Thương hiệu thời trang Gucci cáo buộc Forever 21 đạo nhái
Gucci vừa đệ hàng loạt đơn kiện cũng như yêu cầu phong tỏa những sản phẩm của thương hiệu Forever 21 vì những vi phạm bản quyền thiết kế trắng trợn.
Gucci đã gửi bức đơn đầu tiên vào đầu tháng 12/2016 để yêu cầu thương hiệu thời trang nhanh Forever 21 (F21) ngưng bán toàn bộ sản phẩm có họa tiết “sọc xanh dương – đỏ” đặc trưng của Gucci mà F21 đang sử dụng trên những sản phẩm bày bán. Bức đơn thứ hai và thứ ba tiếp tục được gửi vào tháng Một và Hai năm nay, không chỉ cảnh cáo và buộc F21 bỏ chi tiết đường “sọc xanh dương – đỏ” ra khỏi những thiết kế mà cả những đường “xanh lá cây – đỏ”. Gucci nói rằng những họa tiết trên những thiết kế của F21 “giống một cách không thể phân biệt được” với những họa tiết danh tiếng của Gucci.
Những thiết kế của Forever 21 có chứa họa tiết sọc “xanh dương-đỏ” và “xanh lá-đỏ” giống của Gucci.
Để đáp trả, Forever 21 cũng đã lên tiếng tự vệ trước những cáo buộc của Gucci rằng: “Forever 21 không hề vi phạm bất cứ một chi tiết nào của Gucci. Việc đệ đơn cáo tụng liên quan đến tranh chấp bản quyền họa tiết này cần được Gucci bãi nại. Và dù gì thì chúng tôi cũng sẽ chờ đợi tuyên bố từ sự phán quyết cuối cùng”.
Điều thú vị ở đây là chính thương hiệu thời trang Gucci cũng từng bị cáo buộc trong ba vụ việc đạo nhái bản quyền vài tuần trước đó. Đầu tiên là vụ việc chiếc áo khoác của Gucci trong bộ sưu tập Cruise 2016 bị xem là “đạo” từ nguyên bản từ năm 1989 của nhà thiết kế Darper Dan. Nhưng sau đó Gucci đã đính chính rằng chiếc áo này lấy cảm hứng từ nhà thiế kế Dapper Dan cũng như vinh danh văn hóa thời trang hip-hop của những năm 80s.
Chiếc áo khoác lông và tay phồng họa tiết LV của nhà thiết kế huyền thoại Dapper Dan vào năm 1989 dành cho nữ vận động viên dành huy chương vàng Olympic, Diane Dixon.
Thiết kế “lấy cảm hứng” của Gucci trong BST Cruise 2017.
Người thứ hai cáo buộc Gucci chính là nghệ sĩ Start Smythe, anh nói rằng Gucci đã lấy mẫu thiết kế từ năm 2014 của mình. Anh đem lên instagram hai hình ảnh so sánh để chứng minh rằng Gucci không chỉ lấy cắp bố cục và thành phần của mẫu logo hình con rắn của mình, mà khi đặt bản vẽ hình rắn này lên bản sao chép thì tỷ lệ lẫn các đường nét khớp nhau một cách hoàn hảo.
Smart Smythe đăng hình ảnh so sánh trên istagram cá nhân của mình.
Giám đốc sáng tạo của Gucci, Alessandro Michele, trong chiếc áo hình rắn gây tranh cãi tại BST Resort 2018
Người thứ ba tố cáo Gucci là Milan Chagoury, người hiện đang thiết kế cho thương hiệu thời trang Úc tên là Stay Boy. Chagoury nói rằng Gucci đã lấy hình logo hổ trắng mà anh thiết kế từ năm 2015 và đã thay đổi hình hổ thành báo đen. Chagoury cũng đăng đàn lên instagram bằng chứng so sánh của hai mẫu.
Chính thương hiệu Stay Boy đã đăng lên dòng trạng thái so sánh giữa thiết kế của Milan Chagoury và thương hiệu thời trang Gucci.
Còn Forever 21 thì cũng không phải là một gương mặt lạ lẫm gì với những vụ kiện tụng về đạo nhái ý tưởng. Năm ngoái, chính F21 cũng bị cáo buộc nhái những thiết kế của Kanye West, Thrasher và Emily Oberg cũng như hơn 50 lần khiếu kiện từ trước tới nay.
Dominic Nguyen (nguồn: New York Times, Highsnobiety, instagram nhân vật)