Hệ quy chiếu của Tuần lễ Thời trang luôn xoay quanh những bộ sưu tập của các nhà mốt tên tuổi hay nỗ lực tạo dấu ấn cá nhân của các nhà thiết kế mới. Thế nhưng, Milan năm nay chứng kiến sự biến chuyển ngoạn mục khi tâm điểm chú ý lại đổ dồn về hai cái tên kỳ cựu của làng mốt. Cách đây ít ngày, những người yêu thời trang trên khắp thế giới cùng tề tựu tại “thánh địa” Milan để chiêm ngưỡng bộ sưu tập mới nhất của thương hiệu Versace thì hôm nay, tất cả “vỡ òa” trước thông tin hãng thời trang xa xỉ Italy sẽ về tay “ông lớn” Michael Kors.
Gắn liền với hình ảnh những siêu mẫu quyến rũ và tín đồ sành mốt những năm 80-90, thương hiệu Versace là một trong những nhà mốt thời trang cao cấp nhất thế giới. Nhà sáng lập Gianni Versace cũng là nhà thiết kế yêu thích của Công nương Diana và nhiều người nổi tiếng khác. Cuộc đời và sự nghiệp của Gianni Versace sau này trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho điện ảnh khi các nhà làm phim cho ra đời tác phẩm đạt giải Emmy – The Assassination of Gianni Versace: American Crime Story.
Tương tự mô hình của LVMH (tập đoàn sở hữu các thương hiệu Louis Vuiton, Fendi, Christian Dior,…) và Kering (công ty mẹ của Gucci, Alexander McQueen, Balenciaga,…), thương vụ mua lại Versace chính là nỗ lực lớn nhất của Michael Kors nhằm xây dựng một đế chế thời trang ngay tại thị trường Mỹ. Việc hoàn tất thỏa thuận với Versace được kỳ vọng sẽ đưa vị thế của Michael Kors trở thành đối thủ cạnh tranh xứng tầm với các hãng thời trang cao cấp Tapestry (chủ sở hữu của các thương hiệu Coach, Kate Spade New York và Stuart Weitzman) và PVH Corp. (“nhà chung” của Calvin Klein và Tommy Hilfiger).
BÀI LIÊN QUAN
Theo tạp chí Glamour, sau khi hoàn thành việc sát nhập Versace, Michael Kors Holdings Limited sẽ được đổi tên thành Capri Holdings dựa theo tên của hòn đảo nổi tiếng ngoài khơi vịnh Napoli, Địa Trung Hải. Jonathan Akeroyd và Donatella Versace sẽ tiếp tục giữ chức vụ giám đốc điều hành và giám đốc sáng tạo. Bên cạnh đó, anh trai Santo và con gái Allegra của bà Donatella sẽ trở thành cổ đông của Capri. Bà Donatella chia sẻ: “Tôi tin tưởng thương vụ này sẽ mang lại thành công lâu dài cho cả Versace vả tập đoàn thời trang cao cấp Capri”.
Sau khi hoàn tất việc mua lại hãng thiết kế giày nổi tiếng của Anh Jimmy Choo vào năm ngoái với mức giá 1.2 tỷ đô la Mỹ, Michael Kors đã đạt mức tăng trưởng doanh thu 26.3% vào quý cuối năm. Đóng góp 17.2% trong tổng mức tăng trưởng, hãng giày Anh Quốc chính là bước đi đúng đắn của Michael Kors khi việc thúc đẩy doanh số đang sụt giảm trong những năm gần đây.
Nắm trong tay 80% cổ phần và 20% còn lại được bán cho tập đoàn Blackstock vào năm 2014, Versace là một trong những thương hiệu độc lập tồn tại trong ngành công nghiệp thời trang cao cấp. Theo Business of Fashion, kế hoạch phát triển dành cho Versace trong thời gian tới là đẩy mạnh hoạt động bán lẻ trên toàn cầu, tăng số lượng cửa hàng từ 200 đến 300, mở rộng hoạt động thương mại điện tử cũng như đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh giày và phụ kiện. Cùng với việc giữ nguyên đội ngũ quản lý, các tín đồ trung thành của thương hiệu Ý không cần quá lo lắng cho tương lai của thương hiệu này.
—
Xem thêm:
Donatella Versace được vinh danh tại lễ trao giải CFDA 2018
Chiêm ngưỡng 21 thiết kế tuyệt đẹp của thương hiệu Versace trong “American Crime”
Nhóm thực hiện
Bài: Khánh Linh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Glamour, Telegraph UK Hình ảnh: Tổng hợp