NTK Sarah Burton rời Alexander McQueen sau hơn hai thập kỷ gắn bó
Tối ngày 30/9, tập đoàn Kering đã phát thông báo chính thức NTK Sarah Burton sẽ rời Alexander McQueen sau 26 năm gắn bó.
Bộ sưu tập Xuân/Hè 2024 diễn ra vào ngày 30/9 tại Tuần lễ thời trang Paris sẽ là buổi trình diễn cuối cùng của NTK Sarah Burton tại Alexander McQueen, khép lại một kỷ nguyên huy hoàng của thương hiệu xa xỉ Anh quốc.
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Kering François-Henri Pinault chia sẻ trong tuyên bố của thương hiệu: “Tôi vô cùng biết ơn Sarah và cá nhân tôi muốn cảm ơn cô ấy vì những cống hiến trong hai thập kỷ qua. Bằng kinh nghiệm, sự nhạy cảm và tài năng của mình, Sarah đã tiếp tục phát triển sự sáng tạo của ngôi nhà mang tính biểu tượng này. Cô ấy đã lưu giữ và tiếp tục di sản của Lee, chú ý đến từng chi tiết và tầm nhìn độc đáo, đồng thời bổ sung thêm dấu ấn cá nhân và tính sáng tạo của riêng mình.”
Về phía Sarah Burton, cô cũng chia sẻ về cuộc chia tay đầy tiếc nuối này: “Tôi rất tự hào về tất cả những gì tôi đã làm và về đội ngũ tuyệt vời của tôi tại Alexander McQueen,” cô nói trong một tuyên bố hôm nay. “Họ là gia đình và là ngôi nhà của tôi trong 26 năm qua. Tôi muốn cảm ơn Francois-Henri Pinault vì đã tin tưởng trao cho tôi cơ hội tuyệt vời này. Trên hết, tôi muốn cảm ơn Lee Alexander McQueen. Ông đã dạy tôi rất nhiều điều và tôi mãi mãi biết ơn ông ấy. Tôi đang mong chờ chương tiếp theo của mình và sẽ luôn mang theo khoảng thời gian quý giá này bên mình.”
Kering cho biết người kế nhiệm Sarah sẽ được công bố “vào thời điểm thích hợp”.
SARAH BURTON – CÁNH TAY PHẢI ĐẮC LỰC VIẾT TIẾP LỊCH SỬ CỦA ALEXANDER MCQUEEN
NTK Sarah Burton sinh năm 1974. Cô gia nhập Alexander McQueen với tư cách là một thực tập sinh vào năm 1996. Sau khi tốt nghiệp trường Central Saint Martins năm 1997, Sarah đã trở lại làm việc và được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận thiết kế trang phục nữ chỉ sau hai năm.
Kể từ đó, Sarah trở thành cánh tay phải đắc lực của Lee Alexander McQueen trong suốt 14 năm đồng hành. Hơn ai hết, cô là người hiểu rõ nhất tinh thần và sức sáng tạo của ông trong hành trình xây dựng và phát triển nên nhà mốt xa xỉ này. Cũng bởi vậy, sau khi Lee qua đời vào năm 2010, cô được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc sáng tạo của thương hiệu, tiếp tục di sản của nhà thiết kế quá cố.
Trong 13 năm lèo lái con tàu Alexander McQueen, Sarah đã liên tục nỗ lực cống hiến tài năng của mình cho thương hiệu nói riêng và toàn ngành thời trang nói chung. Cô gây ấn tượng bởi những thiết kế mang tính thể nghiệm, đa dạng nhưng không làm mất đi tinh thần vốn có mà Lee đã để lại. Mặc cho người người nói rằng cô quá tối giản so với sự “điên rồ” mà Lee đã để lại. Thế nhưng, nếu không phải Sarah thì ai là người dám bước chân vào và tiếp nối những di sản đó?
Là một nhà thiết kế nữ nhưng Sarah đảm nhận trách nhiệm định hướng sáng tạo và phát triển tất cả các bộ sưu tập của thương hiệu. Trong đó bao gồm quần áo may sẵn, phụ kiện dành cho nam và nữ, dòng sản phẩm cao cấp hơn McQ. Nếu không nỗ lực và có sức sáng tạo bền bỉ, thấu hiểu được tinh thần thương hiệu, làm sao cô cùng đội ngũ có thể giải quyết được khối lượng công việc khổng lồ như vậy?
Dù ngành thời trang vốn dĩ vẫn do nam giới thống trị, nhưng dưới sự dẫn đầu của Sarah, cô đã đưa Alexander McQueen trở thành một trong những thương hiệu đáng kính trọng nhất của ngành. Trong các buổi trình diễn của mình, cô luôn nỗ lực để biến mỗi bộ sưu tập đều trở thành một tác phẩm sống động nhưng đầy quyến rũ. Những bộ đồ cô mang lên sàn diễn ready-to-wear còn được giới chuyên môn đánh giá cao, đạt đến độ tinh xảo chuẩn mực của thời trang may đo cao cấp. Đồng thời, cô đã góp phần đưa thương hiệu bước ra khỏi cái bóng mà Lee đã để lại.
Từ những bộ vest được cắt may một cách hoàn hảo, những bộ đầm được đính kết tỉ mỉ, đòi hỏi kỹ thuật thủ công lành nghề, đến những thiết kế kinh điển như như bộ nhận diện đầu lâu, hoa hồng, dây xích, cách phối màu quái dị vốn là di sản của Lee… Sarah đều để chúng hiện diện trên tất cả các bộ sưu tập của mình mà không làm mất đi tính ứng dụng thực tế của chúng. Dù Lee không ở đây nữa nhưng chắc chắn anh đã rất tự hào về những gì mà Sarah đã cống hiến cho thương hiệu này.
Chỉ 1 năm sau khi nhận chức, Sarah gây chấn động giới thời trang khi thiết kế chiếc váy cưới màu trắng ngà dài 9ft (khoảng 2.74 mét) kinh điển cho công nương xứ Wales – Kate Middleton, đưa thương hiệu Alexander McQueen ghi dấu vào lịch sử, góp phần tạo nên mối quan hệ của nhà mốt với Hoàng gia Anh. Đây là điều mà không phải bất kỳ thương hiệu nào cũng có thể đạt được. Không chỉ vậy, Sarah còn là nhà thiết kế được công chúa lựa chọn cho các sự kiện, bao gồm đám cưới của Công tước và Nữ công tước xứ Sussex năm 2018 và tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 2022.
Bên cạnh đó, trang phục do Sarah thiết kế còn được các ngôi sao quốc tế đặc biệt yêu thích và đặt may riêng trong các sự kiện thảm đỏ danh giá hàng đầu như Liên hoan phim Cannes, Met Gala, Lễ trao giải Oscar…
Năm 2012, Sarah được trao tặng Huân chương Đế quốc Anh (OBE) vì những đóng góp của mình cho ngành thời trang Anh. Bên cạnh đó, cô cũng nhận được một loạt các giải thưởng danh giá khác như giải thưởng Walpole cho Tài năng thiết kế sang trọng của Anh, Nhà thiết kế của năm tại Giải thưởng Thời trang Anh và vào tháng 6 năm 2019 đã nhận được Giải thưởng Quốc tế CFDA.
NỮ TƯỚNG TÀI BA CỨU THƯƠNG HIỆU KHỎI BỜ VỰC PHÁ SẢN
Không chỉ mang về giá trị thương hiệu, Sarah còn nỗ lực cứu lấy giá trị thương mại của Alexander McQueen sau khi Lee qua đời. Trong suốt thời gian trị vì, doanh số bán hàng của nhãn hàng trước đại dịch cũng tăng vọt, tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm 2022, doanh thu của Alexander McQueen tăng từ 220 triệu euro năm 2014 lên 830 triệu euro vào năm 2022, đưa thương hiệu bước ra khỏi bờ vực phá sản và đi vào quỹ đạo hoạt động tăng tưởng ổn định.
Đặc biệt, mẫu giày thể thao đế dày “Oversized Sneakers” đã trở thành món đồ kinh điển trong danh sách của các tín đồ thời trang. Chính những sáng tạo này cũng góp phần khiến cho Kering rót tiền, lên kế hoạch đầu tư để thúc đẩy sự phát triển của Alexander McQueen mạnh mẽ hơn nữa vào năm 2018. Đây cũng là thời điểm mà thương hiệu được đánh giá là một trong những “con gà đẻ trứng vàng”, phát triển nhanh nhất của tập đoàn.
Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, cả Balenciaga và Alexander McQueen đã sa sút nghiêm trọng. Báo cáo doanh số bán hàng giảm 5% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023, xuống còn 1,9 tỷ euro. Sự sụt giảm này có thể đến từ nguyên do tinh giản kênh bán hàng (giảm 27% trong nửa đầu năm) và thị trường hỗn hợp của Mỹ (mixed American market) nhưng dòng sản phẩm quần áo may sẵn của Alexander McQueen vẫn đạt các chỉ số bán tốt trong quý 2/2023.
Dù nỗ lực cống hiến cả nửa cuộc đời cho thương hiệu, nhưng có lẽ sự thay đổi và biến động mạnh mẽ trong những năm gần đây đã khiến cho mối tình tưởng chừng vĩnh cửu của Sarah và Alexander McQueen buộc phải đi đến hồi kết. Sự ra đi của Burton đánh dấu sự thay đổi mới nhất trong chuỗi cải tổ lực lượng sáng tạo sau khi Alessandro Michele rời Gucci vào tháng 11 năm 2022, cũng như một loạt các thay đổi về mặt nhân sự cấp cao của tập đoàn xa xỉ Kering.
Bài: Khánh Linh
Ảnh: Tổng hợp