“Nô lệ lao động” – mảng tối trong ngành công nghiệp thời trang thế giới
Ngành công nghiệp thời trang có nhiều cơ hội cho những người hợp tác lao động. Nhưng phía sau đó tồn tại một sự thật đáng sợ gọi là “nô lệ lao động”.
Trong vài năm gần đây, ngành công nghiệp thời trang thường được nhắc đến như là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đứng thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong rất nhiều mảng tối vừa được bóc tách. Theo báo cáo mới đây, ngoài ngành công nghệ, ngành công nghiệp thời trang là “cái phễu đại” bóc lột sức lao động nhiều hơn bất kỳ ngành công nghiệp nào.
Nô lệ lao động thời hiện đại
Ngành công nghiệp thời trang đã bắt đầu vào giai đoạn thời trang nhanh (fast fashion) phát triển. Nhu cầu mua sắm của khách hàng luôn thay đổi không ngừng theo xu hướng. Do đó, các thương hiệu phải cạnh tranh nhau tăng gia sản xuất. Để giải quyết vấn đề nhân lực, họ sẽ thông qua công ty cung cấp nguồn lao động.
Vấn đề xảy ra khi nhiều tổ chức buôn người “đội lốt” các công ty cung cấp lao động đã lợi dụng chương trình hợp tác sang nước ngoài làm việc để dụ dỗ trẻ em và những người muốn có cơ hội kiếm thu nhập. Ở xứ lạ, người lao động phải ký hợp đồng gắn bó với nhà tuyển dụng trong thời gian dài, không được thay đổi công việc vì bị giữ giấy tờ, tiền lương và phải chịu đựng sự bóc lột khắc nghiệt.
Theo thống kê từ Liên hợp quốc, lao động trẻ em được thuê chủ yếu lấy từ các quốc gia thuộc châu Á và Trung Đông. Công việc của các em là góp phần trong quy trình sản xuất ra nguyên liệu thô (như vải vóc, hoa văn) phục vụ cho công nghiệp thời trang. (Ảnh: trustedclothes)
Thống kê năm 2018 từ tạp chí Global Slavery Index, ngành công nghiệp thời trang của nhóm quốc gia G20 (nhóm cường quốc thương mại thế giới) đạt đến 127,7 tỷ đô la, con số này đã giúp bảo vệ nền kinh tế toàn cầu. Nhưng ít ai ngờ rằng, phía sau thành tích đó là tình trạng bóc lột công sức của 40,3 triệu người lao động nhập cư mỗi năm, trong số đó 71% là phụ nữ.
Mảng tối sau sự hào nhoáng của ngành công nghiệp thời trang là những công nhân làm việc quá thời gian quy định, không được trang bị bảo hộ lao động và lương rẻ mạt. (Ảnh: @walkfreefoundation)
Lối thoát cho những người lao động bị bóc lột?
Hiện nay, ngành công nghiệp thời trang ở Hoa Kỳ có tỷ lệ bóc lột sức lao động thấp nhất thế giới. Được biết, trong năm 2010, tiểu bang California đã ban hành điều luật yêu cầu các doanh nghiệp lớn phải công khai thông tin, chính sách và mức lương cụ thể với công nhân nhằm tránh tệ nạn ngược đãi lao động. Tuy nhiên, đạo luật này vẫn có kẽ hở vì những doanh nghiệp toàn cầu nào có doanh thu dưới 100 triệu đô la sẽ được miễn đạo luật này.
(Ảnh: @walkfreefoundation)
Vương quốc Anh sở hữu doanh thu trong ngành công nghiệp thời trang đạt 9.289.350 $ mỗi năm và số lượng lao động nhập cư chiếm đa số. Tương tự Hoa Kỳ, chính phủ đã lập ra đạo luật chống nô lệ hiện đại vào năm 2016. Chính sách mới yêu cầu các doanh nghiệp có quy mô nhất định công bố những gì họ đang làm để ngăn chặn bóc lột người lao động nhập cư. Những động thái này là một điểm khởi đầu ý nghĩa nhưng hiệu quả của chúng trong việc thay đổi thực trạng lao động vẫn chưa rõ ràng, do khó kiểm soát hết các doanh nghiệp.
Vì vậy, những gì có thể thực hiện để tránh gặp phải vấn đề này là người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin công ty uy tín đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ngoài ra các tổ chức cộng đồng nên có hoạt động tư vấn, hỗ trợ và giúp đỡ cho người lao động xa xứ.
Walk Free Foundation là một trong những tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm uy tín trên thế giới. Người lao động không phải tốn phí tham vấn cũng như sẽ được đảm bảo quyền lợi trong suốt quá trình làm việc với công ty nước ngoài.
—
Xem thêm:
Câu chuyện về Trái Đất và sức ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu đối với ngành công nghiệp Thời trang
Có hay không sự minh bạch và tính công khai trong ngành công nghiệp thời trang?
Ngọc Trân (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Tham khảo: fashionista/ Hình ảnh: tổng hợp)