Ellewiki: Áo choàng hợp mốt
Tủ đồ nam giới mùa Thu – Đông năm nay không còn những chiếc áo khoác xám xịt và rộng thùng thình. Bảng màu sáng kết hợp những chất liệu nhẹ nhàng cùng phom dáng gọn gàng của những chiếc áo choàng mùa mới giúp phái mạnh giữ ấm mà vẫn vô cùng hợp mốt.
THẤY GÌ TỪ CHIẾC ÁO CHOÀNG HOÀN HẢO?
Cổ áo
Cổ chữ V đơn giản luôn sang trọng và thông thoáng. Đối với kiểu áo Chesterfield, phần cổ áo có chất liệu đối lập, bằng nhung hoặc lông thú có thể tạo nên sự phá cách mạnh mẽ, thích hợp cho những dịp trang trọng hay yến tiệc.
Vai áo
Phần vai áo vừa vặn và có lớp lót nhẹ, khi kết hợp cùng áo bên trong sẽ không tạo sự bức bí. Một chút mạnh mẽ, ngang bướng nhưng tự nhiên nơi bờ vai sẽ khiến chiếc áo choàng đẹp nhất.
Vải
Vải cashmere xanh hải quân trông lịch sự nhưng không quá trang trọng, nhẹ nhưng đủ ấm cho thời tiết rét ở miền Bắc. Nếu đến châu Âu vào mùa Đông bạn sẽ cần một chiếc áo choàng dài bằng len hoặc vải tweed. Áo lông cừu vô cùng hợp mốt, không quá cũ kỹ nhưng vẫn đủ trang trọng, là sự thay thế tuyệt vời cho kiểu áo choàng chất liệu cashmere cao cấp cổ điển.
Khuy áo
Kiểu ba khuy luôn đậm chất cổ điển và gọn gàng, còn kiểu bốn khuy tạo thêm nét trang trọng. Nếu là tín đồ của phong cách tối giản thì một chiếc áo có lớp vải phủ qua hàng khuy sẽ là lựa chọn hoàn hảo.
Phom áo ôm
Áo choàng hiện đại thường khá ôm và tôn dáng. Hãy chọn một chiếc cùng cỡ với áo suit và thử choàng qua lớp áo suit đang mặc. Nếu thấy thoải mái và phần tay áo bên trong không chạy ra ngoài thì chiếc áo choàng đó dành cho bạn.
Chiều dài áo
Bạn nên chọn áo ngắn trên gối, nhưng cũng không nên ngắn quá vì dễ khiến bạn trông mất cân đối. Dáng áo dài quá gối cổ điển hơn, hợp với kiểu áo choàng giữ ấm tốt, điển hình như kiểu Polo Coat có thể khiến người mặc trông hơi đứng tuổi.
GIỮ ÁO ĐÚNG CÁCH
Một chiếc tủ chật ních quần áo là nguyên nhân chính khiến áo choàng mau gãy dáng. Hãy dùng mắc áo gỗ với phần vai to rộng và treo áo hơi thưa để giữ nếp áo. Thường xuyên dùng bàn chải lông mềm chải nhẹ để loại bỏ bụi bẩn và chỉ bị tưa. Một chiếc túi treo áo thoáng khí sẽ rất cần thiết nếu không dùng đến trong nhiều tháng liền. Để giữ áo sạch, bạn chỉ nên giặt khô một lần mỗi năm vào cuối mùa lạnh trước khi cất vào tủ. Nếu áo bị vấy màu thì cần giặt ngay. Thỉnh thoảng bạn nên mang áo đi hấp để tránh áo bị rũ và mất dáng.
NHỮNG KIỂU ÁO CHOÀNG CƠ BẢN
Kiểu Chesterfield
Kiểu Chesterfield dễ nhận biết với tà áo dài trên gối cùng lớp vải đơn ở ngực mang đậm nét “tài phiệt”, thường sự dụng bảng màu tối (xanh hải quân, đen, xám đậm). Chesterfield vô cùng phá cách nhờ cổ áo bằng nhung đen, được lấy cảm hứng từ các nhà quý tộc Pháp cuối thế kỷ XVIII. Đây chính là kiểu áo choàng dành riêng cho những dịp cực kỳ trang trọng.
Áo vải tweed
Chất liệu vải tweed thường có họa tiết kẻ ô. Cổ điển nhất là kiểu kẻ ô Prince of Wales to bản, pha trộn hoàn hảo giữa nâu đỏ và xám. Một chiếc áo vải Cheviot tweed (làm từ lông cừu Cheviot cỡ dày) sẽ tạo thêm nét nam tính và thích hợp cho những ngày Đông khắc nghiệt. Bản thân vải tweed đã quá nổi bật nên hãy phối cùng những trang phục đơn giản nhất có thể. Áo choàng vải tweed thích hợp cho những buổi gặp gỡ không quá trang trọng.
Áo khoác Polo
Phong cách 58 Những năm 1920 đến 1940 của thế kỷ trước, Polo Coat được những quý ông yêu thể thao lăng xê cuồng nhiệt vì có thể giúp tránh gió sau khi ra mồ hôi. Nổi bật với ngực áo hai lớp thoáng khí, túi áo hai bên cùng thắt lưng ngang eo, Polo Coat thường được may bằng len hoặc lông cừu để tạo độ ấm ngay khi khoác vào. Chiếc áo màu lông lạc đà tự nhiên với vẻ ngoài chỉn chu pha chút “gangster” có thể đốn gục trái tim của bất kỳ những ai yêu áo choàng mùa Đông. Kiểu áo này cũng thích hợp cho những buổi tiệc ngoài trời đầy phóng khoáng.
Áo khoác Duffle
Xuất xứ từ Duffle (Bỉ) hàng trăm năm trước nhưng loại vải cùng tên chỉ thực sự nổi lên khi được dùng làm áo choàng Hải quân Hoàng gia Anh vào đầu thế kỷ XX. Duffle Coat nổi tiếng nhờ khả năng giữ ấm siêu việt nhưng lại vô cùng nhẹ, có phần mũ rộng cùng bốn chiếc khuy xỏ phía trước. Sau Thế chiến thứ hai, Duffle Coat trở nên phổ biến ngoài sức tưởng tượng. Kiểu áo này đặc biệt thích hợp cho những buổi gặp gỡ hoặc dã ngoại thân mật.
Peacoat
Khó có thể tìm được một nhãn hiệu thời trang nào mà không lăng xê ít nhất một vài chiếc áo khoác Peacoat. Nổi trội với phần ngực áo hai lớp bằng len, ve áo to bản cùng khuy gỗ, Peacoat đã đốn gục giới thủy thủ châu Âu và Mỹ từ thế kỷ XVIII. Cũng như các chàng thủy thủ, Peacoat ngao du khắp thế giới và đi đến đâu đều tạo nên làn sóng được ưa chuộng đến đó. Peacoat đẹp nhất khi được mặc trong các dịp tiệc tùng vui vẻ.
CÁCH MẶC BA KIỂU CƠ BẢN
Thế giới áo choàng Thu-Đông rất đa dạng nhưng có 3 kiểu mỗi chàng trai nên có trong tủ đồ.
Kiểu Parka khoẻ khoắn
Áo Parka cổ điển hiện nay xuất hiện khá nhiều biến thể nhưng nhìn chung đều có phần mũ rộng, thích hợp khi phối cùng jeans và trang phục đời thường, nhưng cũng có thể diện cùng Âu phục, chỉ cần dài hơn áo suit mặc bên trong là được. Nếu phải mặc thường xuyên đến công sở, bạn nên lựa chọn những tông màu tối. Cần lưu ý là Parka khá kỵ các loại logo, khóa kéo đồ sộ hoặc các loại khóa dán.
Áo choàng ngày thường
Tủ đồ mùa Đông của các quý ông không thể thiếu một chiếc áo choàng linh hoạt, gây “ồ à” khi mặc đến công sở hay la cà quán xá. Hãy thử các chất liệu kết hợp giữa cashmere và sợi kỹ thuật tạo cảm giác sang nhưng vẫn làm tốt nhiệm vụ chống gió và nước. Những mẫu áo choàng kèm lớp vải che khuy thường có chất lượng tốt hơn hẳn. Các loại áo choàng màu sáng thường mau bám bụi. Thường xuyên giặt sẽ giúp áo luôn sạch như mới.
Áo choàng trang trọng
Khi cần mặc lịch sự thì kiểu áo choàng với một lớp ngực áo trên chất liệu len tối màu (hoặc cashmere) luôn là lựa chọn số một. Cần lưu ý là áo choàng phải vừa vặn với áo suit bên trong và phần eo phải ôm một chút. Nên chải áo sạch sẽ trước khi đi tiệc.
Áo khoác da cá tính
Xuất hiện trong bộ phim Easy Rider năm 1969, chiếc áo khoác da ôm sát đậm phong cách Âu châu của Peter Fonda tạo nên một cơn sốt và sự nổi loạn trong thời trang nam giới. Chỉ một thập kỷ sau, chiếc áo khoác cho dân đi xe mô tô (motorcycle jacket) đính khuy với dáng áo phóng khoáng ra đời, trở thành biểu tượng phong cách ở xứ sương mù.
Thực ra chiếc áo da Perfecto Motorcycle Jacket đã xuất hiện một phần tư thế kỷ trước khi được Marlon Brando lăng xê và trở thành một biểu tượng bất tử vào năm 1954 trong tác phẩm The Wild One. Vào năm 1928, một nhà phân phối Harley-Davidson nhờ Schott Bros, một công ty sản phẩm áo khoác ở Staten Island sản xuất một chiếc áo khoác da dành cho người yêu mô tô. Chiếc áo khoác tân kỳ này vô cùng mạnh mẽ, giúp các tay lái mô tô tốc độ cao giảm thiểu rủi ro, có khuy kéo và eo cài thắt lưng để hạn chế sức gió. Schott cũng thiết kế và sản xuất chiếc áo bomber jacket bằng da cho Army Air Corps suốt Thế chiến thứ hai. Trở nên phổ biến sau khi được các cựu binh lăng xê, với dáng áo đầy thách thức, bomber jacket trở thành biểu tượng của các chàng theo đuổi phong cách “bad boy”, được James Dean, Jim Morrison, Lou Reed, Bruce Springsteen và Johnny Depp quảng bá cuồng nhiệt.
Áo lông cừu Shearling
Tuy từng bị gán mác là loại áo chỉ dành cho các anh chàng miền núi, áo cổ lông cừu (shearling) trên thực tế không có đối thủ về khả năng giữ ấm và cả vẻ ngoài sành điệu. Chính lớp lông cừu ở cổ cùng những đường nét hiện đại khiến shearling trở thành chiếc áo hợp mốt nhất trong những ngày Đông giá: ấm, sành điệu và tiện dụng. Có nhiều chi tiết thú vị về shearling nhưng không phải ai cũng được biết.
1. Shearling đi trước thời đại và thời trang. Người ta tin rằng thuở xa xưa, người nguyên thủy Neanderthal đã sáng chế ra cách sử dụng da động vật làm trang phục để chống lại mùa Đông rét buốt của Âu châu.
2. Shearling có chất liệu cực kỳ quý hiếm. Để làm ra shearling, phần da sống còn nguyên lông của những chú cừu 1 năm tuổi được thuộc kỹ, sau đó tỉa cho có độ dài đồng đều khoảng hơn 1cm trước khi được sủ dụng.
3. Lông cừu là loại sợi công nghệ cao lâu đời nhất. Lông cừu rất bền, cực nhẹ và tạo sự thoải mái trong biên độ nhiệt lớn. Chất liệu này luôn ấm trong điều kiện rét mướt và cũng nhanh khô, ít bị ám mùi hôi cơ thể.
4. Lông cừu là chất liệu của không gian. Chiếc áo bomber jacket bằng da cừu đầu tiên được một diễn viên đóng thế người Mỹ tên Leslie Irvin thiết kế ở Anh năm 1926. Sau đó, ông cung cấp dù bay cho phe Đồng minh trong Thế chiến thứ hai và đặt tên mình cho chiếc áo khoác bay bằng da cừu mà công ty ông sản xuất cho đội ném bom của quân Đồng minh.
Bài: Long Lương – Ảnh: Imaxtree/Tư liệu