HÀNH TRÌNH THẾ KỶ VÀ NHỮNG BIẾN THỂ THÚ VỊ
Suốt thế kỷ XIX đến trước Đệ nhất Thế chiến, áo sơmi trang trọng có phần cổ áo tháo rời khá cứng nhắc đã từng là chủ đề than thở của các cây viết thời trang bấy giờ.
Sau thời gian phục vụ chiến tranh, nam giới trở nên thờ ơ với những trang phục dân dụng gò bó. Họ khởi xướng nhiều thay đổi trong thời trang, điển hình là kiểu sơmi ôm tự nhiên với cổ áo mềm xếp ngược ra sau. Vẻ đẹp choáng ngợp của những chiếc sơmi thanh lịch đầy màu sắc có thể đốn gục người phụ nữ từng được nhà văn F. Scott Fitzgerald miêu tả trong tác phẩm Gatsby vĩ đại.
Theo vòng xoay của thời trang, nhiều kiểu sơmi tiếp tục lên ngôi rồi trở nên lỗi thời, từ kiểu cổ cài (the buttondown), cổ cầu ngang (the tab), cổ xỏ (the pinned) đến cổ Barrymore… Đỉnh cao là sơmi với cổ áo kiểu Windsor. Xuất hiện vào những năm 1930, Windsor với phần cổ cắt gọn cá tính được giới quý tộc yêu thích và nhanh chóng trở nên thịnh hành.
Áo polo thể thao (Polo shirt) được trình làng vào đầu những năm 1930, nổi bật với cổ hở, tay ngắn, khuy ngoài, từng là kiểu áo “sang chảnh” dành riêng cho giới siêu giàu. Được may trên chất liệu cotton và lanh nhẹ, áo polo thể thao (hay sơmi thể thao) được thiết kế để không cần cà vạt, đời thường nhưng vẫn thanh lịch. Không khó để nhận thấy sơmi thể thao những năm gần đây đang tìm về phong cách xưa của thời kỳ khởi đầu.
Một biến thể khác – cơn sốt mang tên T-Shirt đã thay đổi hoàn toàn quan niệm và cách ăn mặc của nam giới. Có thiết kế đơn giản nhưng khi được may bằng vải cashmere hoặc lụa nhẹ, T-Shirt có thể có giá hàng trăm đôla Mỹ. Một chiếc TShirt hoàn hảo phải có chất lượng tốt, làm từ 100% cotton, màu trắng hoặc đen theo kiểu Mỹ. T-Shirt phối cùng quần kaki, thắt lưng và giày lười thích hợp cho nhiều dịp, trừ nơi công sở và những buổi họp quan trọng.
Áo len (sweater) ra đời sau đó và có sức hút mãnh liệt như một cơn lốc. Vốn là phục trang của tầng lớp lao động chân tay, áo len được giới thị dân trong kỷ nguyên nhạc Jazz nhiệt liệt đón nhận. Tại Anh, diễn viên kiêm nhà soạn kịch Nöel Coward chính là người tiên phong mặc những chiếc áo len đủ màu sắc, khiến cà vạt “chìm nghỉm” một thời gian dài. Hàng ngàn biến thể đa dạng khiến việc tạo phong cách với áo len cũng dễ như khi ta chui người vào loại áo thoải mái tuyệt vời này.
SƠMI CỔ CÀI BUTTON-DOWN CỦA NHÀ BROOK BROTHERS
Kiểu sơmi với phần cổ áo có khuy cài vào ngực áo từng được những tên tuổi lớn trong giới nghệ thuật và kinh doanh yêu thích. John Brooks, cháu trai của nhà sáng lập thương hiệu Brook Brothers chính là người biến nó thành một điểm son của thời trang Mỹ dù không trực tiếp sáng tạo nên chiếc áo mang tính biểu tượng này. Trong một trận polo tại Anh năm 1896, Brooks để ý thấy các cầu thủ mặc áo cài khuy cổ để cổ áo không bay lập phập khi cưỡi ngựa. John mang kỹ thuật này về Mỹ và bắt đầu bán ra những mẫu sơmi cổ cài vào năm 1900. Đẹp đời thường và mang tính ứng dụng cao, đến những năm 1920, sơmi cổ cài trở thành biểu tượng của thời trang Mỹ.
ĐẶC ĐIỂM CỦA SƠMI “CAO CẤP”
Khuy dưới cùng: Chỉ những chiếc sơmi tốt mới có hàng lỗ xỏ khuy được rạch dọc và khâu vào thân áo, chỉ có lỗ dưới cùng nằm ngang. Trong quá khứ, sơmi từng được cài khuy vào trước quần để bớt phồng. Dù quần Tây hiện đại không còn chức năng này nữa nhưng các thợ may hàng đầu vẫn xem đây là một truyền thống cần lưu giữ và trân trọng.
Dải xếp phồng ở lưng: Thân sau sơmi có phần vải xếp phồng nổi bật, trải dài từ vai xuống đáy áo, tạo độ rộng cho lưng áo.
Vai áo khâu tay: Chỉ một chiếc sơmi cực kỳ cao cấp mới có tay áo được khâu bằng tay vào cầu vai để từng đường kẻ sọc khớp nhau hoàn hảo.
Cổ áo tương phản: Bắt nguồn từ chiếc cổ áo trắng được thiết kế để phối với áo đủ màu nhưng vẫn lịch sự, cổ áo tương phản giờ đây là một phong cách được giới sành thời trang yêu thích.
Thân áo trước: Thân áo là dải vải trước áo với hàng lỗ khuy trải dài đẹp mắt. Với sơmi cao cấp, thân áo luôn được gia công trên một mảnh chất liệu riêng, sau đó được may liền vào bằng máy may một kim. Để hợp thời tiết và thanh lịch, sơmi mùa Hè siêu nhẹ thường không có phần thân áo riêng này.
Vải đệm: Miếng vải nhỏ được may gia cố cho đáy áo ở nơi giao nhau giữa tà trước và sau.
Khuy áo: Khuy xà cừ chỉ có trên sơmi cao cấp. Khuy càng dày càng chất lượng và bền sau nhiều lần giặt tẩy. Khuy bốn lỗ bám áo chắc hơn ba hay hai lỗ.
CÁC CHI TIẾT BIẾN TẤU CỦA SƠMI
Cổ tay áo
Từ trái sang:
Kiểu một khuy: Thực tế, hiện đại và không cần dùng măng-sét, kiểu một khuy cơ bản thích hợp cho công sở và những nơi không quá trang trọng.
Kiểu hai khuy chữ V: Phần vải may xéo, cổ tay dài trang trọng và đậm chất Pháp, thích hợp khi kết hợp với Âu phục; tăng thêm phần lịch lãm cho chiếc quần jeans và áo khoác thể thao.
Kiểu hai khuy lật: Điệu đà, thời thượng và tiện dụng, hai khuy lật ít phổ biến nhưng đang lên ngôi.
Kiểu Pháp: Với khoảng 1cm hai lớp cổ tay áo nằm gọn dưới tay áo khoác, khuy cài kiểu Pháp mang lại vẻ lịch sự và trang trọng nhất, đặc biệt khi được cài nút thắt lụa hay măng-sét bạc.
Cổ áo
Từ trái sang:
Cổ cài (Button-down): Đẹp nhất khi được cài khuy, kiểu cổ cài phù hợp cho phong cách đời thường và không cần trang trọng.
Cổ bè trung (Medium Spread): Dễ dàng kết hợp với mọi kiểu Âu phục và nhiều cách thắt cà vạt.
Cổ bè hai khuy (Two-button): Rộng, dáng đẹp và cao khi mặc, phù hợp với người có dáng cao và gầy. Có thể phối cùng cà vạt thắt kiểu Windsor hoặc thậm chí không cần cà vạt.
Cổ nhọn thẳng (Straight-point): Cổ điển nhất, hợp với mọi lứa tuổi và dáng cổ, đặc biệt hợp với khuôn mặt tròn và cổ hơi ngắn; rất hợp với cà vạt thắt kiểu Windsor hoặc khối to bản.
Xem thêm Quần Âu thanh lịch – Món đồ không thể thiếu
Xem thêm 6 quy tắc khi mặc áo sơ mi
Nhóm thực hiện
Bài: Long - Lương - Ảnh: Tư liệu - Minh họa: Left Studio