Đã hơn sáu tuần kể từ khi Met Gala hạ màn. Cuộc thảo luận đáng hay không đáng cho một lần chơi trội phải đánh đổi bằng hiện vật mang tính lịch sử, cụ thể là trường hợp của Kim Kardashian tưởng chừng đã đi đến hồi kết. Thế nhưng mới đây, Bảo tàng Ripley’s Believe It or Not! đã đưa ra phát ngôn để bảo vệ bản thân và “đối tác” của mình trong sự cố “không-thể-bù-đắp” lần này.
Trên Instagram, Ripley đã đăng đàn giải đáp 4 câu hỏi, nói đúng hơn là 4 lời chỉ trích dưới dạng câu hỏi. Đầu tiên về hư tổn của chiếc váy: “Có một báo cáo từ năm 2017 chỉ ra chiếc váy đã ở trong tình trạng đáng báo động vào thời điểm đó, một số đường may đã bị mòn hoặc bục ra. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi tuổi thọ ngắn ngủi của chất liệu thời đó. Vậy nên chỉ với vài phút trên thảm đỏ cùng Kim tại Met Gala khó có thể nào làm hỏng ngần ấy chi tiết.”
Cao trào của cuộc tranh cãi nằm ở bức ảnh chụp của nhiếp ảnh gia ChadMichael Morrissette được đăng tải lên Instagram @marilynmonroecollection. Người ta bắt đầu đối chiếu nó với một tấm ảnh khác trước Met Gala nhưng không chú thích rõ thời gian. Và không khó để nhận ra sự khác biệt “before & after”: các hạt pha lê đã bị mất đi ít nhiều, hàng nút cài sau áo đã giãn ra và vùng vải xung quanh xơ xác lộ cả vải lót. Thêm một bằng chứng mới nhất cho tình trạng có phần “kiệt quệ” của chiếc váy là quai áo đã tả tơi gần như đứt toác.
Dẫu vậy, không lâu sau khi ảnh so sánh “before & after” được lan truyền, Buzzfeed đưa tin rằng hình ảnh “trước đây” của chiếc váy thực chất được cắt ra từ một video đấu giá vào năm 2016, không phải ngay trước khi Kardashian mặc như nhiều người nghĩ.
BÀI LIÊN QUAN
Để đáp trả, @marilynmonroecollection hôm qua đã kỹ lưỡng hơn trong khâu chú thích và đăng lên hai bức ảnh được chụp cách nhau 52 ngày (trước và sau Met Gala). Một chụp vào buổi thử đồ ngày 21/4 của Kim nhưng được Ripley post lên Reel vào ngày 2/5; một bức khác vẫn là ảnh chụp của Chad Michael Morrisette nhưng có đề ngày 12/6. Đi kèm là một khẳng định đanh thép: “Nếu hình ảnh và video của năm 2016 không có giá trị thì bản report vào năm 2017 cũng vậy thôi!”
Về phía “chiến tuyến” của Kim Kardashian, tài khoản Tiktok @gaymanwithaspraytan là một trong số ít những người bênh vực Kim K và cho rằng cô không phải là nguyên nhân của sự việc lần này. “Thiệt hại đã ở đó trước khi cô ấy mặc chiếc váy vào – hoặc ít nhất là cố gắng mặc nó”. Anh tiếp tục: “ Khi nhìn vào bức ảnh ngày 21/4, các viên pha lê bị thiếu, mắc cài cũng có vẻ lỏng lèo và chúng thậm chí còn chưa được kéo hẳn lên. Vậy làm sao để chắc chắn váy không giống như ảnh after (chụp ngày 12/6) khi được cài khóa đầy đủ?” Bất ngờ là dưới bình luận, phần lớn đều đồng tình với ý kiến: “Mọi người luôn tìm cách ghét bỏ Kim. Một màn đố kỵ không đẹp mắt!”
Quay lại với bài đính chính của Ripley trên Instagram. Đại diện bảo tàng tiếp tục giãi bày: “Không có gì phải bàn cãi về sự mong manh của chiếc váy, trên thực tế, độ rủi ro cũng đã được tính toán kĩ lưỡng khi đưa ra quyết định này. Ripley’s đã thu thập những kỷ vật mang tính biểu tượng của nền văn hóa đại chúng trong hơn 100 năm qua. Mục đích của chúng tôi là truyền tải lịch sử tới giới trẻ. Chiếc váy đã có thể ngủ yên trong một BST riêng tư nào đó và bị lãng quên cùng câu chuyện của nó. Nhưng nhờ có Met Gala, giờ đây cả thế giới đang bàn tán!”
Bảo tàng dành câu trả lời cuối để làm rõ những lời đồn thổi về “ô dù” và “quyền năng dùng tiền mua tiếng” của Kim: “Kim Kardashian không trả tiền cho Ripley’s Believe It or Not! để mặc chiếc váy và ngược lại, công ty cũng không hề trả cát-xê cô ấy. Thay vào đó, Kardashian quyên góp từ thiện cho hai tổ chức cộng đồng ở Orlando trên danh nghĩa của Ripley.”
Vậy lỗi tại ai và các bước tiếp theo của Ripley’s Believe It or Not! là gì nếu tất cả tổn hại của chiếc váy đều nằm trong tính toán của bảo tàng?
Nhóm thực hiện
Bài: Minh Khuê Ảnh: Tổng hợp Tham khảo: People Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE