Thời trang / Tin thời trang

Sử dụng lông thú nhân tạo có thực sự thân thiện với môi trường?

Chất liệu lông thú nhân tạo đang được lựa chọn thay thế cho lông động vật thật nhưng điều này có thực sự an toàn và bền vững?

Việc sử dụng lông thú trong nền công nghiệp thời trang luôn là đề tài gây tranh cãi trong nhiều năm của những nhà hoạt động tích cực vì quyền lợi và sự bảo tồn của các loài động vật đang nằm trong danh sách đỏ.

Trước kia, những thiết kế bằng chất liệu lông thú sang trọng được nhiều tín đồ thời trang săn lùng và thống trị trên những sàn diễn thời trang cao cấp. Nhưng kể từ sau khi nhận thức được bản chất của hành động tiêu cực này thì hàng loạt “ông lớn” như Gucci, Versace, Michael Kors, Jimmy Choo, Tommy Hilfiger, Calvin Klein, Stella McCartney, Tom Ford đã chính thức cam kết sẽ ngưng sử dụng chất liệu lông thú thật trong sản xuất và thiết kế.

chất liệu lông thú

Sẽ không còn tồn tại trang phục lông thú thật xuất hiện trong các BST hay trên sàn diễn của Gucci. (Ảnh: V Magazine)

Cũng không còn dấu vết của lông thú trong các BST mới nhất của thương hiệu Versace. (Ảnh: Versace)

Thay vào đó, họ quyết định sẽ thay thế lông động vật thật bằng chất liệu tân tiến và an toàn hơn, điển hình là lông thú nhân tạo. Phát minh này ra đời khoảng năm 1929 nhưng phải đến thập niên 1950 chúng mới thực sự được sử dụng như một thương phẩm thịnh hành. Đó được nhận định là một sự thay thế thân thiện với môi trường, không những giảm thiểu những tác động tiêu cực đến động vật trong môi trường hoang dã mà còn sở hữu các ưu điểm vượt trội. Theo đó, các nhà thiết kế cũng có thể nhuộm bất kỳ màu gì tuỳ ý và người sử dụng cũng không cần bảo quản tỉ mỉ như lông thú thật.

chất liệu lông thú 1

Những thiết kế bao phủ bởi chất liệu lông thú giả đầy màu sắc xuất hiện trên sàn diễn BST Thu – Đông 2017 của thương hiệu Prada. (Ảnh: Monica Feudi / Indigital.tv)

chất liệu lông thú 2

Chất liệu lông thú nhân tạo xuất hiện trong BST Thu – Đông 2018 được Stella McCartney tỉ mẩn thiết kế sao cho giống phiên bản thực nhất có thể, vừa mang vẻ đẹp quý phái lại đồng thời khẳng định cam kết theo đuổi hành trình thời trang xanh của NTK người Anh khi mới bắt đầu sự nghiệp. (Ảnh: Kim Weston Arnold / Indigital.tv)

Còn đối với NTK Maya Reik ở Tel Aviv, trang phục bằng lông thú giả khiến những nhà sáng tạo thời trang như cô có nhiều cơ hội để mang trở lại các phong cách thời trang từ thập niên trước mà vẫn phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại. Chia sẻ cảm nghĩ về lông động vật nhân tạo, cô bày tỏ: “Tại sao chúng ta phải chạy theo thứ thời trang tàn nhẫn trong khi hoàn toàn có thể tìm kiếm những sự thay thế khác an toàn và nhân đạo hơn?”

Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại rằng trên thực tế, thị trường lông thú thật vẫn tồn tại và phát triển với doanh số bán lẻ trên toàn cầu ước tính trong khoảng từ 39 đến 53 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Không chỉ các thương hiệu thời trang mới sử dụng lông động vật như hình thức thương mại mà nhiều người có ảnh hưởng cũng chuộng những thiết kế này để thể hiện đẳng cấp. Có thể kể đến những cái tên như ca sĩ Beyoncé, Rihanna hay gần đây là Selena Gomez.

Selena Gomez phải nhận làn sóng chỉ trích gay gắt từ phía người yêu động vật vì mặc chiếc áo khoác từ thương hiệu Coach đình đám trị giá 2 ngàn đô la Mỹ được làm từ lông thú và da cừu. (Ảnh: RTimages / Splash News)

Beyoncé cũng thường mang những trang phục bằng chất liệu lông động vật lên sân khấu âm nhạc. (Ảnh: Larry Busacca/MTV1617/Getty Images for MTV)

Ông lan Herscovici – nhà nghiên cứu và cựu phó chủ tịch của Hội đồng lông thú Canada (Fur Council) chỉ ra rằng: “Khi đề cập đến vấn đề thương mại lông thú trong xã hội hiện đại và soi xét những quy định hiện hành thì dường như lông thú đang được sử dụng theo chiều hướng tích hơn“. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng ngay cả chất liệu lông động vật nhân tạo cũng phải đối mặt với những hệ luỵ tiêu cực riêng chứ không hoàn toàn an toàn như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Cụ thể, rất nhiều bằng chứng cho thấy lông thú giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường vì cần tiêu tốn rất nhiều thời gian để chúng có thể phân huỷ, thậm chí lên đến 1 ngàn năm. Không chỉ vậy, mỗi khi chất liệu này được giặt giũ trong máy giặt gia đình thì chúng sẽ tạo nên những sợi có kích thước siêu nhỏ và dễ dàng đi qua các nhà máy xử lý nước thải vào tuyến đường thuỷ. Giống như rác thải nhựa, vì không thể phân hủy sinh học nên chúng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường biển.

Chiến dịch quảng bá của thương hiệu Stella McCartney nhằm gửi đi thông điệp về tính bền vững trong thời trang. (Ảnh: South China Morning Post)

Vì vậy, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo để nhận định rằng một doanh nghiệp thời trang thực sự theo đuổi hành trình thời trang bền vững không chỉ bằng việc ngưng sử dụng lông thú thật. Hãy nhìn cách họ thực hiện những biện pháp thiết thực nhằm ngăn chặn tác động đến môi trường và động vật, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi 8 phần trăm lượng khí thải toàn cầu được truy nguồn từ ngành công nghiệp thời trang (nhiều hơn lượng khí thải được phát hiện trong ngành hàng không).

Như vậy, sử dụng chất liệu lông thú đang dần trở thành phạm vi rộng hơn đối không chỉ ngành công nghiệp thời trang mà cả yếu tố bền vững, từ chất thải gây hại tích lũy trong quá trình sản xuất cho tới nguồn năng lượng tiêu thụ quá mức tại các cửa hàng bán lẻ. Với vai trò là người tiêu dùng sản phẩm, điều quan trọng chính là tìm hiểu và xác minh những thông tin có giá trị, đồng thời phải nhìn nhận thấu đáo mọi khía cạnh của sự việc, bao gồm tất cả các hành vi về đạo đức, xã hội và môi trường mà các doanh nghiệp thời trang cam kết.

Xem thêm:

Donatella Versace được vinh danh tại lễ trao giải CFDA 2018.

Stella McCartney bất ngờ chấm dứt hợp tác với tập đoàn thời trang Kering.

Nhóm thực hiện

Diệu Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Tham khảo: Fashion Magazine/ Ảnh: Sưu tầm)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)