Thiết kế thời trang theo hướng bền vững chưa được phát triển mạnh tại Việt Nam, có lẽ chị Diệu Anh sẽ ít áp lực và đối thủ cạnh tranh hơn?
Diệu Anh nghĩ là hoàn toàn ngược lại. Tôi luôn yêu thích các chất liệu tự nhiên thân thiện với môi trường như cotton, linen, lụa tơ tằm… nhưng các chất liệu này nhiều năm trước lại không thực sự phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, tôi cũng không chủ động được nguyên liệu và giá thành lại rất cao… Vì thế, để kể một câu chuyện về giá trị của chất lượng sản phẩm, chưa nói đến giá trị thiết kế là cả một hành trình dài.
Các khách hàng tìm tới thiết kế thân thiện môi trường của chị, họ muốn chuyển đổi cách mặc hay chỉ tò mò muốn thử một lần?
Khách hàng ngày nay rất tinh tế, bản thân họ tự cập nhật thông tin và nhận biết được tính ưu việt của chất liệu tự nhiên. Giá trị bền vững mà chúng ta đang theo đuổi còn là để dành cho các thế hệ sau, nó không dừng lại ở một giá trị sản phẩm mà còn là giá trị sống và phong thái sống. Thật vui vì những người quan tâm tới các giá trị này ngày càng nhiều lên theo thời gian.
Các thiết kế bền vững kén người mặc, ít tiện dụng, không đại chúng nên chỉ một số người sống và làm việc trong môi trường tự do mới sử dụng nhiều. Chị có nghĩ vậy không?
Kén người mặc hoặc ít tiện dụng thật ra phụ thuộc rất nhiều vào thiết kế của sản phẩm, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho chất liệu được (cười). Khi bạn chọn một thiết kế đúng, chất liệu phù hợp với khí hậu, hoàn cảnh sử dụng thì dù cho đó là môi trường tự do hay nguyên tắc, bạn vẫn có thể tự tin. Sự lựa chọn chất liệu đến từ quan điểm cá nhân. Đa phần khách hàng Việt ưa chuộng sự bóng bẩy, không nhăn nhàu của các loại chất liệu sợi tổng hợp hoặc sợi nylon mang lại; trong khi đó họ đã không để ý đến tính thấm hút mồ hôi, để cho làn da được thở và khỏe mạnh. Hơn nữa chính những sản phẩm có nguồn gốc sợi tổng hợp này trong quá trình sử dụng và giặt giũ sẽ phát sinh một lượng đáng kể những vi sợi vải plastic không có lợi vào môi trường nước và không khí; và sau đó khi chúng bị vứt bỏ không sử dụng lại tạo ra một lượng rác thải khổng lồ không xử lý được.
BÀI LIÊN QUAN
Diệu Anh cũng hay nói đùa với vài khách hàng thân thiết rằng tại sao mình phải ngại những nếp nhăn của sản phẩm khi mặc. Mình cứ cảm nó như một hình ảnh của sự phóng khoáng và trải nghiệm rất thật, rất tự nhiên. Còn việc ủi quần áo thì nên xem nó như việc mình thiền 5 phút mỗi ngày (cười). Khi mình ủi là mình sống chậm lại, chỉ chăm chút cho món đồ mà mình đã thích thú lựa chọn và cảm thấy thêm yêu quý mỗi khi mặc lại nó.
Sống xanh với tất cả chuyện ăn – mặc – ở đều “xanh”, chị có đang thực hành lối sống đó?
Xanh toàn diện thì Diệu Anh không dám nhận. Là người thành thị nên cũng phải thừa nhận có giai đoạn khó cưỡng lại những áp lực của thị trường, của sự thay đổi và hiện đại hóa. Nhưng quan trọng vẫn là ở mình, từ việc chú ý đến hành vi tiêu dùng, hiểu về giá trị những thứ mình đang sở hữu và hãy cân nhắc về hệ quả có thể mang lại cho môi trường. Diệu Anh rất đồng tình với câu nói của NTK Vivienne Westwood: “Buy less, choose well, make it last.” Hãy mua ít, chọn lọc hơn và dùng đến cùng.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
—
Xem thêm:
Thương hiệu H&M phát triển thời trang bền vững với BST Conscious Exclusive 2018
Thời trang bền vững có tiềm năng soán ngôi thời trang nhanh trong vòng 10 năm tới
Nhóm thực hiện
Bài: Thùy Trang Ảnh: NVCC Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE