Thời trang / Tin thời trang

2000 vị trí trống tại LVMH, thời trang cao cấp đang khát nhân sự

Số lượng sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành thời trang mỗi năm vẫn không ngừng tăng lên dẫn đến nguồn cung vượt quá nguồn cầu. Nhưng các nhà mốt xa xỉ vẫn phải miệt mài tìm kiếm nhân sự mới, nguyên nhân do đâu?

Nếu bạn có hứng thú với thời trang nhưng quan trọng nhất là niềm say mê với các công việc thủ công, tập đoàn thời trang cao cấp lớn nhất thế giới LVMH đang mở rộng vòng tay chào đón bạn. Theo báo cáo của WWD và Chantal Gaemoerle – Phó Giám đốc Điều hành mảng nhân sự của LVMH, tập đoàn này đang đối mặt với một trong những khủng hoảng thiếu hụt nhân công có chuyên môn lớn nhất từ trước tới giờ.

dàn mẫu mặc thiết kế haute couture thời trang cao cấp
(Ảnh: New Faces and Stars)

“Năm nay chúng tôi có số lượng vị trí trống đạt mức kỷ lục. 2000 slot này cần được lấp đầy từ giờ tới cuối năm, bao gồm thợ làm đồ da, thợ kim hoàn, nhân viên bán hàng cũng như nhân viên chăm sóc khách hàng. Trong tương lai gần, tới năm 2024, con số này sẽ lên đến 30,000” – bà Gaemoerle cho hay.

Ngoài ra, nhằm khai phá các tài năng trẻ, Alexandre Boquel – trưởng Bộ phận Phát triển của LVMH Métiers d’Excellence đã thực hiện một kế hoạch chiêu mộ với quy mô cực kì lớn. Với 5 thành phố tại Pháp và các chương trình đào tạo trên khắp nước Pháp, mục tiêu của lần tuyển dụng này là 1600 học sinh dưới tuổi 14. “Một năm điên cuồng với duy nhất một nỗi ám ảnh: truyền lại những kỹ thuật truyền thống và kỹ năng cứng trong ngành thời trang”, Boquel cho hay.

túi LV và nghệ nhân đồ da thời trang cao cấp
(Ảnh: Wall Street Journal)

Nhìn vào thực tế, ngành công nghiệp thời trang cao cấp luôn hấp dẫn trong mắt giới trẻ và thu hút đông đảo số lượng sinh viên mỗi năm. Tuy nhiên, phần đa chỉ ước mơ được đứng ở những vị trí phát huy sự sáng tạo như nhà thiết kế hay Giám đốc Sáng tạo, hơn là những công việc mang tính thực tiễn trong ngành may mặc. “Theo số liệu thống kê, trong tổng số nhân viên đang làm việc cho ngành công nghiệp trời trang, chỉ 10% từng tốt nghiệp khoa Thiết kế Thời trang”, Kozlowski của Cục Giáo dục CFDA chia sẻ với Business of Fashion.

sinh viên thời trang đang làm việc với ma nơ canh
(Ảnh: Fashion Institute of Technology)

Ví dụ tiêu biểu cho vấn đề ngày càng trầm trọng này chính là thị trường Mỹ phải tạo ra được 1700 công việc thiết kế thời trang để “nuôi sống” số sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, lượng slot đang ngày càng giảm dần. Điều tương tự cũng đang diễn ra ở Anh, đất nước sở hữu các Học viện Thời trang danh giá nhất trên thế giới. Một thực trạng đáng buồn là tại đây, cứ 7 sinh viên tốt nghiệp khoa Thiết kế Thời trang thì chỉ 1 trở thành nhà thiết kế. Số còn lại đều làm những công việc liên quan tới bán lẻ, marketing hay quản trị.

Nhìn lại Việt Nam, chúng ta cũng đang đối mặt với việc phần lớn các đơn vị đào tạo trong nước chỉ giảng dạy môn thiết kế mà hoàn toàn bỏ qua các khía cạnh khác của ngành công nghiệp. Như một hệ quả tất yếu, sản phẩm cao cấp của thương hiệu nội địa thường “đuối” ở khâu gia công để hiện thực hóa bản vẽ một cách tinh tế nhất. Không những vậy, ngành thời trang Việt cũng thiếu đi đội ngũ quản trị chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và có khả năng lên kế hoạch “đường đi nước bước” để phát triển bền vững rồi từng bước vươn ra thế giới.

show diễn của lâm gia khang 2019
(Ảnh: Gia Studios)

Savoir-faire vốn là linh hồn của thời trang cao cấp. Các nhà mốt lâu đời luôn đặt ra yêu cầu rất cao với mỗi thợ may của họ, hay đúng hơn là những nghệ nhân. Trong khi đó, Gen Z dường như chỉ khao khát được sáng tạo và ngày càng “xa lánh” các công việc đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay. Tình trạng này không chỉ diễn ra trong thời trang mà còn ở mọi lĩnh vực từ kinh tế, nông nghiệp đến công nghiệp. Đến cuối cùng thì các thợ thủ công lành nghề mới thực sự là đội ngũ được hưởng những tràng pháo tay sau mỗi show diễn Haute Couture. Phần lớn trong số họ đến từ Pháp hay Ý và đã có tuổi đời khá cao.

dior atelier đằng sau bộ sưu tập thời trang cao cấp dressmaker
Dior Atelier. (Ảnh: Fashion Network)

“Việc các cơ sở giáo dục đang dần chuyển mình thành một sản phẩm của tư bản đã dẫn đến sự ‘kì thị’ đối với các công việc này. Đây là một điều đáng tiếc. Tôi vẫn luôn đau đáu về những người trẻ lựa chọn ở nhà nhiều năm chỉ vì họ muốn theo đuổi sự nghiệp mơ ước, sự nghiệp mà họ sẽ không có lối thoát”, Marine Miller viết cho tờ Le Monde. Trước những kì thực tập bóc lột sức lao động, đồng lương ít ỏi cùng sự cạnh tranh gay gắt trong mọi lĩnh vực sáng tạo, theo đuổi một công việc thời trang trong mơ đang trở nên trắc trở hơn bao giờ hết. 

dressmaker làm việc trog chanel atelier cho người mẫu fitting
(Ảnh: AP News)

Để cải thiện tình hình, LVMH lên kế hoạch tăng số lượng tuyển sinh tại Học viện Métiers d’Excellence của tập đoàn, nơi đã đào tạo khoảng 1400 học viên từ Pháp, Thuỵ Sĩ, Ý, Tây Ban Nha, Đức và Nhật Bản từ năm 2014. Mùa thu này, Métiers d’Excellence sẽ đón tiếp 450 học viên, lần đầu tiên mở rộng đến Hoa Kỳ – thủ phủ của Tiffany & Co. Bất cứ ai với mơ ước được làm việc trong môi trường thời trang nên suy nghĩ thật kĩ trước khi chi hàng chục nghìn Euro học phí cho một lĩnh vực hoàn toàn có thể dẫn bạn đến tình trạng thất nghiệp.

hội nghĩ của Métiers d'Excellence của LVMH thời trang cao cấp
Métiers d’Excellence của LVMH. (Ảnh: Le Figaro Etudiant)

Nhóm thực hiện

Bài: Từ Phương
Tham khảo: NSS Magazine
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)