Trong khi chuẩn bị cho đợt phong tỏa toàn thành phố Thượng Hải, điều mà cô Zhang – một khách VIP của các thương hiệu thời trang cao cấp, không ngờ đến chính là những hộp đồ chế biến sẵn và các món ăn nhẹ từ Louis Vuitton, Cartier và nhiều nhà mốt khác liên tục được gửi đến nhà mình.
Kể từ lúc số ca nhiễm COVID-19 bùng nổ chóng mặt vào cuối tháng 3, Thượng Hải đã ban hành lệnh đóng cửa tất cả các cửa hàng và thậm chí làm tê liệt hoạt động mua sắm trực tuyến. Nhưng điều này cũng không làm chùn bước các thương hiệu trong “sứ mệnh” chăm sóc khách hàng. Họ vận dụng mọi hệ thống giao hàng, các mối quan hệ và nhân viên để “ship” quà cho VIC (very important clients) của mình – những người như cô Zhang – một doanh nhân giàu có 24 tuổi. Dù so với địa vị và khả năng tài chính, những món quà ấy không được xem là quá đáng giá nhưng nỗ lực giữ kết nối đó “thực sự gây ấn tượng và khiến chúng tôi ngạc nhiên”, theo cô Zhang.
BÀI LIÊN QUAN
Thượng Hải đang áp dụng những biện pháp phòng dịch khắt khe nhất thế giới tỉ như việc cấm cư dân trong các tòa nhà có F0 rời khỏi căn hộ của họ, một số khu chung cư và thậm chí là cả khu phố đã bị rào lại đến mức “bất khả xâm phạm”. Các siêu thị và chuỗi cung ứng cũng ngừng hoạt động, người dân đã phải vật lộn để tìm mua thực phẩm. Các quy định của chính phủ nhằm hạn chế tối đa số ca nhiễm mới (tính đến đầu tháng 5 có trung bình 2.000/ca/ngày) và tốc độ lây lan từ vùng này sang vùng khác.
“Trong kỳ đại dịch, khoảng cách xã hội càng trở nên rõ ràng hơn. Trong khi những người dân bình thường phải đổ xô đi vơ vét lương thực thì các thương hiệu xa xỉ phẩm như tranh nhau để được chăm lo cho các khách VIP của họ từ bữa ăn đến giấc ngủ”, người dùng Weibo Li Xiaozhou’s Tea Room viết.
Không chỉ có giới thời trang, ngay đến những ngân hàng hay khách sạn cao cấp cũng tham gia vào chiến dịch “tặng quà an ủi” này – một đặc quyền cho khách hàng nhưng cũng đồng thời được hy vọng rằng có thể gây chú ý trên mạng xã hội.
Bên cạnh quà tặng, một số thương hiệu còn tổ chức các lớp học trực tuyến. La Mer mở lớp dạy cách mát-xa mặt, Dior thì “khai giảng” khóa học online ngắn hạn tại một phòng tập yoga cao cấp. Prada thậm chí còn tổ chức một câu lạc bộ văn hóa trực tuyến, mời các nhà văn, đạo diễn và nhạc sĩ giới thiệu sách, phim và album.
Thomas Piachaud, trưởng bộ phận chiến lược của công ty tư vấn Re-Hub có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết 12% doanh số bán lẻ cao cấp ngoại tuyến của Trung Quốc đến từ Thượng Hải, vì vậy việc đóng cửa cửa hàng đòi hỏi phải có các chiến lược bán hàng khác nhưng vẫn đảm bảo tính riêng tư và trải nghiệm đúng tầm VIP.
“Với các khách hàng VIP, Chúng tôi bán sự kết nối cảm xúc.”
“Sang trọng không phải là vấn đề của mỗi thiết kế” – Lily Lu, giám đốc kinh doanh cấp cao về kỹ thuật số tại công ty tiếp thị Gusto Luxe. “Quan hệ còn vượt lên trên cả sản phẩm. Trong những thời điểm khó khăn, cho dù khách hàng không thể mua sắm lập tức thì mối quan hệ đó vẫn cần được duy trì và nuôi dưỡng.”
Các VIP có mức chi tiêu hàng năm lên tới hàng trăm nghìn nhân dân tệ (khoảng 15.000 USD) cho một số thương hiệu. Nhân viên bán hàng còn phải lập hẳn danh sách những người mà họ cho rằng có khả năng chi tiêu nhiều hơn trong tương lai để bắt đầu thiết lập mối quan hệ. Mặc dù hiện tại, các VIP Thượng Hải không thể đến cửa hàng lựa chọn và thanh toán sản phẩm, nhưng các thương hiệu đang cố gắng đảm bảo rằng họ sẽ làm như vậy khi lệnh lockdown được dỡ bỏ. “Vào ngày sinh nhật của mình, mẹ tôi đã được tặng đâu đó khoảng 10 chiếc bánh sinh nhật và hoa từ các thương hiệu khác nhau”, Zhang nói khi nhắc đến mẹ cô, người cũng là một VIC. “Tôi chắc chắn rằng sau khi tình hình ổn thỏa, tôi và mẹ sẽ đến và mua gì đó từ chỗ họ.”
Nhóm thực hiện
Theo Reuters Chuyển ngữ: Diệu Thanh Ảnh: Tổng hợp Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE