Từ tiếp viên hàng không, CEO Mai Son tạo dựng đế chế bán lẻ thời trang của riêng mình
Trước khi đến với thời trang, CEO Phạm Thị Mai Son đã có trên 7 năm làm tiếp viên hàng không cho Vietnam Airlines. Trong những chuyến bay, cô không ngừng suy nghĩ về các cơ hội kinh doanh dành cho mình.
Được ví là “nữ tướng” trong ngành bán lẻ thời trang, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Maison Retail Management International (MRMI) đã đưa những thương hiệu thời trang như Mango, Charles & Keith, Max & Co.,… đến gần hơn với giới mộ điệu trong nước. Nhưng trước khi đạt được điều đó, cô bay đến nhiều nơi trên thế giới và trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau. Mai Son nhận thấy có rất nhiều nhãn hiệu nổi tiếng ở các quốc gia từng đi qua nhưng chưa hề có mặt tại Việt Nam.
Nguồn cảm hứng với thời trang
Trong một dịp công tác tại Singapore, chỉ với 300$ trong tay nhưng cô có thể mua được hai túi đồ Mango rất to, về mặc sung sướng vì rẻ và đẹp. Cô bắt đầu bán thử vài món cho bạn bè, những người cũng rất mê thời trang. Lúc ấy Mai Son nảy ra suy nghĩ nhãn hàng này có thể phù hợp với người Việt và cô bắt đầu tiếp cận Mango, đi những bước đầu tiên trong sự nghiệp của mình.
Thời điểm đó Mai Son không có sẵn mối quan hệ và mất khoảng hai năm để thuyết phục Mango trao quyền cho mình đưa thương hiệu về Việt Nam. Đã rất nhiều lần cô muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, thành quả cuối cùng tạo ra bởi nỗ lực và sự kiên trì đã được đền đáp.
Những thách thức trong kinh doanh
Điều đầu tiên và quan trọng nhất với nữ doanh nhân chính là Tính thương mại của thương hiệu. Một công ty nếu không có sản phẩm tốt hay không có phong cách riêng biệt, các yếu tố khác đều trở nên kém quan trọng. Nếu các mẫu thiết kế và bộ sưu tập của một thương hiệu không thể kết nối được với người tiêu dùng, cho dù chiến dịch tiếp thị hoặc điều phối quản trị của doanh nghiệp có xuất sắc cỡ nào cũng không thể bù đắp. Trong kinh doanh, điều này được hiểu là “tính phù hợp của sản phẩm đối với thị trường”.
Thứ hai là Trải nghiệm khách hàng – thách thức mà bất kỳ công ty đang phát triển nào cũng phải đối mặt. CEO Mai Son cho biết, khi chỉ có một cửa hàng tại một thành phố, bạn dễ dàng tự kiểm soát mọi thứ, từ việc lựa chọn vị trí đặt để sản phẩm, đảm bảo việc bày trí luôn đẹp mắt, cửa hàng luôn sạch sẽ, nhân viên luôn thân thiện và được đào tạo bài bản… Tuy nhiên, khi bạn đạt ngưỡng 100, 200 hoặc 400 cửa hàng tại nhiều thành phố khác nhau, câu chuyện sẽ khác. Ở lĩnh vực bán lẻ thời trang, đặc biệt là đối với các thương hiệu quốc tế nổi tiếng, trải nghiệm khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu – đó là sự hoàn hảo, mọi lúc mọi nơi.
Cuối cùng là Văn hóa doanh nghiệp. Việc đầu tư vào văn hóa, đào tạo lãnh đạo và quản lý, xây dựng quy trình nhập môn dành cho nhân viên mới, phác thảo con đường sự nghiệp, cho họ những cơ hội phát triển kỹ năng để sự tăng trưởng của công ty không làm gãy nguồn lực nội tại là vô cùng quan trọng.
Giá trị cốt lõi
Warren Buffett và Bill Gates khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn, để chọn một từ khóa góp phần làm nên thành công cho sự nghiệp của họ, không do dự, cả hai đều chọn “Tập trung”. Đồng tình với quan điểm trên, với CEO Mai Son, sự tập trung là điều thiết yếu.
Thông thường, đặc biệt tại Việt Nam, có vẻ như sau khi các doanh nghiệp đạt tới một ngưỡng nào đó của sự thành công, họ sẽ bắt đầu đa dạng hóa loại hình kinh doanh bằng cách cố gắng đầu tư và mở rộng sang nhiều lĩnh vực không phải là thế mạnh. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lên các nguồn lực thiết yếu như thời gian, nguồn vốn, năng lượng, ngay cả tính hiệu quả đội nhóm cũng sẽ bị “bào mỏng”. Thêm vào đó, họ phải đối đầu với các đối thủ sừng sỏ có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn hơn. Đối với nữ doanh nhân, cô chỉ làm thời trang và không để bất kỳ sự phân tâm nào cản trở mục tiêu trở thành nhà bán lẻ thời trang hàng đầu của MRMI tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Giá trị cốt lõi tiếp theo chính là “Chất lượng”. Mai Son thực sự tin rằng MRMI sở hữu tiêu chuẩn vượt trội trong ngành công nghiệp thời trang. Đối với mỗi thương hiệu trước khi quyết định đưa vào thị trường, MRMI sẽ cân nhắc và từ chối 20 cơ hội chỉ để chọn một. Tương tự, công ty cũng từ chối những địa điểm có các thương hiệu lớn khác đang có mặt ở đó nếu chúng không đáp ứng được những yêu cầu thiết yếu để Maison RMI có thể kinh doanh thành công.
Mua sắm trực tuyến
Mua sắm trực tuyến đang đóng góp tỷ lệ phần trăm là hai con số rất khả quan trên doanh thu tổng của MRMI. Các đơn hàng được đặt mục tiêu hoàn thành trong vòng 24 tiếng tại các thành phố lớn. Ngoài ra, với một đội ngũ chuyên nghiệp, MRMI đảm bảo bất kỳ câu hỏi nhận được từ khách hàng sẽ được phản hồi trong vòng 24 tiếng, cho dù khách cần trả sản phẩm/hoàn tiền, nâng cấp/thay đổi bất kỳ điều gì trong đơn hàng.
Hiện doanh thu 2022 của doanh nghiệp dự kiến đạt trên 110 triệu USD. Trong vòng 5 năm tới với sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu Việt Nam, MRMI kỳ vọng sẽ đạt trên 400 triệu USD.
Ảnh: Maison
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE