Balenciaga bị cáo buộc phân biệt chủng tộc với khách hàng Trung Quốc

Đăng ngày:

Nhiều nhãn hàng quốc tế đã phạm phải những hành động xúc phạm tới khách hàng Trung Quốc và lần này là tới lượt Balenciaga.

Balenciaga, hãng thời trang Pháp với tầm ảnh hưởng thứ hai thế giới năm vừa qua, đang là tâm điểm cho một cuộc kêu gọi tẩy chay do phân biệt chủng tộc với khách hàng Trung Quốc. Sự giận dữ này bắt đầu nổi lên từ hai tuần trước tại Printemps Haussmann, một cửa hàng thời trang cao cấp nằm giữa trung tâm Paris.

“Cửa hàng lớn”  Printemps trên đại lộ mua sắm Haussmann, Paris. (Ảnh: printemps.com)

Theo tờ Global Times, vào thứ tư ngày 25 tháng 4, một khách hàng nữ người Trung Quốc bị dọa đánh trước gian hàng của Balenciaga tại Printemps vì lên tiếng phản đối hành động chen hàng của một nhóm 5 người.Thậm chí nhóm người này còn tấn công con trai bà khi anh tiến đến bảo vệ mẹ mình. Nhân viên của hãng đã nhập cuộc và giải quyết xô xát bằng cách “mời” các vị khách Trung Quốc đang yếu thế rời khỏi cửa hàng.

Những hình ảnh và video quay lại vụ việc, chia sẻ bởi một nhân chứng tại hiện trường, nhanh chóng được truyền tay nhau trên mạng xã hội Wechat, gây nên một làn sóng phản ứng dữ dội.

Video chia sẻ trên Weibo được cho là quay lại vụ xô xát giữa các khách hàng trước gian của Balenciaga tại Printemps. (Video: facebook People’s Daily, China)

Các tài khoản xã hội của cả Balenciaga và Printemps nhanh chóng bị nhấn chìm trong hàng trăm bình luận giận dữ của cư dân mạng, cáo buộc hãng với hành động phân biệt chủng tộc và yêu cầu một lời xin lỗi chính thức từ cả hai bên.

Sáng thứ năm, Balenciaga đã đăng tải trên tài khoản Weibo chính thức của mình, bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, như sau: “Balenciaga rất lấy làm tiếc về xô xát đã xảy ra tại một cửa hàng ở Paris. Chúng tôi chân thành gửi lời xin lỗi tới các khách hàng bị ảnh hưởng và xin khẳng định lại chúng tôi cam kết tôn trọng tất cả các khách hàng như nhau”.

Printemps thì gửi lời xin lỗi trực tiếp tới khách hàng Trung Quốc trên tài khoản Instagram. Cửa hàng còn hứa hẹn sẽ đào tạo thêm nhân viên của mình để có thể xử lí tốt hơn các trường hợp xảy ra như vụ việc này.

Tuy nhiên, lời xin lỗi dường như không được chấp nhận bởi cư dân mạng Trung Quốc. Tới thứ sáu, các chứng cứ tố Balenciaga phân biệt chủng tộc với người Trung Quốc xuất hiện trên hầu hết các phương tiện truyền thông của đất nước này, trở thành một trong những chủ đề tranh cãi nhiều nhất trên trang mạng Weibo. Hashtag tẩy chay nhà mốt Pháp được sử dụng tới 23 triệu lần chỉ sau hai ngày.

“Những đôi giày Balenciaga cũng đẹp đấy, nhưng đúng là một sự kiện như thế này mới có thể sáng mắt ra được #Tẩychay Balenciga vì phân biệt chủng tộc với người Trung Quốc”, một cư dân mạng viết. “Ai cho họ thái độ hơn người như vậy? Người Trung Quốc không có đủ tiền sao? Các người có thể nói tạm biệt với thị trường Trung Quốc được rồi đấy!”, một bình luận đầy phẫn nộ khác.

BST giày Tripple S của một influencers người Trung Quốc. Đây là một thiết kế mới của hãng đã làm điên đảo cộng đồng thời trang thời gian gần đây, cũng được cho là lí do chính gây nên vụ xô xát vừa rồi. (Ảnh: @fengfan_x)

Khách hàng Trung Quốc rất đông đảo và có khả năng mua sắm ngày càng lớn. Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn Bain&Company, năm vừa qua, thị phần hàng hóa cao cấp mua bởi người Trung Quốc đạt tới 32% toàn thế giới. Có thể nói họ nắm vị trí rất quan trọng đối với các hãng lớn như Balenciaga nói riêng và cả ngành công nghiệp thời trang của Pháp nói chung. Đặc biệt khi các cửa hàng cao cấp lớn như Printemps hay Galeries Lafayette được coi là địa điểm du lịch và mua sắm yêu thích của những vị khách Châu Á này.

Các du khách Trung Quốc ồ ạt đổ vào Galeries Lafayette. Cửa hàng này tiếp đón tới hơn 10 triệu khách hàng ngoại quốc trong một năm, vượt qua cả tháp Eiffel. (Ảnh: minghui.org)

Lượng khách Trung Quốc đông đảo trong các cửa hàng cao cấp tại Paris như Printemps, Galeries Lafayette,… Theo tờ New York Times, trung bình mỗi người họ bỏ ra khoảng 1660 đô la Mỹ để mua sắm ở đây(Ảnh: goubao5.com)

Đầu năm nay, một số các nhãn hàng quốc tế khác cũng chao đảo vì vướng phải những cáo buộc liên quan tới phân biệt chủng tộc và nhầm lẫn trong các vấn đề chính trị. Vào tháng Một, Zara đã phải xin lỗi vì kích động chính phủ và người dân Trung Quốc khi để Hồng Kông và Đài Loan là các nước riêng biệt trên trang web của mình. Không lâu sau đó, vào đúng dịp lễ Tết Nguyên Đán, hãng hàng không London’s Heathrow cũng phải xin lỗi vì đề ra chính sách chiết khấu không có lợi cho du khách Trung Quốc trong một của hàng miễn thuế ở sân bay.

Xem thêm:

Hành trình Rihanna trở thành ngôi sao thời trang của thảm đỏ Met Gala

Chiêm ngưỡng “bộ sưu tập” giày đắt giá của đệ nhất phu nhân Melania Trump

Nhóm thực hiện

Nguyễn Hương Giang (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/Tham khảo: rtl.fr/ Ảnh: Tổng hợp)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more