Một đời sống mới
Đầu Hè 2023, Menard đưa tôi về vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam: Cúc Phương – ngôi nhà của 2234 loài thực vật, 135 loài thú, 336 loài chim, 122 loài bò sát lưỡng cư, 66 loài cá và gần 2.000 loài côn trùng. Rừng già Cúc Phương được mệnh danh là “Thủ đô bảo tồn”. Có không ít loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao như báo gấm, báo lửa, gấu ngựa, sóc bụng đỏ… đã được phát hiện và bảo tồn tại đây, trong đó nổi bật là loài voọc mông đen trắng được xem là biểu tượng của rừng Cúc Phương.
Và chỉ có ở nơi này từ năm 2021, du khách được tham gia trải nghiệm cùng lực lượng chức năng thả động vật hoang dã về với tự nhiên sau khi được cứu hộ. Công tác cứu hộ động vật hoang dã có lẽ là bản dạng sinh động nhất của tình yêu vô điều kiện. Người ta tiếp cận, giải cứu những đứa con của rừng xanh bị thu giữ, mua bán, vận chuyển trái phép. Đưa các em về chữa trị, chăm sóc, phục hồi cả sức khỏe và tâm lý. Để rồi một ngày… tự tay thả em về với rừng xanh. Không giữ chân, không sở hữu, trả em lại nơi em thuộc về: đại ngàn.
Menard tham gia hoạt động “tái hoang dã” này đã hai năm liên tiếp. Năm nay, Menard trân trọng gọi tên chương trình là “Những đôi mắt xanh non” như lời nhắn nhỏ nhẹ đến cộng đồng đừng quên dừng lại hít hà tán lá cây, ẵm bồng bé thú nhỏ, trao đi và nhận lại một “cuộc đời xanh non”. Tháng 4 năm 2023, Menard một lần nữa cùng những bạn hữu, tri kỷ của mình như PGS.TS Hà Đình Đức, đạo diễn Cao Trung Hiếu tiến vào lõi sâu của thủ đô bảo tồn để trả lại tự do cho 6 chú công má vàng, 2 chú cầy vòi mốc, 2 chú chồn bạc má, 2 chú mèo rừng và 2 chú rùa sa nhân. Sau khi được đội ngũ kiểm lâm của rừng giải cứu, nâng niu, rèn lại cho tập tính tự nhiên, khoảnh khắc ấy cũng đến: cửa lồng mở ra, chững lại vài giây phút, lúng túng trước màu xanh và không gian trước mắt, những người bạn đã từng bị con người tổn thương khẽ đứng lại trong thoáng chốc trước một cuộc đời mới rồi phóng mình về phía lá xanh, hang thẳm, đất mùn. Đó là nơi tất cả muôn loài thuộc về, cả loài 4 chân và cả chúng ta: đại ngàn.
Ban quản lý rừng Cúc Phương gọi đây là hoạt động “Về Nhà”. Tôi thấy mình mới chính là người được “về nhà”. Tôi đã tìm lại sự tinh khôi trong lòng, về với khoảng xanh rừng nguyên sinh mà tôi nhung nhớ, nơi xung quanh là những giọt hơi nước căng đầy sức sống màu lam sẫm, rêu xanh và lá mục sau đêm mưa. Đưa những em bé về với rừng xanh, học được rằng tình yêu lớn nhất không phải là nắm giữ kề bên mà là trao đi tự do.
Chân trời trong từng bước chân
Nhiều năm đồng hành cùng giải chạy xuyên vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam với tôn chỉ “Chạy để bảo tồn”, năm nay Menard tiếp tục nhuộm hồng 2 cự ly 10km và 25km của Cuc Phuong Jungle Paths. Với hành trang là cơ thể tràn đầy năng lượng và đôi chân bền bỉ do tập luyện thể dục mỗi ngày và tăng cường uống Menard Collagen Gold đều đặn, tôi đến với 25km trail đầu tiên trong cuộc đời.
Băng qua những dốc xuống nhão nhoẹt bùn đất trơn như bôi mỡ, dốc đứng cỏ khô khét cháy dưới mặt trời thiêu đốt, qua bao ruộng ngô ruộng sả, qua trăm nẻo đường mòn phủ đầy lá mục và cành khô sau cơn mưa. Khu rừng mưa nhiệt đới ôm ấp hơn hai ngàn loài cây và rêu xanh, vừa qua những ngày mưa, không khí lơ lửng tế bào hơi nước, dày đặc tán lá đủ các sắc độ của màu lục thẫm xếp chồng lên nhau trong một thế giới mà cây cối to khổng lồ còn con người thì tí hon. Đường chạy màu hồng xuyên qua những xóm làng có bà lão mang nhót chín mời runners ăn, có bầy em bé đùa chơi trước sân nhà đem nước rót mời và líu lo con chào cô con chào chú.
Những bước chạy và hơi thở trong vòng tay rừng xanh khiến tôi nhận ra giới hạn chỉ ở trong suy nghĩ của mình và về với rừng là về với sức mạnh không lời lớn lao. Những ai yêu văn hóa Nhật có lẽ không xa lạ gì với khái niệm “Tắm rừng” (Forest Bathing), hay còn gọi là “Shinrin-yoku” – liệu pháp giúp con người tăng cường sức khỏe và chữa lành vết thương tâm lý bằng việc đắm mình dưới những tán cây. Bác sĩ Qing Li của Trường Y Tokyo Nippon đã phát hành cuốn sách với nhan đề Tắm rừng: Tìm thấy sức khỏe và hạnh phúc nơi cây cối với nghiên cứu chứng minh cây xanh giải phóng chất kháng sinh tự nhiên có tên gọi phytoncides giúp tăng cường miễn dịch, kích hoạt quá trình chữa bệnh tự nhiên của con người. “Trong đất có chứa một loại vi khuẩn tên là Mycobacterium vaccae, chúng ta hít vào khi ở trong rừng. Vi khuẩn này hoạt động giống như thuốc chống trầm cảm và có thể hiệu quả hơn so với một số thuốc kê toa trong giải tỏa tâm trạng”, bác sĩ chia sẻ.
Cuộc sống bao nhiêu lối đi, chọn một lối lấm lem bùn đất. Mùi đất ẩm xộc lên không khí, hoa gì trắng thơm ngát núi đồi, lối đi này dẫn về bao ấm áp cởi mở đơn sơ. Cô lớn tuổi trong làng hỏi tôi đích đến ở đâu? Tôi bảo con cũng không biết, chỉ đi theo con đường có đánh dấu màu hồng. Cô bảo “A đi về hướng đó là về lại Cúc Phương”. Bắt đầu ở rừng, quay trở về rừng, về với chính mình cùng nhịp tim, hơi thở. Mỗi bước chân đưa tôi qua những giới hạn tôi đã nghĩ mình không thể chinh phục, ở Cuc Phuong Jungle Paths Menard 25km.
Nơi xanh thẳm, tôi gặp gỡ cơn đau trên những ngón chân, cũng gặp cả đường đi và đích đến, gặp cả hạnh phúc dưới những tán cây.
Nhóm thực hiện
Bài: Khánh Ngọc
Ảnh: Tư liệu