Điểm tin thời trang – Giám đốc sáng tạo Dior nhận huân chương cao quý nhất nước Pháp
Làng thời trang thế giới đón nhận nhiều tin tức mới trong tuần đầu tháng 7: từ lễ trao huân chương danh giá đến những vấn đề “nóng” liên quan đến môi trường.
Vào 2/7, giám đốc sáng tạo Dior đã được trao tặng huân chương cao quý nhất nước Pháp bởi những cống hiến to lớn cho ngành thời trang. Bữa tiệc có sự góp mặt của gia đình Maria Chiuri và bạn bè, đồng nghiệp là những NTK đình đám như Valentino Garavani, Alber Elbaz hay Bianca Jagger.
Giám đốc sáng tạo Dior nhận huân chương cao quý nhất nước Pháp
Maria Grazia Chiuri, Giám đốc sáng tạo Dior được Huân chương Legion d’Honneur, giải thưởng cao quý nhất nước Pháp dành cho những cá nhân hoặc tổ chức có cống hiến đặc biệt với nhà nước. Lễ trao huân chương diễn ra không lâu sau buổi trình diễn Dior Haute Couture Thu – Đông 2019, tại chính ngôi nhà số 30 đại lộ Montaigne, Paris.
Huân chương danh giá Legion d’Honneur là sự ghi nhận nỗ lực sáng tạo tuyệt vời, những thiết kế tôn vinh vẻ đẹp và giá trị phụ nữ của Giám đốc Sáng tạo Dior. Maria Grazia Chiuri cũng gửi thông điệp sâu sắc tới những người phụ nữ trẻ trên con đường tìm kiếm sự nghiệp tương lai rằng hãy tin tưởng vào chính bản thân và đi theo tiếng gọi của trái tim.
Gucci ra mắt dòng trang sức cao cấp đầu tiên
Tối 4/7/2019, nhà mốt đình đám Gucci ra mắt BST trang sức cao cấp đầu tiên Hortus Deliciarum và khánh thành cửa hiệu mới tại quảng trường Vendôme. Buổi ra mắt diễn ra tại bảo tàng Le Petit Palais, Paris với sự góp mặt của Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn Kering – ông Francois-Henri Pinault.
BST được Giám đốc Sáng tạo Alessandro Michele lấy cảm hứng từ hình tượng vũ trụ thiên biến vạn hoá. Đặc biệt, dòng trang sức cao cấp này cũng mang đặc trưng và chuẩn mực thiết kế của Gucci.
Đặc biệt, lễ ra mắt BST trang sức cao cấp có sự tham gia của nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng kiêm đại sứ thương hiệu Gucci, bà Florence Welch. Diện đầm trong BST Gucci Cruise 2020, Florence kết hợp cùng những thiết kếhươn xa xỉ trong BST trang sức mới được làm từ các loại đá quý như vàng, kim cương và hồng ngọc.
Ngành công nghiệp thời trang gây hiệu ứng nhà kính hơn cả ngành hàng không
Mới đây, cựu thủy thủ Ellen MacArthur và NTK Stella McCartney đã công bố báo cáo gây sốc: Ngành công nghiệp thời trang – Tái thiết kế tương lai ngành thời trang. Bài báo cáo đưa ra cái nhìn tích cực về sự phát triển của ngành công nghiệp may mặc mới, nhưng người đọc cũng nhận ra những vấn đề về môi trường nghiêm trọng.
Ngành sản xuất và kinh doanh thời trang đang tạo ra 1,2 tỉ tấn khí thải nhà kính mỗi năm – nhiều hơn ngành hàng không và hải cảng kết hợp lại. Lý do lớn nhất đằng sau con số này là ngành dệt may chủ yếu sử dụng nguồn nhiên liệu không thể phục hồi hoặc tái sinh như dầu để sản xuất sợi vải tổng hợp, phân bón để trồng cây bông hay thậm chí các chất hoá học độc hại khác để sản xuất thuốc nhuộm vải.
Đặc biệt, khi Stella McCartney lên tiếng về vấn đề này, công chúng lại có thêm nhiều hy vọng về sự thay đổi tích cực trong ngành thời trang.
Kim Kardashian chấp nhận “nhượng bộ” và thay đổi tên BST nội y
Sau bức thư ngài Thị trưởng Kyoto gửi Kim Kardashian, làn sóng phản đối BST mang tên Kimono trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cuối cùng, sau những tranh cãi gay gắt từ phía dư luận về BST nội y mang tên Kimono, trang phục truyền thống Nhật Bản, cô Kim cũng chấp nhận thay đổi tên gọi của BST này.
Thông cáo của Kim Kardashian không trực tiếp xin lỗi mà chỉ có lời cảm ơn những đóng góp và ủng hộ của công chúng tới sản phẩm thiết kế của cô. Cuối thông cáo, cô Kim quyết định thay đổi tên gọi BST nội y.
Bài viết: Hương Trà
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: i-D, ELLE UK, Refinery29