Mademoiselle Chanel và khách sạn Ritz: Câu chuyện tình bí ẩn
Ẩn sau căn phòng suite tại khách sạn Ritz Paris là cuộc đời của một trong những người phụ nữ vĩ đại nhất thế kỷ 20 – Mademoiselle Chanel. Không đơn thuần là mối duyên trời định, lịch sử khách sạn Ritz và Mademoiselle Chanel luôn song hành với những cung bậc thăng trầm truyền cảm hứng cho nhau viết nên “câu chuyện tình” bí ẩn của thế kỷ 20.
Chốn bình yên sau những cuộc vui thâu đêm
Khách sạn Ritz nằm tại quảng trường Place Vendôme được khởi công xây dựng vào năm 1889 bởi nhóm kiến trúc sư người Pháp Jules Hardouin-Mansart, Charles Mewès, và Bernard Gaucherel. Tuy nhiên, phải mất 39 năm sau ngày mở cửa, Mademoiselle Chanel mới chính thức đến đây sống. Trong lá thư viết tay gửi đến người bạn của mình Antoinette Bernstein – một nhà trang trí, logo khách sạn Ritz xuất hiện trên thư hé mở việc Mademoiselle Chanel vẫn thường xuyên lui tới đây, giữa khoảng thời gian 1910 – 1935, trước khi chuyển đến sống.
Năm 1910, Mademoiselle Chanel khai trương cửa hiệu đầu tiên của mình tại số 21 đường Rue Cambon. Sau đó 08 năm, bà mua lại toàn bộ tòa nhà và mở rộng thành xưởng may đồ couture tại căn nhà số 31 đường Rue Cambon. Từ cửa hiệu của mình, Mademoiselle Chanel có thể tản bộ tới cổng sau của khách sạn. Thậm chí khi chuyển về sống tại căn nhà số 29 đường Faubourg Saint- Honoré – cách cửa hiệu số 31 đường Rue Cambon 04 ngã tư, Mademoiselle Chanel vẫn thường xuyên lựa chọn khách sạn Ritz là nơi nghỉ ngơi sau những cuộc vui thâu đêm. Không vì không gian yên tĩnh và sự thuận tiện khi di chuyển, Mademoiselle Chanel từng chia sẻ với nhà báo Marcel Haedrich lý do lựa chọn khách sạn Ritz vì muốn những cô hầu phòng có nhiều thời gian dọn dẹp ngăn nắp căn phòng sau những buổi tiệc tùng miên man.
Năm 1935, Mademoiselle Chanel về sống tại khách sạn Ritz. Ban ngày, bà vẫn miệt mài làm việc tại cửa hiệu và trở về với căn phòng suite tại khách sạn khi đêm đến. Thi thoảng, bạn bè của bà được mời đến ăn tối, dành thời gian hàn huyên chia sẻ những câu chuyện đời tư, xã hội. Thậm chí, khách hàng của Mademoiselle Chanel lựa chọn khách sạn Ritz để nghỉ lại trong nhiều tháng chờ lấy trang phục được may đo hoàn chỉnh trước khi trở về nước với những mẫu thiết kế mới nhất từ Paris.
Ba thập niên của những thăng trầm
Khi sống tại khách sạn Ritz, Mademoiselle Chanel không ở tại một căn phòng cố định mà thay đổi theo từng giai đoạn. Trong khoảng thời gian 34 năm lưu trú tại đây, mỗi lần thay đổi căn phòng đều gắn liền với những sự kiện thăng trầm của cuộc đời Mademoiselle Chanel. Năm 1935, khi lần đầu chuyển đến sống tại khách sạn Ritz, Mademoiselle Chanel ở tại căn phòng suite được ghép từ 03 phòng nhỏ số 14, 15 và 16 nằm ở tầng 03 hướng về phía quảng trường Place Vendôme – nguồn cảm hứng thiết kế nên nắp chai nước hoa N°5 huyền thoại. Thời điểm này, Mademoiselle Chanel tận hưởng vinh quang trong sự nghiệp. Nhà mốt của bà chứng kiến bước phát triển mạnh mẽ về quy mô với 4.000 công nhân và 05 cửa hiệu tại đường Rue Cambon.
Năm 1939, Thế chiến thứ II nổ ra, thành phố Paris bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Ngoại trừ cửa hiệu tại số 31 đường Rue Cambon vẫn duy trì hoạt động, Mademoiselle Chanel buộc phải đóng những cửa hiệu khác của mình tại Paris. Bà chuyển về sống tại 02 căn phòng ở phía sau khách sạn hướng về đường Rue Cambon. Tuy vậy, Mademoiselle Chanel vẫn may mắn là một trong số ít cá nhân được ưu ái ở tại khách sạn. Trong thời gian này, Mademoiselle Chanel dành nhiều thời gian di chuyển giữa căn phòng tại khách sạn Ritz, biệt thự La Pausa tại Riviera và căn nhà tại Lausanne, Thụy Sỹ.
Vào năm 1945, sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, cửa hiệu tại số 31 đường Rue Cambon mở cửa trở lại, Mademoiselle Chanel chuyển sang ở tại 02 căn phòng suite số 304 và 305. Từ căn phòng mình, bà có thể nhìn ngắm trọn vẹn khu vườn trong khuôn viên khách sạn. Đây cũng là căn phòng nơi Mademoiselle Chanel trút hơi thở cuối cùng từ biệt thế gian vào ngày 10 tháng 01 năm 1971.
Dấu ấn cá nhân tại Ritz
Khi sống tại khách sạn Ritz, Mademoiselle Chanel dành nhiều thời gian trang trí căn phòng cá nhân bằng những món đồ nội thất như tranh sơn mài chạm khắc bức họa nghệ thuật của Cocteau và Christian Bérard, ghế sofa bằng da lộn màu beige, đèn pha lê, hay hộp đựng bằng chất liệu bạc mạ vàng tinh xảo – món quà của công tước Duke of Westminster. Năm 2012, nhóm kiến trúc sư trùng tu khách sạn Ritz, trong quá trình kiểm kê đồ nội thất, phát hiện ra bức tranh sơn dầu bí ẩn The Sacrifice of Polyxena có tuổi đời 400 năm của họa sĩ Le Brun. Nhiều ý kiến cho rằng bức tranh này được Mademoiselle Chanel mua trong Thế chiến Thứ II.
Lịch sử khách sạn Ritz và cuộc đời của Mademoiselle Chanel luôn cùng lưu giữ những dấu ấn mật thiết. Nơi đây từng được lựa chọn làm địa điểm trình diễn BST thời trang Haute Couture Xuân Hè 1996, Thu Đông 1996-97, và Xuân Hè 1997. Mới đây, nhân dịp khách sạn Ritz Paris mở cửa trở lại sau 04 năm trùng tu (2012-2016), toàn bộ không gian nhà hàng La Table de l’Espadon, Le Bar Vendôme, the Winter Garden, Les Jardins de l’Espadon và Le Salon Proust được bao trọn để làm nơi trình diễn BST Métier d’Art 2016-17 lấy cảm hứng từ những người phụ nữ “Cosmopolite” – nhóm người phụ nữ thưởng ngoạn văn hóa và nghệ thuật nho nhã của Paris trong thập kỷ 20; bản thân Mademoiselle Chanel là một trong những người phụ nữ “Cosmopolite” điển hình. Gần 5 thập kỷ trôi qua kể từ ngày Mademoiselle Chanel rời khỏi khách sạn Ritz nhưng cuộc đời bà và nơi đây như những sợi vải tweed thô huyền thoại, dệt vào nhau tạo nên câu chuyện tình bí ẩn nhất thế kỷ 20.
—
Xem thêm
Chanel ra mắt phim ngắn mới về nước hoa N°5
Nước hoa Chanel N°5 – Bài thơ không cũ
Phim ngắn Inside Chanel: Câu chuyện đằng sau thương hiệu Chanel
Bài: Thanh Huy Sing, Ảnh: Chanel (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)