành phần của “fashion jewellery” còn pha lẫn cả những nguyên liệu rẻ tiền hơn như: nhôm, đồng thau và có thể chỉ được mạ vàng, mạ bạc.
Giá tiền có phải điểm khác biệt lớn?
Đối với người mua, có một định kiến luôn hiện hữu khi họ lựa chọn trang sức: trang sức cao cấp là phải đắt tiền. Tuy nhiên, giá thành lại không phải yếu tố quyết định loại trang sức. Đôi khi dòng trang sức thời trang vẫn có thể sở hữu giá bán khiến người mua giật mình. Rất nhiều thương hiệu cao cấp cho ra đời các mẫu trang sức gắn mác “fashion jewellery” với giá tiền dao động từ 100 đến 2.000 đô la Mỹ. Sự đa dạng giá thành và mẫu mã tạo thành ưu thế không thể chối bỏ của trang sức thời trang.
Trang sức cao cấp – Khoản đầu tư không bao giờ lỗ
Nếu trang sức thời trang dễ mua hơn và cũng không kém cạnh về thiết kế, do đâu ta có thể nói đầu tư vào món đồ xa xỉ như trang sức cao cấp là hoàn toàn xứng đáng? Lý do lớn nhất chính là: với chất liệu đắt đỏ và hoàn toàn tự nhiên, trang sức cao cấp không bao giờ bị lỗi mốt. Chất lượng của những món đồ ấy có thể nhảy qua bức tường thời gian một cách ngoạn mục. Người mặc có thể phối hợp với nhiều phong cách trong nhiều dịp khác nhau, từ dạo phố cùng bạn bè cho đến những sự kiện trọng đại như lễ cưới hay các bữa tiệc lớn. Cũng như rượu càng lâu năm càng ngon, trang sức cao cấp tăng thêm giá trị theo thời gian chứ không mất đi.
Trang sức thời trang – Khi thời gian là yếu tố quyết định
Tuỳ vào mục đích sử dụng và khả năng tài chính, người dùng có thể quyết định muốn sở hữu loại trang sức nào. Nếu như trang sức cao cấp là một khoản đầu tư vượt thời gian, trang sức thời trang lại bảo đảm được tính “mốt”. Điều này hiển hiện ngay từ cái tên. Đây là món phụ kiện bạn có thể thay đổi trong thời gian ngắn, tránh cảm giác nhàm chán. Đi du lịch, xuống phố dạo chơi hay tham gia các cuộc họp quan trọng – bạn có thể sử dụng nhiều món trang sức cho nhiều dịp khác nhau.
Dù là trang sức thời trang hay cao cấp, người dùng nên biết những bí quyết bảo quản trang sức để giữ trang sức sáng và bền lâu. Bởi việc sở hữu trang sức còn có thể nói lên khí chất, tính cách hay đơn giản là gu thẩm mỹ của bạn.
Nhóm thực hiện
Bài viết: Hương Trà Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE