Thời trang thế giới vừa trải qua một thập niên đáng nhớ với nhiều biến động. Sự ra đi của những tượng đài trụ cột, những nhân tài mới xuất hiện, những thông điệp tích cực… Hãy cùng ELLE nhìn lại những tin thời trang góp phần định hình làng mốt trong thập niên 2010s.
Alexander McQueen qua đời
Ngày 11/02/2010, vài ngày trước Tuần lễ thời trang London, NTK Alexander McQueen tự tử tại nhà riêng. Làng mốt thế giới tiếc thương sự ra đi ở tuổi 40 của thiên tài thời trang khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. McQueen là một tài năng thiết kế đương đại nổi bật với tầm nhìn sáng tạo, ngông cuồng và giàu trí tưởng tượng. Người kế nhiệm McQueen – NTK Sarah Burton tiếp tục những di sản của người tiền nhiệm đồng thời mang đến cái nhìn tươi sáng, thuần hậu hơn.
Váy cưới Công nương
Không chỉ là một đám cưới, hôn lễ của hoàng tử William và công nương Catherine vào tháng 4/2011 còn “phủ sóng” toàn cầu như một sự kiện văn hóa. Kate Middleton xuất hiện trước thánh đường Westminster trong chiếc váy cưới bằng ren và lụa, là sáng tạo của NTK Sarah Burton từ thương hiệu Alexander McQueen. Chiếc váy tinh tế, là sự cân bằng của các tiêu chuẩn hoàng gia cùng tinh thần đương đại, trở thành hình mẫu cho hàng triệu cô dâu trong suốt thập kỷ qua. Năm 2018, nàng dâu hoàng gia thứ hai – Meghan Markle cũng tạo nên “cơn sốt” với chiếc đầm cưới trễ vai do NTK Clare Waight thiết kế trong lễ cưới với hoàng tử Harry.
Những ngôi sao mạng xã hội
Thập kỷ “bùng nổ” của điện thoại thông minh đồng thời tạo ra thế hệ ngôi sao thời trang mới. Họ chia sẻ cuộc sống và phong cách cá nhân trên các trang mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của hàng triệu người. Selena Gomez, Kim Kardashian, Chiara Ferragni… từ những nhân vật được ngưỡng mộ trở thành kênh tham khảo thời trang, quảng bá sản phẩm mới của các nhà mốt và sở hữu một đế chế thời trang của riêng mình. Cùng với các phương tiện thương mại điện tử, họ đã góp phần khai phá lối mua sắm mới trong thập niên này.
Các Bộ sưu tập cộng tác
Năm 2011, NTK Donatella Versace cộng tác với H&M để tạo ra BST gồm các phiên bản giá cả phải chăng từ những thiết kế họa tiết in đặc trưng của Versace. BST đã được bán hết gần như ngay lập tức sau khi trình diễn ở New York. Điều tương tự đã diễn tiến trong suốt thập niên qua với nhiều cái bắt tay đình đám khác khuấy động làng mốt. Phải kể đến thương vụ Louis Vuitton x Supreme, Beyoncé x adidas, Hermès x Apple Watch…
Sneakers và văn hóa “streetwear”
Cùng với làn sóng văn hóa ngầm, giày thể thao, thời trang đường phố đã trỗi dậy ngoạn mục trong thập niên vừa qua. Sneakers và Streetwear là hai từ khóa thông dụng. Từ những năm đầu thập niên, Kanye West hợp tác với Nike để tạo ra Air Yeezy 2 được tìm kiếm nhiều nhất mùa Hè 2012. Càng về sau, sneakers càng “bùng nổ”, trở thành ngôi sao của mọi người, mọi giới tính và lứa tuổi. Đỉnh điểm là sự hợp tác của Supreme và Louis Vuitton năm 2016. Từ đó, sneakers phổ biến hơn bao giờ hết, xuất hiện khắp nơi và thách thức tất cả những chuẩn mực thời trang kinh điển.
Cách mạng thời trang bền vững
Năm 2017, Gucci tuyên bố không sử dụng lông thú. 2018 là năm Burberry, Versace và Chanel có những động thái tương tự. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng xanh trong thời trang cũng lôi cuốn nhiều nhà mốt và hãng thời trang nhanh xem xét lại quy trình sản xuất và phân phối, nhằm giảm thiểu tác hại với người lao động và môi trường. Đến năm 2019, Liên minh Fashion Pact ra đời gồm các công ty trong ngành thời trang, dệt may cùng các nhà cung cấp và phân phối. Theo đó, các thành viên trong liên minh đều cam kết bảo vệ môi trường theo 3 tiêu chí: chấm dứt hiện tượng nóng lên toàn cầu, khôi phục đa dạng sinh học và bảo vệ các đại dương.
Làn sóng nữ quyền
Thông điệp nữ quyền được khởi xướng mạnh mẽ từ những cuộc tố cáo và điều tra ở Hollywood, đến các thiết kế thời trang hay những NTK nữ khẳng định tiếng nói. Lần đầu tiên trong lịch sử nhà mốt Dior có một nữ giám đốc sáng tạo – bà Maria Grazia Chiuri. Một năm sau, Givenchy cũng chào đón Clare Waight Keller. Còn ở Celine, kỷ nguyên huy hoàng của Phoebe Philo khép lại nhưng “hào quang” vẫn xoay quanh NTK tài danh này.
Công cuộc trẻ hóa của các nhà mốt
Thế hệ Millennials và Gen Z đã từng bước thay đổi cách các nhà mốt kinh doanh và sáng tạo. Họ trẻ trung, mang tư duy của thời đại số, đã có những khác biệt lớn về lựa chọn nghề nghiệp, lối sống và phong cách. Các nhà mốt đang ở trên đường đua tìm cách thu hút họ bằng nhiều siêu phẩm đình đám, trẻ hóa thiết kế hoặc phát triển dòng sản phẩm công nghệ đột phá với thẩm mỹ hướng tới tương lai. Ở Gucci, phong cách hoài cổ xuyên suốt các BST nhưng lại được xây dựng rất nhạy bén với thẩm mỹ của giới trẻ, câu chuyện khác biệt, chi tiết độc đáo và phối hợp lạ mắt. Chanel cũng từng bước làm mới các thiết kế kinh điển, nổi bật tinh thần và giá trị thời đại.
Karl Lagerfeld qua đời
Sự ra đi của “tượng đài” thế giới thời trang ở tuổi 85 vào ngày 19/2/2019 đã “rung chuyển” làng mốt. Sự nghiệp lẫy lừng của ông không chỉ là khôi phục “đế chế thời trang” Chanel mà còn cống hiến cho Fendi cũng như thương hiệu cá nhân. Karl dành trọn cuộc đời để sáng tạo. Ông dùng tài năng và vị thế của mình để định nghĩa các khái niệm và phát hiện những gương mặt sáng giá. Kế nhiệm Karl ở nhà Chanel, người hỗ trợ ông suốt 30 năm qua – Virginie Viard đưa Chanel tiếp tục phát triển những di sản bất hủ, đồng thời trẻ hóa và tiến gần hơn với thế hệ người yêu thời trang mới.
Tiêu chuẩn mới trong giới người mẫu
Người mẫu size 0 với thân hình siêu gầy đã không còn là chuẩn mực tiên quyết trên sàn diễn thời trang. Thay vào đó là sự đa dạng đến không ngờ với sự góp mặt của người mẫu ngoại cỡ, người mẫu lớn tuổi, người mẫu da màu và châu Á… Tất cả là kết quả của những cuộc đấu tranh không ngừng vì một thế giới mốt đa dạng, cởi mở hơn, ít rào cản hơn, không phân biệt vẻ bề ngoài, tuổi tác hay chủng tộc.
Nhóm thực hiện
Bài: Thùy Trang Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE