Tháng 9 là tháng khởi động của nhiều sự kiện thời trang lớn, là tháng bắt đầu cho mùa mốt Thu – Đông với sự nhộn nhịp của các tuần lễ thời trang. Các nhà mốt quay trở lại Tuần lễ thời trang New York, thương hiệu Burberry thay đổi logo dưới thời tân Giám đốc sáng tạo Riccardo Tisci, những xu hướng thời trang mới nhất là những thông tin đáng chú ý trong tháng này.
Các thương hiệu trở lại Tuần lễ thời trang New York
Thương hiệu Rodarte và Proenza Schouler sẽ quay lại lịch trình của sự kiện thời trang New York Fashion Week. Sự trở về quê hương của hai thương hiệu “con cưng” của New York đánh dấu một chiến thắng cho CFDA (Hội đồng Nhà thiết kế thời trang Hoa Kỳ).
Trước đó, làn sóng các thương hiệu chuyển từ New York đến Paris để trình diễn các BST mới đã khiến Tuần lễ thời trang New York chao đảo. Proenza Schouler còn chia sẻ thêm, tại thời điểm này, những yếu tố khi nào, ở đâu và như thế nào đều có thể trở thành nguyên do khiến một show diễn thất bại hoặc bị cuốn đi xa hơn. Mọi thứ đều trở nên dễ dàng và thoải mái khi họ được trở về “ngôi nhà” New York một lần nữa.
Burberry chính thức thay đổi logo
Mới đây, tân Giám đốc sáng tạo thương hiệu Burberry, Riccardo Tisci đã tiết lộ trên Instagram mẫu logo và họa tiết monogram mới do Peter Saville thiết kế mang ba tông màu đỏ, vàng mật ong và trắng. Đặc biệt, phần thiết kế họa tiết monogram với điểm nhấn khác biệt là sự kết hợp của hai chữ T và B lồng vào nhau theo tên của người sáng lập Thomas Burberry. Sự kiện thời trang này đã đánh dấu cột mốc 20 năm kể từ khi thương hiệu Burberry thay đổi logo vào năm 1999 do Fabien Baron thiết kế.
Biểu tượng mới là kết quả cộng tác của Riccardo Tisci và NTK đồ họa Peter Saville, người từng thiết kế logo mới cho Calvin Klein theo đặt hàng của NTK Raf Simons. Họa tiết mới mang ba màu vốn là màu trên sọc ca rô truyền thống của Burberry.
Những biểu tượng mới này được Riccardo Tisci lấy cảm hứng sau chuyến thăm tới nhà lưu trữ di sản thương hiệu, nơi ông tìm thấy mẫu logo năm 1908 và bản phác họa của Thomas Burberry. Đây được coi là “phát súng” mở màn cho cuộc cách mạng đổi mới mà Riccardo Tisci sẽ thực hiện ở ngôi nhà thời trang hàng đầu Anh quốc.
Hồi ký bí mật của nhiếp ảnh gia Bill Cunningham
Nhiếp ảnh gia thời trang Bill Cunningham, người làm việc cho The New York Times gần 40 năm, đã để lại một kho lưu trữ khổng lồ trị giá 1 triệu USD. Năm 2016, gia đình đã bất ngờ phát hiện một cuốn hồi ký bằng văn bản Bill để lại. Sinh thời, Bill Cunningham là một người kín đáo, ít chia sẻ về bản thân với bạn bè, đồng nghiệp. Vì thế cuốn hồi ký của nhiếp ảnh gia được những người ngưỡng mộ ông coi như một phát hiện. Nhiếp ảnh gia đặt tên cho hồi ký của mình là Fashion Climbing.
Trong một bản thảo, ông vẽ bức tranh nguệch ngoạc hình ảnh Bill trẻ tuổi đang leo lên một cái thang. Tất cả dường như khắc họa về những năm đầu đầy khó khăn với thời trang, những ngăn cấm của gia đình Công giáo nghiêm khắc. Sau cùng Bill Cunningham cho rằng niềm đam mê của mình không nhất thiết phải phù hợp với những kỳ vọng mà mọi người dành cho ông. Bill đã đi con đường riêng và thành công.
Cunningham khiêm nhường mặc áo khoác xanh, chạy chiếc xe đạp để ghi lại hình ảnh những thị dân sành điệu của New York… Hình ảnh đó vẫn được nhắc nhớ trong tâm trí người yêu thời trang. Hồi ký của Bill sẽ là một cuốn sách hay dành cho những người trẻ đang tìm kiếm con đường riêng của mình.
Raf Simons được vinh danh cùng nghệ thuật chần vải
Raf Simons, Giám đốc sáng tạo của Calvin Klein sẽ được vinh danh bởi Bảo tàng Nghệ thuật Dân gian Mỹ (AFAM) tại lễ hội phúc lợi hằng năm vào ngày 02 tháng 10 sắp tới. AFAM ghi nhận sáng tạo của Simons thông qua các thiết kế ở Calvin Klein, khi NTK đã sử dụng nghệ thuật chần vải, một nghề thủ công truyền thống đặc trưng và rất phát triển ở Mỹ vào thế kỷ 19. Kể từ khi gia nhập thương hiệu Calvin Klein vào năm 2016, NTK người Bỉ đã kết hợp những tấm vải chần họa tiết vào ngôn ngữ hình ảnh của thương hiệu. Nghệ thuật chần vải (quilts) thường xuất hiện trong các BST, sự kiện thời trang và chiến dịch quảng cáo của Calvin Klein.
Trên một số tấm vải chần họa tiết, Raf Simons đã cho thêu các dòng chữ như “Made in New York City” và “Designed in America”, khẳng định vị thế của ngành thời trang Mỹ cũng như truyền bá văn hóa đại chúng Mỹ. Cùng với Calvin Klein, Raf Simons đang phát triển thêm nhiều kiểu vải chần họa tiết. “Raf Simons là một trong những NTK có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Sự tập trung vào nghệ thuật chần vải giúp nó lan tỏa vào đời sống đương đại, giới thiệu văn hóa thông qua những họa tiết đặc sắc là thành tựu đáng kể của ông”, Monty Blanchard, Chủ tịch hội đồng quản trị Bảo tàng Mỹ thuật Dân gian Mỹ cho hay.
Những lớp vòng cổ quyến rũ
Các tín đồ thời trang đã có một mùa Hè tuyệt vời với kiểu đeo vòng cổ kép, thậm chí là đeo ba đến bốn sợi dây chuyền có độ dài – ngắn khác nhau. Nổi bật nhất phải kể đến kiểu đeo hai sợi dây có mặt hình đồng xu, một cách phục sức cổ điển, tinh tế mang lại sức hút. Từ xu hướng “mix” vòng cổ này, các nhà chế tác trang sức đã giới thiệu nhiều mẫu vòng sẵn có sự kết hợp dây kép. Thiết kế thú vị này có thể được mang cùng những chiếc sơmi, áo thun cổ trễ, đầm hở cổ và áo len hoặc blazer…
BÀI LIÊN QUAN
Gam màu trung tính
Những trang phục màu trung tính được yêu thích quanh năm. Tuy nhiên, trước khi mùa Đông kịp đến, sắc độ này đã gợi ý hình ảnh mới cho phái đẹp. Bạn có thể thấy những chiếc áo cổ lọ ôm sát được dệt mịn với màu camel. Áo măng tô sang trọng nhờ màu cà phê sữa. Những chiếc quần ống rộng màu vàng nâu hay đầm dài tay vàng đất… tất cả sẵn sàng để mang cùng giày nude và túi xách màu sữa. Khi mùa Thu đang chao nghiêng chờ Đông tới, một tổng thể trung tính mang lại cảm giác hợp thời nhịp nhàng.
—
Xem thêm:
Những thông tin mới nhất về các xu hướng và sự kiện thời trang tháng 6/2018
Những lí do giải thích vì sao Met Gala là sự kiện thời trang đắt giá nhất hành tinh
Nhóm thực hiện
Bài: Thùy Trang Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE