Thời trang / Tin thời trang

Lần đầu tiên NTK Vũ Thảo mang kỹ thuật dệt vải truyền thống đến buổi triển lãm London Design Biennale

Đến London Design Biennale, nhóm dự án của NTK Vũ Thảo mong muốn mang nét đẹp tinh túy trong kỹ thuật dệt vải truyền thống đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Yêu thời trang và say mê chất liệu vải truyền thống, NTK Vũ Thảo đã xây dựng thương hiệu thời trang sinh thái mang tên Kilomet 109. Với những thiết kế mang hơi thở đương đại trên nền chất liệu vải thiên nhiên, Kilomet 109 đã gây được ấn tượng mạnh mẽ trong cộng đồng ủng hộ thời trang bền vững trong nước và thế giới. Cũng từ đây, NTK Vũ Thảo đã tích cực tham gia nhiều dự án về thiết kế và thủ công.

NTK Vũ Thảo 5
Kilomet 109 là thương hiệu thời trang sinh thái của NTK Vũ Thảo. Trang phục hữu cơ của Kilomet 109 đều được làm bằng phương pháp thủ công truyền thống từ bước chọn hạt giống đến sản phẩm hoàn thiện. (Ảnh: Facebook @thisisvietnam.design)

Trong đó, thời gian làm việc 2 năm với Hội đồng Anh và Đại học Leicester đã mang về cho NTK Vũ Thảo cơ hội tham dự buổi triển lãm London Design Biennale sẽ diễn ra vào tháng 9 tới tại Somerset House, London. London Design Biennale là buổi triển lãm có sự góp mặt của những nghệ sĩ đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này đồng nghĩa với việc lần đầu tiên, các NTK Việt Nam đương đại sẽ có cơ hội thể hiện tầm nhìn, sản phẩm của mình với bạn bè quốc tế. Đây là một sự kiện quan trọng không chỉ đối với các đại diện mà còn cho thời trang xanh ở Việt Nam nói chung. 

NTK Vũ Thảo 1
Với tình yêu thời trang và kỹ thuật dệt truyền thống, NTK Vũ Thảo đã tham gia nhiều dự án thủ công và đem về cơ hội đặc biệt cho nghệ thuật đương đại nước nhà. (Ảnh: Facebook @thisisvietnam.design)

Bên cạnh NTK Vũ Thảo, đại diện Việt Nam đến buổi triển lãm còn có NTK đa ngành Giang Nguyễn, người rà soát trong suốt các thập kỷ qua để khai quật các mẫu, phông chữ, màu sắc và Nghệ sĩ thị giác – VJ Lê Thanh Tùng (Crazy Monkey), người đã đưa biểu tượng “yesteryears” (những ngày xưa cũ) vào thể loại đa phương tiện.

Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Nhà thiết kế và giám tuyển Claire Driscoll, người cộng tác với các nghệ sĩ và nhà thiết kế đương đại Việt Nam, các sản phẩm hữu cơ gồm túi, khăn choàng… và một số bức tranh khác được trưng bày và quảng bá tại studio nghệ thuật và thiết kế Work Room Four. Đây là nơi Claire đồng sáng lập ở Hà Nội vào năm 2013.

NTK Vũ Thảo 3
Nghệ sĩ thị giác – VJ Lê Thanh Tùng (Crazy Monkey), người đã đưa biểu tượng “yesteryears” (những ngày xưa cũ) vào thể loại đa phương tiện. (Ảnh: Facebook @thisisvietnam.design)
NTK Vũ Thảo 2
NTK đa ngành Giang Nguyễn, người rà soát trong suốt các thập kỷ qua để khai quật các mẫu, phông chữ, màu sắc. (Ảnh: Facebook @thisisvietnam.design)

Với chủ đề Emotional States (Trạng thái Xúc cảm) của buổi triển lãm năm nay, nhóm thực hiện dự án của NTK Vũ Thảo sẽ mang đến hai phòng thí nghiệm. Phòng đầu tiên tái hiện quy trình nhuộm tự nhiên từ lúc gieo trồng đến thiết kế dệt hoàn thiện. Người xem sẽ được chiêm ngưỡng quá trình dệt vải thiên nhiên một cách tỉ mỉ qua hình ảnh trực quan sinh động. Mục đích của phòng thí nghiệm là tìm cách chứng minh nhu cầu đổi mới và sáng tạo nhằm phục vụ bảo tồn văn hóa và đảm bảo tính bền vững.

NTK Vũ Thảo 6
Phòng đầu tiên sẽ tái hiện quá trình dệt vải truyền thống thông qua hình ảnh trực quan sinh động. (Ảnh: Facebook @thisisvietnam.design)

Phòng thứ hai mở ra không gian đa chiều thông qua công nghệ kỹ thuật số. Vải nhuộm tự nhiên được treo thành các lớp xung quanh, song song đó, bản đồ video chiếu quy trình nhuộm tự nhiên được chiếu khắp căn phòng. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm thanh và hình ảnh sẽ mang lại cho người xem trải nghiệm chân thực nhất.

NTK Vũ Thảo 4
Phòng thứ hai với hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số, người xem sẽ được theo dõi quá trình nhuộm vải thiên nhiên một cách chân thực nhất. (Ảnh: Facebook @thisisvietnam.design)

Ngoài ra, khách tham quan có thể thay đổi hình ảnh thông qua một thiết bị tương tác và chìm trong không gian nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, màn hình sẽ sử dụng kiểu chữ, màu sắc để xác định trạng thái cảm xúc của họ. Đây được xem là phương thức tiếp cận hai chiều giúp người xem hiểu rõ hơn về kỹ thuật dệt may truyền thống của Việt Nam.

NTK Vũ Thảo 9
NTK Giang Nguyễn đã sáng tạo một phông chữ riêng, sẽ được sử dụng trong tất cả các tài liệu và tác phẩm của Việt Nam tại London Design Biennale 2018 (Ảnh: Facebook @thisisvietnam.design)
NTK Vũ Thảo 8
Nghệ thuật anh dùng lấy cảm hứng từ nghệ thuật vẽ bằng sáp ong. (Ảnh: Facebook @thisisvietnam.design)
NTK Vũ Thảo 7
Kỹ thuật vẽ bằng sáp ong sử dụng những hình ảnh giống nhau để tạo thành tác phẩm hoàn thiện. (Ảnh: Facebook @thisisvietnam.design)

Có thể nói London Design Biennale là cơ hội đặc biệt giúp ngành thiết kế đương đại Việt Nam nhận được nhiều sự chú ý hơn từ quốc tế. Theo chia sẻ trên website chính thức của dự án, các đại diện sẽ “cho thế giới thấy được những gì một Việt Nam đương đại có thể làm được, có thể trở thành và có thể tạo ra”

Để nhóm có thể đến gần hơn với ước mơ toàn cầu hóa nghệ thuật đương đại Việt Nam, cần nhiều hơn sự ủng hộ từ những trái tim yêu nghệ thuật. Bạn có thể đóng góp một phần kinh phí cho nhóm thông qua trang web chính thức hoặc trang gây quỹ gofundme. Điều này là động lực rất lớn giúp NTK Vũ Thảo và những người cộng sự hoàn thành sứ mệnh ghi tên Việt Nam vào bản đồ nghệ thuật thế giới.

Xem thêm:

Nhìn lại những trang phục hữu cơ của NTK Vũ Thảo trong ELLE Fashion Show 2017

NTK Vũ Thảo: “Thổ Cẩm…làm mất đi tính đa dạng của văn hoá chất liệu Việt”

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Hình ảnh: Tổng hợp
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)