Phim tài liệu về cuộc đời bao phủ bởi bóng tối của thiên tài đoản mệnh Alexander McQueen
8 năm sau cái chết của NTK Alexander McQueen, bộ phim tài liệu về cuộc đời ông được ra mắt như sự tưởng niệm về một tài năng dị biệt và ngông cuồng.
NTK Alexander McQueen, hay còn được những người thân yêu gọi với cái tên Lee, không đơn thuần chỉ là một nhà thiết kế thời trang mà ẩn chứa trong con người ông còn là nguồn năng lượng luôn khát khao khám phá và sáng tạo. Thế nhưng những những người mến mộ thời trang lại vĩnh viễn không còn được nhìn thấy niềm cảm hứng và sự say mê thời trang ấy kể từ sau sự ra đi của tài năng yểu mệnh này vào năm 2010.
Và hơn tám năm sau, bộ phim tài liệu về cuộc đời của McQueen đã được ra mắt giới điệu mộ như sự tưởng niệm một “thiên tài cực đoan” với thái độ ngang tàng và luôn sẵn sàng phá vỡ mọi quy tắc. Trong đoạn trailer, ông nói một cách buồn bã về cảm giác giống loài linh dương bé bỏng luôn phải chạy trốn trước những bầy thú săn mồi hiểm ác, thế nhưng kết thúc cuối cùng vẫn phải nhận lấy cái chết đau thương.
NTK Alexander McQueen treo cổ tự vẫn và ra đi ở độ tuổi 49. (Ảnh: Shutter Stock)
Alexander không phải là một tượng đài thời trang lừng lẫy được tô vẽ như những ông hoàng trong lịch sử. Người ta cảm nhận sự tăm tối và bất thường bởi ông có thể xé toạc những lớp vải như thể biểu tượng cho chính phương thức tiếp cận thời trang khốc liệt nhất. Đó là những bộ váy đắp khuôn, sàn diễn thời trang bạo lực hay những đôi giày armadillo có đế tạc khung sọ của các loài động vật cao lênh khênh mà Lady Gaga luôn ưa chuộng.
Lady Gaga diện đôi giày với thiết kế độc đáo của Alexander McQueen trong rất nhiều sự kiện. (Ảnh: Trendsetter)
Đối với McQueen, ông không hề mong muốn tạo ra những màn trình diễn đơn thuần và nhàm chán, mà những gì ông nỗ lực tạo dựng đều mang vẻ nổi loạn và ngông cuồng. Người ta gọi ông là người đàn ông của đêm tối bởi những cảm hứng mãnh liệt, u buồn trong thiết kế của ông đã có tác động rất lớn tới tư duy thời trang của đại chúng. Ông luôn hướng người xem tới cảm giác kinh hãi và hồi hộp, những hình tượng bạo lực nhưng cũng rất đỗi nhân văn.
BST Thu – Đông 1998 khiến khán giả sững sờ khi người mẫu với thiết kế đỏ rực, khuôn mặt phủ kín bởi lớp vải và được bao phủ bởi vòng tròn lửa. Alexander đã được khơi gợi từ câu chuyện của cô gái xuất thân nông dân – Joan of Arc đã đứng lên lãnh đạo quân đội Pháp và trở thành nữ anh hùng trong chiến tranh. Nhưng rồi bà bị kết tội và đưa lên dàn hoả thiêu năm 1431. (Ảnh: Getty Images)
Trong BST Xuân – Hè 1999, NTK Alexander McQueen đã tạo nên một cơn “địa chấn” khi tạo dựng những con robot trên sàn diễn thời trang với nhiệm vụ xịt sơn đầy ngẫu hứng lên bộ váy màu trắng của người mẫu Shalom Harlow. (Ảnh: Catwalk)
Trong BST Thu – Đông 2001, được truyền cảm hứng bởi bộ phim kinh dị Child’s Play của Don Mancini năm 1988, Alexander đã tạo nên một buổi diễn thời trang mang nặng hơi thở kì quái với tên gọi “What a Merry-Go-Round”. Người mẫu được tạo hình những chú hề, sải bước quanh vòng quay ngựa trên nền nhạc u tối. (Ảnh: Stylist)
NTK Alexander McQueen có lẽ là người duy nhất hiểu được sự giao thoa của nỗi đau và vẻ đẹp. Đó là sự hiện thân của những góc tối trong cuộc đời ông và đôi chút ẩn hiện nét lãng mạn được khơi gợi từ khát khao và tình yêu thời trang. Xét cho cùng, ông không chỉ tạo ra những thứ trang phục phù phiếm mà còn sử dụng chúng như công cụ để khám phá bóng tối và những điều luôn chôn kín sâu thẳm trong lòng ông.
Bộ phim tài liệu này sẽ đưa ra bối cảnh về cuộc sống, suy nghĩa và những góc khuất trong cuộc đời của NTK có khả năng làm rung chuyển nền móng thời trang bằng sức sáng tạo gần như cuồng loạn của mình – Alexander McQueen.
—
Xem thêm:
Nhà thiết kế Marc Jacobs và những hoài nghi về sự nghiệp “xuống dốc”.
Diệu Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Tham khảo: Refiney29/ Ảnh: Tổng hợp)