Thời trang / Tin thời trang

Chúng ta đang lãng phí 500 tỷ đô la mỗi năm cho việc mua sắm và sử dụng mặt hàng thời trang

Trong một nghiên cứu mới nhất, tỷ lệ trang phục không được sử dụng trong ngành thời trang được ước tính lên đến hàng trăm tỷ đô la mỗi năm.

Vấn đề lãng phí đã trở thành tiêu điểm của ngành thời trang trong những năm gần đây khi liên tiếp có các thông tin về lượng hàng tồn kho khổng lồ của các doanh nghiệp. Đặc biệt là khi các thương hiệu lớn, như Burberry, đã tiêu hủy các mặt hàng thời trang tồn kho của họ.

Nghiên cứu mới nhất của Movinga đã khai thác một khía cạnh khác khi tập trung về tỷ lệ lãng phí của người tiêu dùng, trong bối cảnh số lượng các mặt hàng thời trang được sản xuất, tiêu thụ và loại bỏ nhanh hơn bao giờ hết.

mặt hàng thời trang 1
Những lầm tưởng của người tiêu dùng ảnh hưởng đến thói quen tiêu thụ và tích trữ mặt hàng thời trang, tạo nên sự lãng phí được ước tính có giá trị khổng lồ. (Ảnh: wardrobe.fr)

Nghiên cứu được thực hiện với mục đích chính là nhắc nhở người tiêu dùng về ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu của thói quen và lầm tưởng liên quan đến việc tiêu thụ mặt hàng thời trang. Movinga hướng đến việc nâng cao nhận thức và tạo nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát với 18.000 hộ gia đình ở 20 quốc gia. Các câu hỏi nghiên cứu xoay quanh tỷ lệ phần trăm lượng trang phục không được sử dụng trong tủ đồ của họ trong vòng 12 tháng. Sau khi hoàn tất quá trình khảo sát, Movinga đã đối chiếu các kết quả với dữ liệu từ World Bank (Ngân hàng Thế giới) và các tài liệu nghiên cứu khác về chủ đề này.

Kết quả cho thấy, giá trị của những bộ quần áo hầu như không được sử dụng và tái chế lên đến khoảng 500 tỷ đô la. Con số này tương đương với việc một công dân Mỹ trung bình ném đi gần 32 ký quần áo mỗi năm. Nếu như việc lãng phí không được cải thiện, ngành công nghiệp thời trang sẽ sử dụng một phần tư “ngân sách” carbon (tức tổng lượng khí thải nhà kính có thể “chấp nhận được” được thải ra môi trường trong một khoảng thời gian nhất định) của thế giới vào năm 2050, theo quỹ Ellen MacArthur.

mặt hàng thời trang 2
Ước tính một công dân Mỹ trung bình ném đi khoảng 32 kg quần áo mỗi năm. (Ảnh: theodysseyonline.com)

Theo báo cáo của nghiên cứu, những người tham gia khảo sát tại Bỉ có tỷ lệ lầm tưởng về việc sử dụng quần áo cao nhất, đạt mức 62%. Người dân Bỉ cho rằng họ đã mặc 26% lượng trang phục trong tủ quần áo của mình trong một năm qua và chỉ lãng phí khoảng 74%. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng trang phục không được sử dụng của họ lên đến 88%.

Người dân Nga, ngược lại, cho thấy họ có ý thức rõ ràng hơn trong việc tiêu thụ mặt hàng thời trang. Tỷ lệ lãng phí ở quốc già này là thấp nhất trong 20 quốc gia khi chỉ chạm mốc 6% và tỷ lệ lầm tưởng trung bình (bao gồm các khía cạnh lãng phí thực phẩm và mặt hàng chuyển nhượng trong nghiên cứu) cũng chỉ ở mức 3,3%.

Giám đốc điều hành của Movinga, Finn Age Hänsel cho biết: “Tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng của các đại dương và ngành công nghiệp thời trang “ăn liền” phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây là lúc chúng ta cần bắt đầu khuyến khích các cá nhân, khiến họ cân nhắc xem có thực sự cần nhiều đồ dùng hơn không”.

mặt hàng thời trang 3
Những người tiêu dùng, ở cấp độ cá nhân, cần cân nhắc sự cần thiết của các loại hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng thời trang khi mua sắm. (Ảnh: Unsplash)

Nhiều doanh nghiệp đã có các động thái để giải quyết vấn đề lãng phí trong ngành thời trang, cụ thể là các công ty như Patagonia, Eileen Fisher và The North Face đang bán các sản phẩm được tân trang lại từ các mặt hàng thời trang cũ. Stella McCartney là người ủng hộ tích cực cho các hành động chống lãng phí trong ngành thời trang suốt nhiều năm. Công ty cô đã xây dựng một nền tảng nhằm cung cấp thông tin về những bước tiến của doanh nghiệp trong việc tiết kiệm và phục hồi các mặt hàng thời trang đến người tiêu dùng.

Vào tháng trước, adidas cũng đã cam kết chỉ sử dụng nhựa tái chế trong các sản phẩm của mình vào năm 2024. Bộ sưu tập trang phục mùa Xuân của thương hiệu cũng sẽ được ra mắt với tỷ lệ polyester tái chế đạt mức 41%.

mặt hàng thời trang 4
Nhiều chiến dịch trong ngành thời đang được ra đời. Tiêu biểu là chiến dịch “Quay vòng thời trang” tập trung vào việc tái sử dụng lại các sản phẩm và các nguyên vật liệu, nhằm giảm thiểu rác thải tới môi trường. (Ảnh: ellenmacarthurfoundation.org)

Theo Ibis World (một tổ chức đứng đầu về nghiên cứu thị trường công nghiệp và báo cáo nghiên cứu mua sắm), chỉ riêng ngành công nghiệp dịch vụ sửa đổi quần áo đã có trị giá đạt mức 2 tỷ đô la, nhưng không có một công ty nào “thống trị” lĩnh vực này. Những người thợ may có thể sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng khi nhiều thương hiệu triển khai dịch vụ sửa chữa quần áo trong xu thế chống lãng phí trong ngành thời trang diễn ra hiện nay.

Xem thêm:

Các nhà mốt hàng đầu “thay máu” và những mong đợi tích cực cho ngành thời trang thế giới

Chiến dịch Detox thúc đẩy ngành thời trang trong sạch có thực sự hiệu quả?

Nhóm thực hiện

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)