Làm đẹp / Tin làm đẹp

Tìm lại vị thế cho mỹ phẩm làm đẹp và chăm sóc da thuần Việt

Là những thương hiệu cháy lên từ niềm đam mê cái Đẹp của người Việt.

“Hàng Việt Nam chất lượng cao” là một logo bảo chứng cho chất lượng của mỹ phẩm Việt. Sau 22 năm hoạt động, sự hiện diện của những thương hiệu mỹ phẩm mang chiếc logo này có lẽ là không ít. Thế nhưng, trong chúng ta có bao nhiêu người đã và đang sử dụng những mỹ phẩm làm đẹp và chăm sóc da thuần Việt?

Những thương hiệu mỹ phẩm truyền thống

Khi nói đến mỹ phẩm Việt Nam truyền thống, cái tên được nhắc đến đầu tiên có lẽ là Thorakao. Đây là một thương hiệu có bề dày lịch sử và đã xuất hiện trên bản đồ làm đẹp Việt Nam từ năm 1961 với những sản phẩm như kem trân châu, dầu gội đầu hoa bưởi, kem bóng tóc Parafine & Brillantine. Đến năm 1969, Thorakao đã mở rộng thị trường sang Campuchia và dần dần đặt chân đến các nước Đông Nam Á còn lại. Ngày nay, Thorakao đang có mặt tại rất nhiều quốc gia trên thế giới và đặc biệt còn được bán trên trang Amazon.com.

mỹ phẩm Việt 1

Thorakao có thể được coi là một thương hiệu có đầy đủ các sản phẩm làm đẹp nhất, từ sản phẩm dưỡng da – trị mụn đến các sản phẩm dưỡng tóc và mỹ phẩm trang điểm. Dòng sản phẩm dưỡng da từ nghệ là một thế mạnh của thương hiệu này nhờ khả năng làm liền sẹo và trị mụn hiệu quả. Khi nói đến sản phẩm dưỡng tóc, ai ai cũng phải thừa nhận sự hiệu quả trong việc chống rụng tóc của dòng sản phẩm chiết xuất từ hoa bưởi của Thorakao.

Được thành lập năm 1972, hiện nay mỹ phẩm Lana đang hướng tới hình ảnh của một thương hiệu mỹ phẩm xanh. Đây là doanh nghiệp mỹ phẩm tư nhân đầu tiên và cũng là duy nhất đạt tiêu chuẩn GMP của Bộ Y tế Việt Nam. Các sản phẩm của thương hiệu này không thử nghiệm trên động vật. Tương tự như Thorakao, các sản phẩm của Lana cũng chứa các chiết xuất thiên nhiên. Công ty này có một menu các sản phẩm làm đẹp khá đầy đủ: từ dưỡng da, dưỡng tóc đến trang điểm và làm sạch răng miệng. Ngoài ra, mỹ phẩm Lana còn có một vài thương hiệu nước hoa và dòng sản phẩm riêng dành cho em bé. Khi nói đến Lana, ba dòng sản phẩm vượt trội là dưỡng chất hoa hồng Lana, kem dưỡng da tay Aloe Vera và kem chống nứt nẻ da chân FootGel.

mỹ phẩm Việt 2
Nước hoa Midori Y25 – HOUSE OF PERFUME

“Chị đại” của ngành nước hoa Việt Nam chính là công ty cổ phẩn Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC). Tiền thân của thương hiệu này trước năm 1975 là hãng nước hoa Immortel. Sau 1975, hãng được chuyển tên thành Phân xưởng Mỹ phẩm II, rồi nâng lên thành Xí nghiệp Mỹ phẩm II và cuối cùng là Xí nghiệp Mỹ phẩm Sài Gòn vào năm 1990. Trong những năm 1990, mỹ phẩm Sài Gòn ngoài sản xuất nước hoa còn sản xuất thêm dầu gội đầu. Khi nói đến nước hoa của SCC, dòng sản phẩm Miss Saigon Elegance với những chai dầu thơm mang hình dáng cô gái Việt Nam trong tà áo dài và chiếc nón lá là dấu ấn tiêu biểu. Những lọ nước hoa này rất phù hợp để làm quà biếu cho những vị khách nước ngoài cũng như những người con Việt Nam xa xứ.

Mỹ phẩm Việt Nam thời hiện đại

Vào những năm 2013 – 2014, phong trào làm và bán mỹ phẩm thiên nhiên bỗng rộ lên như nấm mọc sau mưa. Mỗi lần chợ phiên Thanh Niên nhóm họp là có không ít những bạn trẻ bán cám gạo tẩy tế bào chết, son môi handmade, nước hoa khô handmade… Sau thời kỳ đó giới trẻ Việt Nam bắt đầu có ý thức hơn về việc sử dụng mỹ phẩm thiên nhiên.

mỹ phẩm Việt 3
Nước hoa The Essence MISS SAIGON

Đầu tiên, chúng ta phải kể đến Lam Mộc Botanicals. Đây là một thương hiệu mỹ phẩm chuyên về tóc theo phong cách tối giản với những chai dầu gội (mà thật sự là chai nước chưng nấu) bao gồm bồ kết, hà thủ ô, hương nhu, bồ hòn, tinh dầu bưởi, tinh dầu sả chanh như nước gội đầu “mẹ nấu”. Từ một shop nhỏ trên Facebook, Lam Mộc đã trở thành một thương hiệu trẻ rất được ưa thích. Với slogan “Love Green Life”, NauNau là một nhãn hiệu mỹ phẩm thiên nhiên dành sự đầu tư không ngừng nghỉ cho những sản phẩm của mình. Một ví dụ điển hình là mặt nạ dừa sinh học. Từ 2015 đến nay, sản phẩm này đã không ngừng cải tiến. Từ việc sử dụng sợi cellulose đơn giản và hơi rộng so với khuôn mặt của người Việt, đến nay mặt nạ này đã sử dụng chất liệu tiên tiến bio cellulose mỏng nhẹ và vừa khít hơn cho khuôn mặt. Là đứa em của NauNau, Y25 – House of Perfume hướng đến những người hâm mộ nước hoa của Việt Nam. BST nước hoa Scents of Vietnam như một bức tranh được vẽ bằng mùi: từ bao bì đến các note hương đều toát lên một sự hoài niệm về ký ức của những vùng đất nổi tiếng của Việt Nam.

mỹ phẩm Việt 4
1. Kem dưỡng da chân FootGel LANA – 2. Sữa rửa mặt nghệ THORAKAO – 3. Dầu gội đầu LAM MỘC BOTANICALS

“Mỹ phẩm Việt: nàng là ai?” là một câu hỏi có nhiều đáp án. Mỹ phẩm Việt là những sản phẩm lành tính, tốt cho da với giá bình dân. Mỹ phẩm Việt cũng là những tên tuổi có bề dày lịch sử và đang hướng tới tương lai bằng công nghệ xanh. Mỹ phẩm Việt cũng là những thương hiệu cháy lên từ niềm đam mê cái đẹp của người Việt. Một điều không thể chối cãi là mỹ phẩm Việt luôn sử dụng những thảo mộc Việt cho mục đích làm đẹp.

Xem thêm:

Những thành phần mỹ phẩm có thể gây mụn bạn nên lưu ý

Cách ghi hạn sử dụng mỹ phẩm của các nước trên thế giới

Nhóm thực hiện

Bài: Tường Dao Ảnh: Dzũng Yoko, Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)