Làm đẹp / Tin làm đẹp

Ikigai – “Lẽ sống” của các vĩ nhân Nhật Bản

“Ikigai” là khái niệm ý thức về mục đích, ý nghĩa và động lực trong cuộc sống, là cột trụ tinh thần giúp người Nhật không chỉ sống thọ mà còn sống một cuộc đời tích cực và hạnh phúc. Ba câu chuyện về ba huyền thoại của Nhật Bản sẽ cho ta thấy rõ, dù khác nhau về lĩnh vực và tài năng nhưng họ có chung cốt lõi thành công chính là ikigai.

Bốn ký tự tạo nên ikigai mang ý nghĩa: sự sống – những gì xứng đáng – sự ưu tiên, khởi xướng – vẻ đẹp, sự thanh lịch, đã phần nào nói lên bản chất của khái niệm này. Với người Nhật, việc tìm ra ikigai có quan trọng cốt yếu đối với sự nghiệp và nhân sinh của họ vì đây là chiếc la bàn dẫn đường mỗi người tìm ra được sứ mệnh và giá trị tồn tại của mình. Hay còn gọi là “lẽ sống”, là niềm tin và lý tưởng cao đẹp mà họ theo đuổi suốt đời.

lối sống ikigai
Ikigai hay còn gọi là “lẽ sống”, là la bàn dẫn lối cuộc sống của người Nhật.

Ngài Daisuke Nonogawa – Nghệ nhân kiến tạo vẻ đẹp đích thực

Ngài Daisuke Nonogawa - Người sáng lập thương hiệu Menard
Ngài Daisuke Nonogawa – Người sáng lập thương hiệu Menard.

Như bất cứ người Nhật nào trưởng thành trong giai đoạn đất nước tái thiết sau Thế chiến thứ hai, ngài Daisuke Nonogawa thấu hiểu sâu sắc nỗi buồn vẫn còn âm ỉ trong lòng những người phụ nữ. “Làm cách nào để mang lại hạnh phúc cho họ?” Có lẽ những hạt mầm ikigai “sự sống – những gì xứng đáng – sự tiên phong – vẻ đẹp” của ngài Nonogawa được gieo trong tâm chính từ câu hỏi ấy. Không ngừng lao động, học hỏi, thất bại lại đứng lên, năm 1959 ông chính thức xây dựng thương hiệu mỹ phẩm Menard để thực thi sứ mệnh của đời mình.

Yêu cái Đẹp sâu sắc, tận tụy chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp cho phụ nữ, kiến tạo nên thế giới quan tao nhã, mang đến cho cộng đồng những nghiên cứu tiên phong cùng sự phục vụ bằng cả trái tim. Tất cả nhằm trao cho nữ giới cơ hội để toả rạng vẻ đẹp riêng có trong cả hình thức và tâm hồn. Khi những “cột trụ” từ tinh thần, sứ mệnh và tầm nhìn đó giao thoa đã kết tinh thành ikigai – “lẽ sống” của ngài Nonogawa và thương hiệu Menard: “Vươn tới vẻ đẹp đích thực”. Qua đời vào năm 2019, di sản của cố chủ tịch Daisuke Nonogawa để lại cho hậu thế trải dài từ lĩnh vực khoa học kỹ thuật đến văn hoá nghệ thuật, đều hội ngộ ở giao điểm ikigai ấy:

Viện nghiên cứu Menard được thành lập từ năm 1971 với hơn 100 nhà khoa học cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu tiên phong như đưa chiết xuất Linh chi vào mỹ phẩm hay hồi sinh vẻ đẹp làn da từ tế bào gốc. Cùng với sự lớn mạnh của Tập đoàn Menard và sự phát triển của thương hiệu tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, Daisuke Nonogawa được ghi nhận là “công thần” đưa nền công nghiệp sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm Nhật Bản bước vào một giai đoạn phát triển mới. Không chỉ là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất mỹ phẩm Nhật Bản trong nhiều năm liền, ngài Nonogawa còn được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó đặc biệt nhất là huân chương Kunsantu Zuihousyo, một trong những danh hiệu cao quý nhất của chính phủ Nhật Bản.

Kem dưỡng chống lão hóa từ tế bào gốc Authent Cream II
Kem dưỡng chống lão hóa từ tế bào gốc Authent Cream II.

Nonogawa còn xây dựng Khu quần thể resort văn hoá và sinh thái 6 sao Aoyama với vườn thảo mộc và rừng tự nhiên, Viện bảo tàng Menard với 1.500 tác phẩm kinh điển của thế giới để nuôi dưỡng và lan toả tình yêu cái Đẹp không chỉ hiện tại mà còn cho thế hệ mai sau. Có thể nói, ngài Nonogawa đã sống cuộc đời phi thường theo đúng ikigai “vươn tới vẻ đẹp đích thực” cho tới giây phút cuối cùng, như lời ông vẫn thường tâm niệm: “Chúng ta gieo hạt mầm của lòng nhân ái. Chúng ta tin tưởng những hạt mầm đó sẽ mang lại trái ngọt. Chúng ta chăm chỉ để tận hưởng mỗi ngày”.

Ngài Torakusu Yamaha – Nghệ nhân của những chiếc dương cầm

ikigai - Ngài Torakusu Yamaha - Người sáng lập thương hiệu Yamaha.
Ngài Torakusu Yamaha – Người sáng lập thương hiệu Yamaha.

Năm 1887, kỹ sư y cụ Torakusu Yamaha trong một dịp đi sửa đàn Reed organ đã tìm thấy niềm đam mê của mình trong việc làm đàn. Chiếc Reed organ đầu tiên của Nhật được ông chế tạo ra sau 63 ngày nghiên cứu và cùng một người bạn gánh chiếc đàn trên vai băng qua 200 km từ Hamamatsu đến Tokyo để xin Bộ văn hóa cấp phép. Sau bao thăng trầm, năm 1987 Yamaha thành lập tập đoàn sản xuất nhạc cụ Nhật Bản Nippon Gakki Co. Ltd và đến năm 1904 đã nhận được giải thưởng quốc tế đầu tiên.

Sau khi ngài Yamaha qua đời năm 1917, tập đoàn Yamaha gần như sụp đổ sau trận đại động đất Kanto năm 1923 và Thế chiến thứ hai. Thế nhưng tập đoàn đã vượt qua khó khăn và tái sinh mạnh mẽ từ đống tro tàn nhờ kế thừa ikigai của ngài Torakusu Yamaha: “Không bao giờ bỏ cuộc dù thất bại bao nhiêu lần đi nữa, để làm ra được chiếc đàn Yamaha hoàn hảo nhất.” Chính vì lẽ đó, bất cứ ai đến tham quan từ công xưởng sản xuất đến cửa hàng Yamaha đều sẽ nhận ra niềm hăng say và hãnh diện của từng thành viên nơi đây. Khi được biết vị khách nào đang chơi đàn piano Yamaha, họ sẽ chân thành cảm tạ: “Xin cảm ơn ông/ bà đã ưu ái dùng chiếc piano Yamaha của chúng tôi” với tất cả niềm tự hào.

Ngài Jiro Ono – Nghệ nhân đưa sushi thành nghệ thuật

ikigai - Hai cha con David Beckham dùng bữa tại Sukiyabashi Jiro do đích thân ông Jiro Ono đứng bếp
Hai cha con David Beckham dùng bữa tại Sukiyabashi Jiro do đích thân ông Jiro Ono đứng bếp.

Sukiyabashi Jiro – một trong những nhà hàng sushi Nhật Bản nổi tiếng nhất thế giới được cựu tổng thống Mỹ Obama, David Beckham, Anne Hathaway, Hugh Jackman… khen ngợi hết lời vốn chỉ là một cửa hàng vô cùng khiêm tốn dưới tầng hầm toà nhà văn phòng, vỏn vẹn duy nhất 10 ghế. Linh hồn nơi đây chính là ông Jiro Ono, đầu bếp 3 sao Michelin cao tuổi nhất thế giới với ikigai: “Tất cả những gì tôi muốn đó là có thể làm ra món sushi ngon hơn”.

Để mỗi phần sushi trở thành một tác phẩm nghệ thuật đủ sức lay động con tim thực khách, ông nghiên cứu hàng chục năm để tìm ra thời điểm hương vị thăng hoa của từng nguyên liệu, làm sao kết hợp nắm cơm, miếng cá và gia vị đúng khoảnh khắc chúng ngon nhất. Và sushi của Jiro có linh hồn riêng nhờ được cá nhân hoá phù hợp với khuôn miệng, cách cầm nắm, cảm xúc và hành vi của từng vị khách. Người “nghệ nhân của các nghệ nhân” về sushi ấy đã không chế biến một món nào khác ngoài sushi suốt 80 năm: “Một khi đã lựa chọn nghề nghiệp, tôi yêu và dành cả cuộc đời mình cho nó”. Đó là cách ông tìm thấy ikigai và chính ikigai ấy đã giúp ông trở thành truyền kỳ.

 

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE  
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)