Năm 2018 khép lại với những sự kiện và cột mốc đáng nhớ của thế giới thời trang.
Ngôi sao mạng xã hội và những thương hiệu cao cấp
Năm 2018 chứng kiến những màn “kết giao” đáng chú ý của nhiều nhà mốt lớn thế giới tại Việt Nam với các ngôi sao mạng xã hội. 2018 là năm Châu Bùi nổi lên mạnh mẽ như một gương mặt thương hiệu được săn đón nhất. Cùng với Kelbin Lei, Châu Bùi là gương mặt được hãng trang sức và đồng hồ Cartier lựa chọn để tham gia sự kiện quảng bá trong và ngoài nước.
Tháng 10 vừa qua, Châu Bùi nhận lời mời của Chanel tới tham dự sự kiện thời trang – buổi trình diễn BST Cruise của nhà mốt Pháp được giới thiệu tại Bangkok, Thái Lan. Châu Bùi cũng trở thành gương mặt duy nhất từ Việt Nam tham dự Hermès Carré Club, sự kiện pop-up đặc biệt tại Singapore của nhà mốt lừng danh nước Pháp. Một gương mặt khác là Quỳnh Anh Shyn, cô là khách mời của Louis Vuitton trong buổi giới thiệu BST Prefall 2018 tại Seoul hồi tháng 4.
Trong khi đó, Sơn Tùng MTP đồng hành cùng nhà mốt Gucci. Nam ca sĩ có mặt tại Hong Kong vào tháng 5 để tham dự buổi giới thiệu BST Thu – Đông 2018. Sơn Tùng cũng là người thể hiện các trang phục nam Gucci trong bộ ảnh của ELLE Man Việt Nam.
Nói không với lông thú!
“Làn sóng” ngưng sử dụng lông thú tiếp tục được lan rộng trong làng thời trang cao cấp suốt năm 2018. Versace tuyên bố không sử dụng lông thú thật vào tháng 3. Đến tháng 4, Maison Margiela cũng có quyết định tương tự. Các sự kiện thời trang trình làng BST gần đây của hãng cũng được NTK John Galliano sáng tạo theo hướng khác, xây dựng vẻ quyến rũ mà không cần tới bộ lông của các loài động vật.
Tháng 9, Burberry thông báo ngừng đốt hàng tồn kho và dừng bán mặt hàng thời trang sử dụng lông thú thật. Gần đây nhất, Chanel cũng thông báo ngưng sử dụng lông thú và các loại da quý hiếm trong các thiết kế túi xách của thương hiệu.
Các thương vụ sáp nhập đáng chú ý
Ngày 25/9, tập đoàn Capri Holdings đứng đằng sau thương hiệu Michael Kors đã thông báo mua thương hiệu Versace với giá 2,1 tỷ đô la. Chiến lược của Capri Holdings dành cho Versace là mở rộng nhánh sản phẩm phụ kiện và giày dép từ 35% lên 60% doanh thu, phát triển thương mại điện tử, các kênh tích hợp, và mở thêm cửa hàng mới ở Mỹ, châu Âu, châu Á. NTK Donatella Versace tiếp tục giữ vị trí giám đốc sáng tạo và điều hành.
Vào tháng 8, Thom Browne công bố gia nhập tập đoàn Ermenegildo Zegna để tập trung đầu tư cho quy trình sản xuất và phát triển hệ thống bán lẻ toàn cầu. Trước đó không lâu, thương hiệu của NTK người Bỉ Dries van Noten được mua lại bởi Puiq để củng cố vị thế của tập đoàn gốc Tây Ban Nha trong thị trường thời trang. Ngoài ra, thương hiệu Lanvin một lần nữa bị xáo trộn khi tập đoàn Fosun International của Trung Quốc mua lại.
Trong khi đó, tập đoàn Kering bán lại 50% cổ phần thương hiệu Stella McCartney cho chính NTK này sau 17 năm gắn bó. Cuộc “chia tay” được công bố vào cuối tháng 2 và đưa thương hiệu thời trang Stella McCartney bước vào một giai đoạn mới, tự do nhưng cũng nhiều thách thức hơn.
“Sao đổi ngôi” năm 2018
Phoebe Philo chính thức rời khỏi Celine sau 10 năm gắn bó. Hedi Slimane, cựu giám đốc sáng tạo tại nhà Saint Laurent, là người thay vị trí của Phoebe. Trong khi Hedi đã giới thiệu BST Celine mới mang tới những cảm xúc đầy ngỡ ngàng thì người hâm mộ vẫn ngóng tin về điểm đến tiếp theo của Phoebe Philo.
Tại Burberry, Riccardo Tisci, người nắm giữ vị trí giám đốc sáng tạo tại Givenchy từ năm 2005 – 2017 được chọn là người thay thế cho Christopher Bailey khi ông rời khỏi Burberry sau 17 năm chèo lái. Tisci bắt đầu tiếp quản vị trí này từ ngày 12/3 năm nay. Thay đổi logo thương hiệu là bước chuyển đổi đầu tiên của ông tại nhà mốt Anh.
Các thương hiệu thời trang nam cũng có những cuộc thay đổi “thuyền trưởng” đáng chú ý. Ba tháng sau khi rời nhà Louis Vuitton, Kim Jones trở thành tân giám đốc sáng tạo của Dior Men. Kim Jones thay thế cho Kris Van Assche, người rời đi sau khi nắm giữ vị trí này năm 2007. Sau sự ra đi của Kim Jones, Virgil Abloh là cái tên thay thế vị trí giám đốc sáng tạo thời trang nam Louis Vuitton. Virgil Abloh sáng lập thương hiệu Off-White, là NTK da màu với thành tích vang dội trong dòng thời trang streetwear.
BÀI LIÊN QUAN
Cảm hứng Ai Cập trong BST Chanel Métiers d’Art
Sự kiện thời trang tôn vinh những người thợ thủ công năm nay được Chanel mang tới thành phố New York. Hình ảnh đền thờ Dendur được tái hiện trong Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan tạo nên không gian trình diễn giàu cảm hứng. Sắc vàng huyền bí trên những bức tượng Pharaon Ai Cập cổ đại trở thành sắc màu chủ đạo của BST Métiers d’Art 2019.
Những đặc trưng nổi tiếng của văn hóa Ai Cập cổ được NTK Karl Lagerfeld mang vào các thiết kế thời trang. Nhiều mẫu đầm lót màu trắng phủ dài tới chân tạo thành nền tảng mềm mại cho những chân váy tweed, áo blazer, đầm ngắn… BST mang vẻ đẹp cuốn hút nhờ vào cả những phụ kiện và họa tiết đậm chất Ai Cập thần bí.
Valentino và BST Pre-Fall rực đỏ ở Tokyo
Những thiết kế rực đỏ với chi tiết bèo nhún tạo nên ấn tượng đặc biệt cho sự kiện thời trang BST Pre-fall đầu tiên của nhà mốt Ý trình diễn tại Tokyo. BST lấy cảm hứng từ văn hóa wabi-sabi, đại diện cho văn hóa, thẩm mỹ của đất nước mặt trời mọc.
Xu hướng thiết kế kiến trúc Deconstruction (giải tỏa kết cấu) được ứng dụng vào các thiết kế. Bên cạnh những kiểu đầm ấn tượng, các thiết kế ứng dụng với phong cách streetwear cũng xuất hiện trong BST. Người mẫu Kaia Gerber là vedette trong sự kiện thời trang đáng chú ý của Valentino tại thành phố Tokyo vừa qua.
Versace Pre-Fall đến New York
Lần đầu tiên tại New York, Versace đem đến BST Pre-fall 2019 trình diễn vào đúng ngày sinh nhật 02/12 của Gianni Versace – người sáng lập thương hiệu. NTK quá cố nếu còn sống năm nay 72 tuổi. Để tưởng nhớ Gianni Versace nhân sự kiện thời trang này, những họa tiết, thiết kế in, kiểu dáng kinh điển từ giữa thập niên 90 đã xuất hiện trở lại. Đặc biệt, chiếc váy đính ghim cài nữ diễn viên Elizabeth Hurley mặc trong lễ ra mắt bộ phim Bốn đám cưới và một đám ma được tái xuất tươi mới.
Cảm hứng New York cũng được thể hiện trong BST với thiết kế áo phông gắn dòng chữ “I Love NY” (Tôi yêu New York) cùng biểu tượng nữ thần Medusa. Đây là dịp để nhà mốt Versace bày tỏ sự kính trọng với thành phố đặc biệt này, muốn đem di sản Milan kết hợp với năng lượng của New York. Người mở màn cho sự kiện thời trang này không ai phù hợp hơn là người mẫu trẻ Kaia Gerber.
Dior Men của Kim Jones lấp đầy cảm hứng xứ phù tang
Nhật Bản là cảm hứng lớn của NTK Christian Dior nhưng ông chưa một lần trong đời đặt chân đến xứ sở này. Đây có lẽ có một trong những lý do để Kim Jones, giám đốc sáng tạo mới của thời trang nam nhà Dior mang cảm hứng Nhật Bản vào BST. Kim Jones sử dụng nghệ thuật đương đại và nghệ thuật đường phố để tạo nên những thiết kế ấn tượng.
Điểm nhấn của sàn diễn là mô hình robot cao 12m được làm bằng chất liệu kim loại đặt tại trung tâm sàn diễn do nghệ sĩ người Nhật Hajime Sorayama thực hiện. Sự kiện thời trang kết hợp giữa yếu tố hiện đại và truyền thống biểu tượng của xứ Phù tang. Những bông hoa anh đào trôi trên sàn với hệ thống ánh sáng laser ấn tượng. Cũng từ đây, Kim Jones đã chính thức đổi tên thương hiệu, từ “Dior Homme” thành “Dior Men”. Những thay đổi mang lại sức sống mới cho dòng thời trang nam của Dior.
—
Xem thêm:
“Đồng sàng dị mộng”, Giám đốc sáng tạo Raf Simons chính thức chia tay Calvin Klein
Kendall Jenner giữ kỷ lục người mẫu có thu nhập cao nhất thế giới năm 2018
Nhóm thực hiện
Bài: Thùy Trang Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE