5 lý do các thương hiệu thời trang cao cấp thất bại tại thị trường thương mại điện tử Trung Quốc
Thất bại về mặt doanh số và vô tình “đánh mất” hình ảnh, đã đến lúc các thương hiệu thời trang cao cấp cần nhìn lại kế hoạch kinh doanh trực tuyến của mình tại thị trường Trung Quốc.
Thị trường thương mại điện tử tại Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng từ 20% đến 22%. Trong những năm gần đây, các thương hiệu thời trang cao cấp đã thi nhau gia nhập thị trường béo bở này nhưng liên tiếp gặp thất bại.
Giám đốc của công ty tài chính Fireworks, Chenyin Pan đã có những lý giải sau đây:
1. “Bức tường giới hạn” trên các kênh bán hàng trực tuyến
Cuộc chiến giữa hai doanh nghiệp thương mại điện tử khổng lồ là Tencent và Alibaba sẽ vẫn là chủ đề của ngành công nghiệp bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc. Mặc dù cả Alibaba và Tencent đều phát triển các công cụ quảng cáo và phân tích dữ liệu tiên tiến để giúp các doanh nghiệp xác định nhóm khách hàng mục tiêu hiệu quả hơn, nhưng trên thực tế nếu các doanh nghiệp thời trang cao cấp muốn giữ lợi thế cạnh tranh trong vấn đề quảng bá hình ảnh thương hiệu thì cần phải có sự đầu tư rất lớn trong kế hoạch kinh doanh trực tuyến.
Thương hiệu thời trang cao cấp phải đầu tư nhiều vào kế hoạch quảng bá hình ảnh nếu muốn nổi bật giữa các đối thủ cạnh tranh. (Ảnh: Getty images)
2. Vô tình hạ thấp giá trị thương hiệu
Khi lần đầu tham gia vào thị trường Trung Quốc, nhiều thương hiệu thời trang cao cấp được ưu tiên đầu tư vào các nền tảng, công cụ trực tuyến của Alibaba tên là trang thương mại Tmall. Tuy nhiên để có được sự hiện diện hàng đầu trên giao diện Tmall, các thương hiệu phải chi trả cho mức chiết khấu nhiều hơn nữa. Thậm chí, một số thương hiệu thời trang đã đầu tư tới 90% ngân sách tiếp thị trực tuyến của họ trên Tmall qua các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng. Nhưng đây là hành động không những hạ thấp giá trị thương hiệu mà còn khiến người tiêu dùng hoài nghi về uy tín của doanh nghiệp đó tại Trung Quốc.
Các thương hiệu thời trang cao cấp cần kiểm soát giá trị hình ảnh thương hiệu. (Ảnh: Getty images)
3. Có đến 70% người tiêu dùng Trung Quốc mua thời trang cao cấp ở nước ngoài
Người tiêu dùng Trung Quốc đang chiếm tới 32% thị trường thời trang cao cấp toàn cầu nhưng theo dự đoán lượng người tiêu dùng này không có khả năng tăng lên trong tương lai. Vì vậy thay vì hy vọng mở rộng thị trường thứ ba (thương mại trực tuyến), các thương hiệu nên đầu tư xây dựng hệ thống cửa hàng riêng để phục vụ cho khách hàng trong nước.
4. Người tiêu dùng đang tìm kiếm trải nghiệm mua sắm mới
Nhóm khách hàng thời trang cao cấp thường có xu hướng muốn được trải nghiệm mua sắm một cách thực tế và tiện lợi qua các phương thức mua sắm, dịch vụ hỗ trợ và chính sách hậu mãi. Do đó các thương hiệu thời trang nên thiết lập hệ thống bán lẻ khép kín kết hợp dịch vụ thương mại trực tuyến, giao hàng tận nơi và chương trình hậu mãi nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất.
Một khách hàng mua sản phẩm tại cửa hàng của Hermés ở Thượng Hải cho biết cô rất hào lòng với chính sách bảo hành và chăm sóc khách hàng của hãng. Ngoài ra hãng sẽ gửi mail thông báo khi có sản phẩm mới, nếu thích cô có thể đặt mua trước và sẽ là một trong những khách hàng đầu tiên sở hữu chúng khi vừa mới ra mắt. (Ảnh: LIU JIN/AFP/Getty Images)
5. Thói quen mua sắm trực tiếp tại cửa hàng
Những người tiêu dùng Trung Quốc có thu nhập cao thường ở độ tuổi trung niên. Nhóm khách hàng này có thói quen thích trải nghiệm mua sắm sản phẩm trực tiếp tại cửa hàng. Họ thích thể hiện đẳng cấp qua việc thưởng thức sản phẩm và khả năng tương tác khách hàng của nhân viên trong không gian sang trọng. Nên thay vì phải đầu tư vào “thị trường thương mại ảo” đã tới lúc các thương hiệu nên cân nhắc việc tạo dựng hình ảnh của mình bằng hệ thống bán lẻ tích hợp.
Người tiêu dùng thời trang cao cấp vẫn còn thói quen mua sắm trực tiếp tại cửa hàng. Hình ảnh cửa hàng của Louis Vuitton và Gucci lấp lánh về đêm ở Ma Cao, Trung Quốc. (Ảnh: Daniel J. Groshong/Bloomberg via Getty Images)
—
Xem thêm:
Trang phục hàng hiệu của Beyoncé trong ca khúc mới “Apes**t”
Phong cách thời trang “quyền lực” của Kim Kardashian khi xuất hiện ở Nhà Trắng
Ngọc Trân (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Tham khảo: jingdaily.com/ Hình ảnh: tổng hợp)