Làm đẹp / Tin làm đẹp

Miss Dior – Giải mã thiết kế hương vị của tình yêu

Đối với Christian Dior, Miss Dior chính là biểu tượng của tình yêu mà ông dành cho cô em gái Catherine Dior - một cô công chúa luôn nhỏ bé ngọt ngào trong lòng ông.

Trong nhịp sống hối hả ngày nay, nhiều người cho rằng tình yêu đã quá cũ kĩ. Một số khác cực đoan hơn lại nói tình yêu đã chết. Điều đó ắt hẳn dành cho những ai chẳng hề biết gì về tình yêu. Còn đối với Christian Dior, tình yêu là thứ gì đó cụ thể đến mức ông có thể “ngửi” được. Đó là lý do tại sao ông đã đặc biệt yêu cầu “một loại nước hoa mang hương vị của tình yêu” khi thiết kế dòng nước hoa đầu tiên của mình. Ngày nay, “tình yêu” của Christian Dior có đến mười sáu sắc thái khác nhau, thể hiện qua những phiên bản Miss Dior được cho ra mắt kể từ năm 1947. 

Khi ngành công nghiệp nước hoa ngày càng đại chúng hóa, và những tiêu chuẩn truyền thống về sự thanh lịch đã thay đổi, việc hiểu biết về những sự tiến hóa trong lịch sử của một mùi hương biểu tượng lại trở nên quan trọng hơi bao giờ hết. Miss Dior là một trong những biểu tượng lớn nhất trong ngành chế tạo nước hoa trong thế kỷ 20. Mặc dù Miss Dior vẫn tiếp tục xinh đẹp, quá trình phát triển và cải tổ đã làm mất đi một số nét quyến rũ vốn có của nó. Sau những phiên bản mở rộng, chúng ta dường như đều có chút nuối tiếc với Miss Dior nguyên thủy. Tình yêu đầu bao giờ cũng là tình yêu đẹp nhất, đúng không?

Miss Dior – cái tên đi vào lịch sử thời trang thế giới

Cho buổi trình diễn bộ sưu tập đầu tiên của mình, Christian Dior đã chuẩn bị một mùi hương nước hoa đặc biệt, nhưng ngay trước thềm show diễn, tên gọi cho hương thơm này vẫn chưa có.

Trong lúc Christian Dior và bạn bè của mình đang cùng nhau thảo luận, em gái của ông, Catherine Dior, đẩy cửa bước vào. Một người bạn thân thiết và cũng là 1 trong những nàng thơ của Dior, Mitzah Bricard, đã thốt lên “here comes Miss Dior” – “tiểu thư nhà Dior đây rồi”. Chính khoảnh khắc đó, Christian Dior đã nghĩ trong đầu “quả thật là một cái tên hoàn hảo!”. Chính khoảnh khắc định mệnh đó, khoảnh khắc mà Catherine Dior bước vào dinh thự 30 Montaigne đã đi vào huyền thoại. Và Miss Dior đã trở thành tên của mùi hương đầu tiên của nhà mode.

Christian Dior hình dung Miss Dior như là linh hồn của những chiếc váy đầu tiên của ông. Và sau đó, lịch sử tiếp diễn như cả thế giới đã biết khi giấc mơ thời trang của Christian Dior trở thành hiện thực. Sàn runway ngày đó chật kín người và thành công vang dội. Toàn bộ không gian show diễn ngập tràn trong một mùi hương, và khách mời rời show về nhà trên người vẫn còn vương vấn hương thơm Miss Dior. Trên thực tế, hơn một lít nước hoa nguyên chất đã được xịt khắp dinh thự Dior tại Pháp mỗi tuần. 

Cần nhắc lại là năm 1947 là thời điểm vừa sau thế chiến thứ 2, khi những hậu quả sau chiến tranh vẫn còn nặng nề và tâm trạng chung của cả thế giới đều đang rất u ám. Nhưng, sau show diễn đó, phụ nữ bất ngờ được phép một lần nữa trở nên thanh lịch, khoác trên mình những sắc màu và phô ra những đường cong nữ tính quyến rũ. Bên cạnh đó, nhà thiết kế đại tài thậm chí còn mang đến một lọ nước hoa biểu tượng.

Thiết kế lọ quay vạc amphora nữ tính

Miss Dior lên kệ vào ngày đầu tiên của tháng 12, chín tháng sau buổi trình diễn thời trang. Thiết kế ban đầu của Miss Dior là chiếc lọ hình vạc amphora, được lấy cảm hứng từ hình bóng mà Christian mơ ước cho người phụ nữ: hiện đại và thanh lịch. Chiếc lọ amphora mang trong mình những vẻ đẹp của sự nữ tính, tràn trề sức sống và trường tồn cùng năm tháng. Lọ amphora với vòng cổ còn là biểu tượng của vật chứa đựng những tinh chất quý giá nhất. Tất cả đều có trong thiết kế của Miss Dior. Hơn nữa, hình dáng của amphora là sự kết hợp giữa hình ảnh đồng hồ cát và những đóa hoa, điều này đã làm tôn lên vẻ đẹp quyến rũ và căng tràn của tuổi trẻ. Cái nhìn mới lạ của Dior đã chấm dứt những chuỗi ngày tẻ nhạt đối với thời trang và mỹ phẩm bởi những ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh.

Thiết kế của vỏ chai được cải tiến vào năm 1949, và trong khi thiết kế amphora vẫn là niềm kiêu hãnh với những đường cong nữ tính quyến rũ, những vòng cổ biến mất và thay bằng thủy tinh với ba màu xanh dương, trắng và đỏ, thể hiện lòng tôn kính của ông đối với phụ nữ Pháp. “Tôi đã tạo ra một loại nước hoa để mọi phụ nữ đều được khoác lên mình mùi hương của sự nữ tính và lộng lẫy, như thể mỗi chai nước hoa đều là hiện thân của từng chiếc váy trong bộ sưu tập của tôi” Christian Dior nói.

Thiết kế vuông vức mang tính kiến trúc

Vào năm 1950, nhà thiết kế đại tài sáng tạo nên những họa tiết thẳng, và một thiết kế chai mới cho Miss Dior. Hình ảnh mới của Miss Dior với những đường nét sắc cạnh hơn, nhã nhặn và mộc mạc hơn nhưng cũng rất mềm mại khi được điểm một chiếc nơ lụa thắt ở cổ chai và họa tiết rang sói được trạm trổ trên mặt kính. Nó mang linh hồn của thương hiệu và cảm giác của sự tỉ mỉ, những thiết kế riêng biệt chỉ có ở Dior. Mật mã thương hiệu của Dior về sự thanh lịch vẫn được sử dụng trên những thiết kế của những chai nước hoa Miss Dior với những thay đổi nhỏ cho đến ngày nay.

Thiết kế mang tính biểu tượng của chai nước hoa này là sự kết hợp thành công của rất nhiều yếu tố. Đó là họa tiết rang sói, dải ruy băng và những chiếc nơ thắt cùng với kiểu chữ in ấn – những mật mã thương hiệu đã góp phần hình thành nên nước hoa Miss Dior từ những ngày đầu tiên. Hãy cùng nhau du hành về quá khứ để cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp trong thiết kế của Miss Dior ngày ấy và bây giờ.  

Họa tiết răng sói

Năm 1939, khi làm việc cho Robert Piguet, Christian Dior đã tạo ra chiếc váy có họa tiết răng sói đầu tiên của mình. Ông vốn rất hứng thú với văn hóa nước Anh bởi những ý nghĩa trong những lễ nghi truyền thống và phong tục tập quán nơi đây, cùng với sự lễ độ, lịch thiệp của những người con nước Anh. Hoa văn Hoàng tử xứ Wales được truyền bá bởi Công tước xứ Windsor vào khoảng những năm 1920, đây được xem là biểu tượng của giới quý tộc Anh qua những bộ trang phục dành riêng cho nam giới. Tuổi thơ của Dior trải qua bên bờ biển ở Granville và điều đó đã mang đến cho ông những cơ hội để hòa nhập với khách du lịch Anglo-Saxon. Nền văn hóa nước Anh đã có những ảnh hưởng sâu sắc tới ông và thậm chí ông còn đưa vào 1 chút “phong cách Ăng-lê” cho mùi hương nước hoa đầu tiên của mình, Miss Dior. Họa tiết răng sói, còn được biết đến là họa tiết răng cưa hay zigzag (trong tiếng Pháp, pied-de-poule) là một đặc quyền của những quý ông thanh lịch, được lặp đi lặp lại, chỉ với 2 màu trắng – đen, tạo ấn tượng như một miếng vải xám sang trọng. Bên cạnh đó, nếp gấp màu hồng và xám, một biểu tượng khác của nhà mode, còn kết hợp một màu nữ tính và một màu nam tính. Bằng cách này, biến thể  răng sói không còn dành riêng cho nam giới mà trở nên phù hợp cho cả phái nữ. Sau này vào năm 1950, Miss Dior đã được thiết kế lại thành hình vuông cùng với họa tiết răng sói được khắc trên kính. 

Nghệ thuật in ấn

Bên cạnh việc sử dụng tên tiếng Anh là “Miss” thay vì “Madoisoiselle” và những dấu ấn về thời trang nước Anh, kiểu chữ được chọn để thể hiện tên của loại nước hoa này cũng gợi nhớ đến văn hóa đất nước này. Font chữ Edwardian đã được chọn để in ấn cho Miss Dior, và sau đó, kiểu chữ này đã trở thành một phần của hình ảnh thương hiệu. Diorissimo (1956) và Diorling (1963) cũng đã sử dụng kiểu chữ nhã nhặn và thanh lịch này để gợi lại những tấm thiệp được sử dụng để mời bạn bè thưởng trà hoặc dùng bữa tối.

Dải ruy băng và những chiếc nơ

Ruy băng là một bước ngoặt khác của Miss Dior, đây là điểm dễ nhận thấy nhất trong những hình ảnh quảng cáo gần đây của dòng nước hoa này. Dải ruy băng ấy tượng trưng cho một món quà; nó gói gém điều quý giá sẽ được trao cho người mà chúng ta yêu thương. Chiếc nơ của hãng xuất hiện lần đầu trong quảng cáo với chữ ký của René Gruau bắt mắt vào năm 1947 cho Miss Dior.

Sự minh họa được thể hiện bằng một bức tranh vẽ một con thiên nga với một chiếc nơ lụa thắt quanh cổ. Nút thắt nhỏ này trở thành biểu tượng của Miss Dior. Cổ chai được trang trí bằng một nút lụa đen hoặc trắng, tùy thuộc vào nồng độ của nước hoa. Bên cạnh đó, nó cũng khiến ta liên tưởng đến những chiếc nơ trên cổ áo của những bộ âu phục được đặt may riêng cho nam giới. Qua đó, một lần nữa thể hiện niềm hứng khởi mãnh liệt của Christian Dior trong việc vượt qua các ranh giới giữa sự nữ tính và nam tính như ông đã làm với họa tiết răng sói. 

Trên các hộp các tông, xuất hiện một loại nơ con bướm: le nœud Fontanges, lấy cảm hứng từ những xu hướng làm đẹp từ thế kỷ 18 tại Palais de Versailles. Nơ Fontanges được đặt theo tên của Nữ công tước Marie-Angélique Fontanges, tình nhân của Louis XIV. Vào thời điểm đó, bà cũng đã truyền bá một kiểu tóc có tên của chính mình. Chiếc nơ với hình oval mang tên “Miss Dior” đã trở thành một thiết kế mang tính biểu tượng cho rất nhiều sản phẩm của Dior.

Thông điệp tiên phong giải phóng nữ quyền

Đối với Christian Dior, Miss Dior chính là biểu tượng của tình yêu mà ông dành cho cô em gái Catherine Dior – một cô công chúa luôn nhỏ bé ngọt ngào trong lòng ông. Tuy nhiên, Miss Dior lại được xây dựng như một hương thơm đại diện cho tình yêu. Câu chuyện tình yêu với những note hương ngọt ngào ấy rất dễ khiến cho ta nhớ đến hình ảnh những nàng công chúa. Liên hệ lại với lịch sử văn hóa đại chúng, vào thời điểm Miss Dior ra mắt, nhà chuột Disney cũng đang lăng xê thế hệ công chúa thứ 1 của mình. Đó là nàng Bạch Tuyết (1937), Lọ Lem (1950) hay nàng công chúa ngủ trong rừng (1959) đây đều là những nàng công chúa trong sáng, xinh đẹp và mang trong mình khát vọng về tình yêu mãnh liệt. Nhưng họ đều không thể tự mình vượt qua những rào cản của xã hội mà thay vào đó là sự im lặng và phó mặc cho số phận, chỉ biết cầu xin vào những phép màu. 

Và mãi đến những năm 1989, với sự xuất hiện của Nàng tiên cá, và sau đó là những Người đep và quái vật hay Jasmine – hình tượng của những cô công chúa độc lập, can đảm thì người ta mới cảm nhận được sức mạnh tiềm tàng của nữ quyền trong những câu chuyện, thước phim của Disney. Đó là những cô gái bé nhỏ, dịu dàng nhất, nhưng dám đứng lên cất tiếng nói và đấu tranh cho chính bản thân mình. 

Còn đối với Miss Dior, từ những năm 1950, thông điệp về nữ quyền đã được Christian gửi gắm một cách tinh tế và sâu sắc thông qua thiết kế của chiếc nơ 1 cánh. Chiếc nơ 1 cánh rất dễ tháo ra mang đến cảm giác vừa nữ tính nhưng cũng có chút nổi loạn, vừa phóng khoáng nhưng lại rất tinh tế và quyến rũ. Sự phóng khoáng nơi Miss Dior là sự cởi mở nhưng hết sức ý nhị và duyên dáng, tựa như vẻ đẹp của những cô gái mới lớn đang độ xuân sắc xuân thì nhất. Miss Dior không chỉ là một hương thơm, nó còn là cả một nghệ thuật, đại diện cho những tình yêu cao cả thiêng liêng nhất và ẩn chứa cả những thông điệp tiên phong trong giải phóng nữ quyền. 

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)