Những ngày cuối tháng 6 – đầu tháng 7, làng mốt thế giới đón nhận nhiều tin thời trang, từ việc thay đổi nhân sự ở nhà mốt Kenzo cho đến tin tức gây xôn xao như BST mới ra mắt của Kim Kardashian.
Kenzo bổ nhiệm giám đốc sáng tạo mới
Chỉ sáu ngày sau sự chia tay của hai giám đốc sáng tạo cũ Carol Lim và Humberto Leon tại nhà Kenzo, tập đoàn LVMH đã công bố người kế nhiệm cho vị trí này – ông Felipe Oliveira Baptista. Thông tin bổ nhiệm nhân sự mới có hiệu lực từ 1/7.
Trước khi đến với Kenzo, Felipe Oliveira Baptista từng sáng lập ra thương hiệu riêng vào năm 2003 và hai lần nhận giải thưởng thời trang danh giá ANDAM. Tuy nhiên, tên tuổi ông thực sự vụt sáng trong làng thời trang Pháp và thế giới khi Felipe trở thành giám đốc sáng tạo ở Lacoste từ 2010 đến 2018. Ông đã biến hãng thời trang thể thao thành “thời trang sàn diễn” (runway fashion). Đây cũng chính là yếu tố quyết định để tập đoàn đa quốc gia LVMH bổ nhiệm ông trở thành tân giám đốc sáng tạo của Kenzo.
BST đầu tiên của Felipe Oliveira Baptista ở ngôi nhà mới sẽ được ra mắt vào tháng 2 năm sau.
Lady Gaga: “Tôi luôn ủng hộ Bạn”
Xuất hiện trong Tuần lễ Tự hào 2019 tại Thành phố New York, nữ ca sĩ Born This Way đã khuấy động người hâm mộ và truyền thông nước Mỹ với vẻ ngoài nổi bật và thu hút. Diện chiếc áo khoác và đôi boots cao gót bảy màu, trang phục của Lady Gaga trên sân khấu Pride được thiết kế hoàn toàn bởi Versace. Từ áo khoác với phần vạt áo được cách điệu đến quần shorts denim với tua-rua đầy màu sắc, bộ trang phục mang tên tuổi Lady Gaga và Versace mang đậm tinh thần ủng hộ cộng đồng LGBTQ.
Cơ hội phát triển ngành công nghiệp thời trang tại châu Á
Với lượng xuất khẩu các mẫu thiết kế thời trang trị giá gần 12 tỷ USD và nguồn nhân lực gần 2 triệu người, Indonesia đang dần khẳng định vị trí đứng trong ngành công nghiệp sản xuất thời trang toàn thế giới. Với những con số biết nói trên, Chính phủ Indonesia hoàn toàn có cơ sở để nâng giá trị xuất khẩu thởi trang lên 75 tỷ USD vào năm 2030 – chiếm 5% thị trường toàn cầu.
Sau “Made in China”, “Made in Vietnam” hay “Made in India”, giới chuyên môn rất mong chờ vào tên gọi “Made in Indonesia”. Quan trọng hơn hết, thế giới đang nhận ra tiềm năng lớn trong ngành sản xuất thời trang ở các nước châu Á. Những xưởng gia công khổng lồ, nguồn nhân lực dồi dào và nguyên liệu có sẵn, dường như châu Á đã sẵn sàng cho cuộc chơi lớn mang tên thời trang.
Kim Kardashian với BST mang tên Kimono gây phản ứng trái chiều
Dường như “cô Kim” đã rất cẩn thận với những khác biệt về văn hoá và thời trang nhưng BST đồ lót mang tên Kimono vẫn gây tranh cãi lớn.
Giống như Áo Dài của Việt Nam, Hanbok của Hàn Quốc, Kimono là trang phục biểu tượng của đất nước mặt trời mọc. Trong lá thư gửi Kim Kardashian, Thị trưởng Kyoto Daisaku Kadokawa nhấn mạnh đây là trang phục tượng trưng cho sự tài hoa, vẻ đẹp và tinh thần người dân Nhật Bản. Bởi vậy, việc đặt tên cho BST đồ lót cùng tên với “trang phục quốc dân” gây tranh cãi là điều không thể tránh khỏi.
Nhóm thực hiện
Bài viết: Hương Trà Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Nguồn tham khảo: Business of Fashion, Vulture, Huffpost