Tương lai cho thời trang lông thú là một trong những vấn đề gây tranh cãi trong giới thời trang. Vấn đề này lại được nhắc đến khi mới đây, Ủy ban Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn châu Âu (EFRA) đã đưa ra khuyến cáo sau cuộc điều tra về tình trạng các nhà bán lẻ thời trang nổi tiếng vẫn kinh doanh lông thú với số lượng lớn và ngày càng đa dạng.
Từ năm 2017 đến nay, ủy ban đã phát hiện nhiều trường hợp như sản phẩm giày cao gót làm bằng da mèo được bày bán rộng rãi tới mức trở thành sản phẩm bán chạy nhất tại cửa hàng thời trang nhanh Missguided. Nghiêm trọng nhất là hệ thống các cửa hàng bán lẻ và trang thương mại điện tử bao gồm: Amazon, Etsy, Boots, Tesco, TK Maxx và Kurt Geiger bị phát hiện bán lông thú thật trên danh nghĩa hàng giả để qua mặt cơ quan quản lý.
(Ảnh: eresnieandoffenfurs)
BÀI LIÊN QUAN
Để cung cấp nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thời trang lông thú, các trang trại phải giam giữ và giết hại động vật rất dã man. Do đó, việc sử dụng các sản phẩm thời trang từ lông thú là hành động cổ súy cho hành vi độc ác này. Thay vào đó, mọi người nên ủng hộ thời trang bền vững. Các “ông lớn” thời trang như Armani, Hugo Boss, Gucci, Michael Kors và Jimmy Choo cũng tham gia bảo vệ môi trường bằng cam kết loại bỏ chất liệu lông thú ra khỏi công nghệ sản xuất.
Xu hướng thời trang bền vững đang lên ngôi với việc sử dụng chất liệu thực vật để tạo ra các kiểu túi xách, vỏ điện thoại và giày. (Ảnh: Linda Nylind for the Guardian)
Trong cuộc họp về chủ đề “Các vấn đề về kinh doanh lông thú” diễn ra tại Anh, Ủy ban EFRA cho rằng việc ghi thông tin nhãn mác hiện tại của các doanh nghiệp thời trang chưa rõ ràng. Điều này đã thể hiện những yếu kém của chính quyền địa phương và cơ quan tiêu chuẩn thương mại trong việc thực thi các quy định liên quan đến vấn đề kinh doanh lông thú tự nhiên.
Chủ tịch Ủy ban EFRA, Giáo sư Neil Parish. (Ảnh: ada.org.uk)
Giáo sư Neil Parish, Chủ tịch Ủy ban EFRA tuyên bố: “Các báo cáo về tình trạng lông thú thật “đội lốt” lông thú giả cho thấy các nhà bán lẻ đang tự mãn trong việc qua mặt cơ quan quản lý và cán bộ đo lường tiêu chuẩn. Việc cung cấp thông tin sai sự thật là không hợp lệ và chính quyền địa phương phải đảm bảo rằng các tiêu chuẩn giao dịch được minh bạch và phù hợp. Chính phủ hoàn toàn nên xem xét và đưa ra thảo luận vấn đề cấm mua bán lông thú” .
Sau cuộc họp, tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật PETA đã ca ngợi sự tiến bộ của các khuyến nghị từ EFRA, đồng thời, ủng hộ tổ chức cuộc tham vấn cộng đồng về lệnh cấm hoàn toàn mua bán lông thú. Chúng ta phải tiếp tục lên tiếng chống lại ngành công nghiệp khai thác lông thú độc ác.
The UK Government should hold a public consultation to consider whether to ban fur! #furfreeBritain #banfur ??
— PETA UK (@PETAUK) July 22, 2018
Mới đây, chính phủ Anh cũng đã chia sẻ tuyên bố mới nhất như sau:
“Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của cộng đồng Anh về vấn đề bảo vệ quyền lợi động vật. Nước ta đã có lệnh hạn chế các cơ sở trong nước khai thác, buôn bán lông thú từ năm 2000. Nhưng trên thực tế, Vương quốc Anh không thể can thiệp quá nhiều vào vấn đề giao dịch mua bán lông thú của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Anh dẫn đến các vấn đề kiểm soát. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ xem xét kỹ lưỡng báo cáo của ủy ban EFRA cũng như kết quả thăm dò ý kiến dư luận để đưa ra hướng giải quyết hợp lý” .
Các doanh nghiệp đã lợi dụng kẻ hỡ trong chính sách quản lý để kê khai gian lận thông tin về sản phẩm thời trang lông thú. (Ảnh: vesa-furcoats)
—
Xem thêm:
Đạo đức kinh doanh trong ngành công nghiệp thời trang nằm ở đâu?
Câu chuyện về Trái Đất và sức ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu đối với ngành công nghiệp Thời trang
Nhóm thực hiện
Ngọc Trân (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Tham khảo: refinery29.uk/ Hình ảnh: tổng hợp)