NTK Vũ Thảo vừa nhận giải Grand Champion, giải thưởng đầu tiên của chính phủ và một số tổ chức tầm cỡ ở Hàn Quốc trao cho những người Việt Nam tiên phong làm tăng giá trị của đồ thủ công, tôn vinh bản sắc văn hóa và lối sống bền vững. Thương hiệu Kilomet109 của NTK Vũ Thảo cũng nhận được lời mời tham gia London Design Biennale vào tháng 9 năm nay. Tiếp sau đó là sự kiện hợp tác thiết kế với một nhãn hiệu khác tại Paris.
Việc của NTK là chú tâm vào tạo dáng sản phẩm, tạo xu hướng thời trang chứ không phải sản xuất chất liệu và đi quá sâu vào học thuật về nguyên liệu. Chị nghĩ sao về quan điểm này?
Tính đa dạng về phương pháp thiết kế là vô cùng cần thiết cho lĩnh vực sáng tạo. Vũ Thảo thấy phiêu hơn khi được sáng tác trong nơi chốn của mình như là mày mò tìm ra một công thức nhuộm mới, một cấu trúc dệt mới hay đơn giản là xách liềm đi ra đồng gặt chàm, lanh với các chị em nghệ nhân. Một thiết kế đẹp, hợp thời… nếu gói ghém thêm câu chuyện về làm chất liệu, hay có khả năng dẫn xuất kiến thức học thuật thì là cái “được” cho người tiêu dùng. Với tôi, khi đã có đủ chuyện về quá trình làm chất liệu sẽ không phải mất công đi tìm những ý niệm hư cấu hay lãng mạn hóa nó như rất nhiều NTK khác thường làm.
Thời trang thủ công do chị làm ra có phải là sản phẩm dễ bảo quản không?
Có những sản phẩm dễ và khó. Không nên dùng thuốc tẩy, bột giặt mạnh, giặt ở chế độ nhẹ, và không dùng máy sấy. Giặt tay và phơi trong bóng râm là tốt nhất. Vải nhuộm tự nhiên bền hơn vải nhuộm công nghiệp. Như áo quần nhuộm chàm hay củ nâu có tuổi thọ trung bình là 5 năm, tần suất trung bình mỗi tuần mặc hai lần. Ngâm sản phẩm thời trang sinh thái vào nước pha giấm chua hoặc vắt đôi quả chanh thêm nắm muối; dùng xà phòng sơ chế từ quả bồ hòn, hay bồ kết cũng là cách tối ưu để tăng tuổi thọ cho trang phục.
BÀI LIÊN QUAN
Nhiều thiết kế sinh thái mới chỉ chú trọng đến chất liệu mà chưa thực sự thuyết phục ở phần thiết kế, đặc biệt là tính xu hướng, hướng tới đối tượng trẻ. Kilomet109 định hướng ra sao?
Đúng thế! Khái niệm thời trang bền vững đang được dùng vô thiên lủng. Nó được nhìn nhận như một hiện tượng xu hướng hơn là triết lý sống. Thật giả lẫn lộn. Rất nhiều nhãn hiệu, NTK đang tranh thủ sức nóng này để biến hóa thành món trang sức hòng tô vẽ cho thiết kế. Sử dụng các chất liệu sinh thái mà công năng của thiết kế thấp, cấu trúc thiết kế lỏng lẻo, màu sắc, kiểu dáng ngô nghê, chi tiết thiết kế nghèo nàn, không dựa trên nghiên cứu về xu hướng… thì thật lãng phí. Chất liệu bền vững không phải là bùa hộ mệnh cho sự yếu kém về khả năng thiết kế. Vũ Thảo trân trọng những yếu tố bền vững trong chuỗi sản xuất của mình nhưng không muốn dùng nó như một phép màu. Nếu tách hoàn toàn những câu chuyện bền vững trong thiết kế của tôi thì chúng vẫn đứng vững, tức là chất lượng, ứng dụng, thẩm mỹ, đương đại và độc đáo.
Một người yêu thời trang muốn mặc theo lối bền vững, họ có nhất thiết phải tìm đến các sản phẩm 100% tự nhiên hay còn có giải pháp khác?
Tái chế từ quần áo cũ, đổi quần áo cho nhau, tự may, tự sửa, tự làm cũng là một cách mặc bền vững. Tôi đã nghĩ đến một không gian “Tự”, như một “co-designing space” có máy móc, dụng cụ, có những khóa học với nghệ nhân hay chuyên gia, có kho tư liệu tham khảo để người yêu thích thủ công, thiết kế có thể đến để tự thực hiện ý tưởng, tự sửa chữa các trang phục cũ.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
—
Xem thêm:
Công nương Kate Middleton ủng hộ sáng kiến về thời trang bền vững
Điều gì hấp dẫn nhất ở những tài khoản Instagram về thời trang bền vững?
Nhóm thực hiện
Bài: Thùy Trang Ảnh: NVCC Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE