Thời trang cao cấp tràn ngập Olympic 2022, các vận động viên mặc đồ nội y của Kim Kardashian
Không còn là sân chơi riêng của những đế chế đồ thể thao, các thương hiệu thời trang xa xỉ ngày càng tiến nhập mạnh mẽ vào Olympic, để sàn đấu thể thao nay trở nên thật “trendy”.
Thế vận hội Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh được xem là cột mốc trọng đại để mở ra kỷ nguyên mới sau đại dịch. Chẳng để khán giả, đặc biệt là giới mộ điệu chờ đợi lâu, sự kiện quy tụ 84 quốc gia tham dự đã đem đến những khoảnh khắc thời trang đẹp mắt ngay từ đêm khai mạc. Bên cạnh Nike, adidas đã quá quen mặt, năm nay, Louis Vuitton, Ralph Lauren, Giorgio Armani hay ngay cả Kim Kardashian cũng cùng nhau tranh tài.
Ít nhất 6 nhà mốt lớn thiết kế trang phục Olympic cho đội tuyển Mỹ
Sau Olympic Bắc Kinh 2008 và Tokyo 2020, Ralph Lauren một lần nữa định hình phong cách chính cho đội tuyển nước nhà. Sự kết hợp giữa màu cờ Hoa Kỳ, phong cách hiện đại hòa quyện cùng hơi thở Hip Hop đã làm bật lên niềm tự tôn dân tộc tại “đường băng” Olympic 2022. Lần này, các thiết kế có phần năng động và trẻ trung hơn những năm trước với áo gió kiểu túi hộp, găng tay, quần và boots đều được làm bằng sợi polyester tái chế từ chai nhựa.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất năm nay có lẽ là SKIMS – thương hiệu đồ ngủ và đồ lót của “nữ hoàng lắm chiêu” Kim Kardashian. Với khả năng co giãn tốt, giúp phái đẹp “đập tan” sự e ngại đến từ những thay đổi về kích thước của cơ thể, Kim muốn khẳng định sự tối ưu trong sản phẩm của mình đồng thời tôn vinh vẻ đẹp tràn đầy tự tin của những vận động viên, những người thường phải luyện tập với cường độ cao dẫn đến tiết nhiều mồ hôi và có nhiều cơ.
Nike thì góp mặt như một lẽ hiển nhiên với những bộ đồng phục khúc côn cầu óng ánh các điểm sáng metallic. Đến các bộ môn ngoài trời, Julia Marino đem về huy chương bạc cho nước nhà với chiếc ván trượt đến từ thương hiệu thời trang nước Pháp – Prada. Chưa dừng lại ở đó, vận động viên ba lần đoạt huy chương vàng Olympic – Shaun White đã mang đến thế vận hội chiếc ván trượt Louis Vuitton được thiết kế bởi cố huyền thoại Virgil Abloh. Ở phần thi trượt băng nghệ thuật – địa hạt thời trang trong thế giới vận động, Nathan Chen trở thành nhà vô địch trong “chiếc áo ngân hà” của “bà tiên cổ tích” Vera Wang. Bởi Olympic vẫn chưa khép lại, chưa có gì chắc chắn về danh sách các nhà mốt xa xỉ đồng hành cùng team USA liệu có tiếp tục dài ra hay không?
Giorgio Armani và bài quốc ca kiêu hãnh
Là thương hiệu hiểu rõ mình là ai và đại diện cho điều gì, chính vì vậy, Armani luôn tạo ra những thiết kế đầy tính nhất quán, dứt khoát và khác biệt. Đó có lẽ chính là lý do, Armani luôn giữ vững phong độ của mình trong vai trò là bạn bên cạnh đội tuyển Ý tại các mùa thế vận hội. Olympic 2022 năm nay, nhà mốt Ý sử dụng áo choàng làm đồng phục cho đội tuyển quê nhà. Không chỉ làm bật lên tên quốc gia bằng dòng chữ vàng trên nền xanh lá tươi mát, Armani còn “khắc ghi” quốc ca của đất nước khi in vàng lời bài hát đặt ở mặt trong ngực trái của áo khoác.
Thụy Điển và công nghệ may mặc của Uniqlo tại Olympic
UNIQLO luôn chú trọng vào những tiện ích đem lại cho người dùng, thay vì chạy theo xu hướng thời trang. Ông lớn đến từ Nhật Bản có lối đi riêng để tạo nên “sự đơn giản tiên tiến” với sức mạnh của công nghệ phát triển chất liệu. Năm nay, sự kết hợp của những công nghệ như HeatTech, LifeWear và AIRism không chỉ giúp các vận động viên thích nghi nhanh chóng với cái lạnh, kiểm soát mồ hôi mà còn thành công “khắc sâu” lý tưởng thời trang thân thiện với môi trường của đội tuyển Thụy Điển.
Canada – Nhuộm đỏ sân chơi Olympic cùng lululemon
Sau làn sóng chỉ trích vì những bộ đồ “mất chất” thể thao tại thế vận hội mùa trước, Canada quyết định lấy lại phong độ cùng thương hiệu thể thao nước nhà. Lululemon có màn “cứu cánh” tuyệt vời với những thiết kế đơn sắc màu đỏ và trắng đặc trưng của xứ sở lá phong. Bản phối monochrome này gây “ám ảnh” bằng sự thời thượng, công nghệ và khả năng “bắt sáng” trên “sân khấu”. Chúng được làm bằng vải tổng hợp chống nước, chống vi khuẩn thế hệ mới, khóa kéo cho phép điều chỉnh độ dài và thậm chí có thể biến thành balo.
Đức và adidas chọn lối chơi an toàn
Mặc dù nhận được sự ủng hộ đến từ thương hiệu thể thao hàng đầu thế giới – adidas, thiết kế đồng phục với ba màu chủ đạo của quốc kỳ và thông điệp về sự “lạc quan nổi loạn” trong tinh thần thể thao của đội tuyển Đức năm nay không đủ đột phá để gây ấn tượng. Các tạo hình đều quanh quẩn với color-blocking mà adidas từng sử dụng trên đồng phục của Vương quốc Anh.
Những thiết kế che giấu quê hương của đội tuyển Nga
Theo lệnh trừng phạt sau bê bối doping, đồng phục của đội tuyển Nga không có quốc kỳ mà thay vào đó là ba ngọn lửa màu đỏ, xanh và trắng của Ủy ban Olympic Nga. Đồng hành cùng đội tuyển nước nhà kể từ năm 2017, Zasports luôn để lại cho người hâm mộ thể thao và giới điệu mộ ấn tượng về những thiết kế đẫm đầy nghệ thuật. Tone chủ đạo được NTK Anastasia Zadorina sử dụng là màu xanh Qing – tượng trưng cho sức khỏe và sự hài hòa trong văn hóa thời nhà Thanh.
Australia đến từ Hogwart
Gây ấn tượng với thiết kế đồng phục hệt như bước ra từ ngôi nhà Slytherine, đội tuyển Úc được đánh giá cao bởi tinh thần trẻ trung và mới lạ. Với kinh nghiệm hơn 8 năm đồng hành cùng đội tuyển, Sportscraff đã trở thành một trong những thương hiệu thể thao đáng tin cậy với các tín đồ yêu thích thời trang thể thao tại Úc.
The North Face – thương hiệu “Quốc dân” của giới trẻ Hàn Quốc
Đối với đồ thể thao tại Hàn Quốc, The North Face là một trong những nhãn hàng được yêu thích nhất và “bao thầu” khoản phục trang cho đội tuyển quốc gia năm nay. Những chiếc áo phao dáng ngắn in hình dãy núi Taebaek với hai tone màu chủ đạo là đen và trắng đã thể hiện rõ nét gu thời trang phá cách nhưng không màu mè của phần đông giới trẻ nơi đây. Khoảng 200 chai nhựa đã được tái chế để tạo nên một bộ đồng phục.
Trung Quốc trở về thời nhà Đường
Ngoài trang phục trong lễ khai mạc của Anta Sports, Feng Chen Wang và Chen Peng, người phụ trách chính trong cho các thiết kế thi đấu của nước chủ nhà là Tim Yip – NTK từng thắng giải Thiết kế phục trang của Oscar.
Dành cho 12 team ở 15 bộ môn thi đấu là ba BST có cảm hứng khác nhau mang tên: Lucky Snow and Cloud, Great Landscape và Flying Snow in Tang Dynasty. Ý tưởng thiết kế dựa trên từ Hán tự Zhong có thể được dịch là “trung dung” và thường đại diện cho lòng trung thành.
Bài: Khánh Hòa
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE