Fashion4Freedom – Minh bạch hóa để phát triển thời trang bền vững
[Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 6/2018] Theo chị Lan Vy, vai trò của thời trang bền vững còn là bảo vệ, duy trì các ngành NGHỀ THỦ CÔNG và VĂN HÓA BẢN ĐỊA. Vì thế, chị sáng lập Fashion4Freedom để xây dựng chuỗi cung ứng đảm bảo yếu tố đạo đức và minh bạch kết nối thợ thủ công, nông dân tại Việt Nam với NTK, nhà sản xuất, thương hiệu thời trang.
Chị có thể chia sẻ thêm về mục đích và hoạt động của Fashion4Freedom được không?
Việc kinh doanh của Fashion4Freedom là thời trang, nhiệm vụ của chúng tôi là văn hóa. Chúng tôi là một công ty cung ứng chú trọng vào đạo đức và sự minh bạch trong sản xuất. Chúng tôi thành lập và cải tiến chuỗi cung ứng bền vững tại Việt Nam, bao hàm cả ngành công nghiệp thủ công để tạo cơ hội cạnh tranh cho các nhà sản xuất truyền thống, từ đó hỗ trợ các thương hiệu tiến tới sự minh bạch, rõ ràng trong sản xuất. Chúng tôi mong muốn cải tiến mô hình NGO tại Việt Nam, và cuối cùng phát triển sản phẩm với trọng tâm là lợi ích xã hội, đề cao các phương thức sản xuất truyền thống.
Phương thức sản xuất Clear trade – Trao đổi thương mại rõ ràng mà Fashion4Freedom đang đẩy mạnh, thực chất có thể hiểu như thế nào thưa chị?
“Trao đổi thương mại rõ ràng” chính là điều xuyên suốt trong công việc của Fashion4Freedom. Chúng tôi tổng hợp tài liệu và vạch ra từng bước sản xuất để người mua hàng biết chính xác sản phẩm đã được tạo nên ở đâu và như thế nào. Thậm chí với một số sản phẩm, chúng tôi còn có thể truy ngược lại tới cái cây hay sợi chỉ tạo nên nó. Chúng tôi cộng tác với Dr. Leonardo A Bonanni – nhà sáng lập của Sourcemap, một phần mềm cho phép chúng tôi cung cấp độ minh bạch theo mong muốn trong bất kỳ dự án sản xuất nào.
Đâu là nguồn cảm hứng, động lực của chị và cộng sự khi làm việc với những người thợ thủ công ở Huế?
Chúng tôi làm việc tại Huế bởi vì đây là khu vực tập trung nhiều nghệ nhân và nông dân tài năng nhưng lại đang chịu những bất lợi lớn nhất, khó tăng trưởng do các trở ngại về xuất khẩu và tác động của môi trường.
Việc duy trì văn hóa địa phương quan trọng như thế nào? Chúng ta, những chuyên gia và người tiêu dùng thời trang có thể làm gì để đóng góp công sức?
Nếu bạn nhìn vào các nhãn hàng lớn như Starbucks, Pizza Hut hay McDonald, bạn sẽ thấy họ đều thay đổi một chút hương vị để phù hợp với nơi mà họ bán. Điều này các hãng thời trang toàn cầu cần học hỏi mặc dù người tiêu dùng thường mong muốn có được phong cách toàn cầu. Việt Nam có truyền thống đặc sắc về nghề thủ công và thiết kế nhưng thông tin, và cơ sở dữ liệu chưa thật dễ tiếp cận đối với công chúng, giới truyền thông có thể giúp phổ biến điều này. Khi tất cả cùng chú trọng bảo tồn văn hóa hơn, nhiều NTK sẽ cảm thấy được thúc đẩy sử dụng đề tài và phương pháp truyền thống hơn. Và khi có nhiều thương hiệu, sản phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa được bày bán với thiết kế và chất lượng tốt hơn, người tiêu dùng sẽ mua thôi.
Theo kinh nghiệm của chị, các nhà sản xuất và NTK Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thử thách nào?
Thử thách lớn nhất chính là cách sản xuất đáp ứng được chất lượng bền vững cho các nhãn hàng cỡ nhỏ. Cần có sự liên kết giữa những người tham gia phát triển bền vững. Nếu có đủ người tham gia tạo thành một cộng đồng, lúc đó các nhà đầu tư sẽ suy nghĩ nghiêm túc về thị trường tuy nhỏ đó. Đơn giản là thị trường Việt Nam sẽ không thể lôi kéo được các nhà đầu tư lớn để phát triển nếu chúng ta không đầu tư cho nhau và giúp đỡ lẫn nhau.
Cảm ơn chị về những chia sẻ này!
—
Xem thêm:
Metiseko – Lối sống và văn hóa Việt trong thời trang bền vững
Dana Cohen – Người trẻ sáng tạo đeo đuổi thời trang bền vững
Bài: Liên Chi
Ảnh: NVCC
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE