Ellewiki: Quần Âu thanh lịch – Món đồ không thể thiếu
Bất cứ đấng mày râu nào cũng sở hữu ít nhất một chiếc quần dài thanh lịch. Quần đen, xám, xanh đậm cho quý ông cổ điển, quần xanh cốm, tím, hồng cho những tâm hồn trẻ trung yêu thời trang. Những chiếc quần dài đã ra đời như thế nào?
Quay dòng lịch sử
Levi’s Strauss & Company cho ra đời chiếc quần jeans đầu tiên cho giới mộ điệu California vào thời kỳ Gold Rush của những năm 1870, và chẳng ai ngờ rằng chiếc quần jeans đó lại trở thành một sản phẩm thời trang đặc trưng của Mỹ và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thời trang toàn cầu. Chiếc quần jeans Levi’s đã làm nên một cuộc cách mạng, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên của những chiếc quần dài cho quý ông.
Suốt nửa đầu thế kỷ 20, ngoài giới lao động chân tay ra thì chẳng một ai chịu mặc jeans. Quả thật khó tưởng tượng được điều đó trước sự thịnh hành của quần jeans ngày nay! Trước Đệ nhất Thế chiến, trang phục đời thường tối thiểu trong những ngày mùa Hè của nam giới phải có áo khoác Âu phục đen kèm quần linen dài.
Sau chiến tranh, giới trẻ đòi hỏi trang phục phải gần gũi, dễ mặc và tiện dụng hơn. Trong giai đoạn giao thời gắn liền với đình công và thất nghiệp, chẳng ai hào hứng diện những bộ Âu phục bóng bẩy và gò bó nữa. Người ta mong mỏi một chiếc quần dài trẻ trung, độc lập, có thể dễ dàng phối với áo khoác blazer, áo khoác thể thao, áo sơmi, áo len. Với tiêu chí đó, len và vải flanen trở thành chất liệu phổ biến nhất để may quần dài, vừa trang trọng, khỏe khoắn mà vẫn giữ được dáng quần, thích hợp với nhiều kiểu thời tiết. Ban đầu, len chỉ có hai tông xám và trắng, sau này xuất hiện nhiều màu sắc trẻ trung hơn.
Ngay cả trong xã hội mang nặng tính giai cấp như Anh, giới thượng lưu cũng dần rời xa những quy tắc ăn mặc cứng nhắc, thể hiện rõ nhất qua chiếc quần dài. Chỉ sau một đêm, những cậu trai trẻ sành điệu của những năm 20 thay đổi từ dáng quần ôm thanh lịch sang quần xếp ly khổ lớn. Giới trí thức Anh cũng bắt đầu đón nhận quần nhung, chất liệu vốn chỉ có những người nông dân mặc khi làm việc ngoài đồng. Từ đó, chiếc quần Âu dài đường đường bước vào hoàng gia và trở thành chiếc quần phá vỡ những bức tường giai cấp.
Quần jeans xanh bắt đầu được hưởng ứng một cách hồ hởi tạo thành xu hướng đi cùng với cuộc cách tân lãng mạn của miền Tây vào những năm 20 và 30. Sau Đệ nhị Thế chiến, tầng lớp trung lưu bắt đầu đón nhận những chiếc quần dài cứng cáp như một kiểu trang phục đời thường. Sức hút của quần jeans có phần hạ nhiệt, nhưng không có nghĩa rằng thị phần của quần jeans cũng giảm đi. Người người, nhà nhà vẫn đua nhau mặc jeans. Jeans xuất hiện trong cả tủ quần áo của Tổng thống Jimmy Carter và Ronald Reagan. Andy Warhol thậm chí còn mặc jeans cùng với áo vest khi đến Nhà Trắng vào năm 1985, vì như ông nói, “Jeans quá dễ mặc”.
Vào cuối những năm 79, jeans chính thức thăng hạng, được các thương hiệu như Gloria Vanderbilt, Fiorucci, Calvin Klein theo đuổi miệt mài và thành công rực rỡ. Những nhà mốt này lao động hăng say để tạo nên một dòng jeans cao cấp mới, tuy có giá cao ngất ngưỡng nhưng đó chính là thành quả của các nghệ nhân với hàng nghìn giờ sản xuất để làm nên chất liệu cao cấp. Vào thời kỳ đó, một chàng trai diện quần jeans 5 túi luôn được xem là thời thượng.
Tài tử điển trai James Dean cũng góp phần mang lại danh tiếng cho một thiết kế quần dài đặc trưng của nước Mỹ: quần kaki vốn có nguồn gốc từ quân đội. Cũng như jeans, quần kaki cho cảm giác thoải mái và dễ bảo quản. Khi được mặc cùng áo choàng thể thao, áo sơmi hở nút và giày mọi loafer thì quần kaki trông đầy kiêu hãnh, lịch sự.
Quần dài hoàn hảo
Những chi tiết làm nên một chiếc quần dài không thể chê!
1. Xếp ly kiểu Pháp: Nút khóa giúp phân biệt một chiếc quần chất lượng cao cấp với những kiểu quần bình thường mặc hàng ngày. Dây kéo được đính vào một dải eo mở rộng, giúp giảm bớt áp lực vùng eo và giữ cho phần trước chiếc quần được thẳng.
2. Dải lưng quần được may thật kỹ: Phần lưng quần được may thẳng tắp để giữ phom với phương pháp khâu nổi riêng biệt bằng khâu chữ V ở lưng, nhờ đó mà quần có thể được sửa dễ dàng cho phù hợp với từng thân hình.
3. Đường may nối được viền: Đường may được ép thẳng, phần mép vải được viền để gia cố.
4. Lớp vải lót cẩn thận: Quần Âu cao cấp luôn có lớp vải lót được may từ lưng quần và dài đến gần đầu gối. Phần vải lót làm tăng độ bền và sự thoải mái cho người mặc.
5. Gấu quần: Nếp gấp ở gấu quần tạo trọng lượng. Nếu thấp người, hãy bỏ qua phần xắn gấu. Quần xắn gấu có viền thẳng, còn quần không may xắn gấu sẽ có vạt sau dài hơn chạm đến gót dưới.
6. Xếp ly: Những dải xếp ly dài tạo độ phồng cho phần trên quần, thích hợp cho quý ông có thân hình khiêm tốn. Tuy nhiên, hầu hết quần Âu thời nay có phần trước được may phẳng, ngay cả khi mặc theo kiểu Âu phục.
3 kiểu quần Âu bạn cần có
Có rất nhiều dịp quan trọng yêu cầu trang phục lịch sự khiến không ít đàn ông bị lúng túng. Nếu chủ tiệc không đòi hỏi bạn phải mặc Âu phục (bộ suit) nhưng vẫn đề cao tính trang trọng, bạn có thể chọn 3 loại quần sau. Cả 3 đều dễ kết hợp với áo jacket hoặc áo choàng thể thao. Nếu việc phối hợp với blazer quá đơn điệu, bạn có thể đeo thêm cà-vạt, mặc thêm áo cardigan chất liệu cashmere hoặc thay đổi kiểu giày.
1. Quần bằng vải len nhiệt đới màu xám: Đây là chất liệu cổ điển nhất dành cho kiểu quần Âu. Hãy diện cùng áo khoác len màu camel, giày nâu da lộn để trông như một quý ông người Ý hoàn hảo.
2. Quần vải flanen màu xám đậm: Tủ đồ của một quý ông sành điệu không thể thiếu chiếc quần này. Những ngày trở lạnh, bạn có thể phối cùng áo len có kéo khóa trước, sơmi kẻ và cà-vạt, hoặc kết hợp cùng áo len dày và đi bốt.
3. Quần nhung màu nâu nhạt: Sẽ là thảm họa nếu bạn phối quần này cùng với áo blazer xanh quân đội, vì từ một quý ông bạn sẽ trông như cậu nam sinh trung học. Thay vào đó, hãy diện cùng cà-vạt lụa, một đôi giày Tây có khóa ở một bên hoặc mặc cùng áo khoác vải tuýt.
Độ dài quần thế nào là đúng?
Gấu quần nên phủ qua giày bao nhiêu là đủ? Mặc quá dài thì bạn sẽ trông như đang mặc chiếc quần mượn của người khác, còn gấu quần quá ngắn sẽ làm giảm sự lịch lãm của bạn.
Quần Âu xắn gấu: Toàn bộ phần gấu quần nên che giày và gấu chỉ nên rộng từ 3,5 – 5cm để quần được thẳng và gọn gàng. Đường viền nên may thẳng tuyệt đối.
Quy tắc vàng: Nên tránh xa những đôi giày thô kệch.
Quần Âu không xắn gấu: Nên đủ dài để phần trước không bị nhàu. Một đường nhàu không bị vỡ đồng nghĩa với quần quá ngắn. Viền gấu nên đồ về phía sau.
Quy tắc vàng: Tốt nhất là chỉ nên kết hợp với giày Tây.
Quần Chino: Quần phải đủ dài để phủ qua giày khoảng 3,5cm.
Quy tắc vàng: Không bao giờ để lộ tất!
Quần jeans: Vừa đủ dài để che dây giày và nằm ngay mắt cá chân.
Quy tắc vàng: Ngoài bốt, giày thể thao, jeans còn thích hợp với các loại giày điệu đà đế mỏng và mũi nhọn.
Xu hướng mới nhất!
Theo dòng chảy đương đại, quần dài xuất hiện nhiều biến tấu vô cùng thời thượng và tạo nên những cơn sốt trong làng thời trang thế giới. Nổi bật nhất chính là xu hướng quần Âu ôm sát xắn gấu được nam tài tử Hàn Quốc Lee Min Ho tích cực lăng xê. Sự trang trọng vốn có của chiếc quần Âu chính thống được phù phép để trở nên trẻ trung và hợp mốt một cách bất ngờ. Chính xu hướng này đã đập tan quan niệm rằng quần Âu đẹp nhưng luôn khiến người mặc trông già đi. Chiếc quần xắn gấu cũng trở nên linh động hơn khi có thể phối được với nhiều kiểu giày khác nhau. Nhiều loại quần dài có lưng quần thấp hơn, đáy quần cao hơn và phom dáng ôm hơn để tôn dáng người mặc.
Xem thêm Phụ nữ mặc quần?
Bài: Long Lương – Ảnh: Tư liệu