Những sự kiện thời trang xoay chuyển làng mốt thế giới trong năm 2019
Từ sự ra đi của NTK Karl Lagerfeld đến cuộc chia tay của nhiều NTK được yêu mến, cùng ELLE điểm lại những sự kiện thời trang đáng chú ý nhất năm 2019.
Ngành thời trang đã đi qua nhiều cột mốc trong năm 2019. NTK đại tài Karl Lagerfeld qua đời để lại nhiều tiếc nuối trong lòng nhiều người yêu thời trang. Vetements mất đi nhà thiết kế chính, đồng thời là nhà đồng sáng lập thương hiệu. Calvin Klein thực hiện “tổng cải cách”, xây dựng hình tượng trẻ trung hơn… Cùng nhìn lại những tin thời trang đáng chú ý trong năm qua.
NTK Karl Lagerfeld qua đời ở tuổi 85
Sự ra đi của NTK Karl Lagerfeld là một mất mát lớn của làng thời trang. Trong quá trình chiến đấu với căn bệnh ung thư tuyến tuỵ, sức khoẻ của ông đã suy yếu, các bước chân không còn vững chắc. Ông đã vắng mặt show Chanel Haute Couture Xuân – Hè 2019, làm công chúng không khỏi lo lắng bởi điều này chưa từng xảy ra trước đây. Ông đã qua đời vào ngày 19/2/2019 tại Paris, Pháp.
Cuộc cải cách thương hiệu Calvin Klein
Việc đóng cửa hai cửa hàng tại Milan và New York và không ra mắt BST cuối cùng của giám đốc sáng tạo Raf Simons tại thương hiệu là một phần trong kế hoạch tổng cải cách của thương hiệu Calvin Klein. Tính đến tháng 3 năm nay, 120 triệu đô la Mỹ là tổn thất gây ra bởi quyết định này.
Tuy nhiên, chiến dịch mùa Thu – Đông vừa qua của thương hiệu với sự xuất hiện của các ngôi sao có ảnh hưởng lớn trong giới trẻ như Justin Bieber, Haily Beiber, Kendall Jenner làm người hâm mộ phần nào yên tâm với định hướng marketing mới của Calvin Klein.
NTK Tom Ford trở thành tân chủ tịch CFDA
Vào tháng 3 năm nay, NTK Tom Ford đã được bầu làm Chủ tịch hội đồng các Nhà thiết kế thời trang của Mỹ (CFDA). Đồng thời, nhiệm kỳ của ông cũng bắt đầu sớm hơn 6 tháng so với dự kiến. Được đánh giá là một trong số các NTK có kinh nghiệm và vốn kiến thức sâu rộng, ông được kỳ vọng sẽ mang đến những kết quả khả quan cho ngành công nghiệp thời trang Mỹ.
Tân Chủ tịch CFDA đã rút ngắn thời gian diễn ra Tuần lễ thời trang New York Xuân – Hè 2020 xuống còn 5 ngày 5 đêm. Bên cạnh đó, ông đặc biệt quan tâm đến đa dạng hoá nhiều khía cạnh của ngành thời trang, điển hình là hỗ trợ các nhà thiết kế trẻ.
Rihanna ra mắt thương hiệu Fenty dưới trướng LVMH
Với việc giới thiệu Fenty, Rihanna đã ghi tên mình vào lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên tạo nên một thương hiệu nguyên bản tại LVMH. Đồng thời, cô cũng là phụ nữ da màu đầu tiên dẫn dắt một nhà mốt dưới trướng tập đoàn. Sau 32 năm kể từ ngày Christian Lacroix được thành lập (1987), giới mộ điệu mới lại được chứng kiến sự ra đời của một thương hiệu mang gen “gốc” LVMH.
Stella McCartney hợp tác cùng LVMH
Trong năm qua, Stella McCartney, thương hiệu thời trang nhận nhiều giải thưởng về phát triển bền vững đã hợp tác cùng tập đoàn LVMH. Việc hợp tác giúp củng cố quá trình toàn cầu hoá của thương hiệu, đồng thời giữ định hướng phát triển bền vững. Theo đó, Stella McCartney vẫn tiếp tục giữ vai trò giám đốc sáng tạo và người đại diện, đồng thời nắm giữ phần lớn quyền sở hữu thương hiệu.
Barneys New York nộp đơn phá sản
Trong những năm gần đây, nhiều cửa hàng của các thương hiệu liên tục đóng cửa vì doanh thu sụt giảm. Barneys New York, chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ cao cấp đã nộp đơn phá sản vào mùa Thu năm nay. Hôm 1/11, Authentic Brand Group đã mua lại thành công thương hiệu này với giá 271 triệu đô la Mỹ.
Demna Gvasalia rời nhà mốt Vetements
Nhà thiết kế chính của Vetements tuyên bố rời khỏi thương hiệu đồng sáng lập cùng em trai Guram Gvasalia. Hai anh em từ chối tiết lộ nguyên nhân dẫn đến quyền đinh này. Demna Gvasalia từng dẫn dắt các nhà thiết kế tại hai nhà mốt Maison Martin Margiela và Louis Vuitton, đồng thời là giám đốc sáng tạo hiện tại của Balenciaga.
Forever 21 nộp đơn phá sản
2019 chứng kiến sự ra đi của một thương hiệu thời trang được giới trẻ yêu thích: Forever 21. Đây được đánh giá là bước đi cần thiết để tổ chức lại hoạt động kinh doanh và tái định vị thương hiệu.
Forever 21 đã nhận được 275 triệu đô la Mỹ hỗ trợ tài chính từ các nhà cho vay của JPMorgan Chase & Co., 75 triệu đô la vốn mới từ TPG Sixth Street Partners và các quỹ liên kết khác của nhãn hiệu. Thương hiệu có kế hoạch đóng cửa hầu hết các cửa hàng ở châu Âu và châu Á nhưng sẽ tiếp tục hoạt động ở Mexico và Mỹ Latinh.
Zac Posen đóng cửa thương hiệu
Zac Posen – NTK tạo ra mẫu đầm phát sáng của công chúa Lọ Lem trong truyện cổ tích vừa tuyên bố đóng cửa thương hiệu vào tháng 11 năm nay. Là NTK đứng đằng sau trang phục thảm đỏ của Natalie Portman, Oprah Winfrey, Rihanna, Naomi Campbell, Katie Holmes, Miley Cyrus… sự ra đi của thương hiệu không chỉ khiến những người yêu thời trang nuối tiếc, nhiều minh tinh cũng đã chia buồn cùng NTK sau sự kiện này. Tuy nhiên, anh vẫn giữ cái nhìn lạc quan về tương lai.
LVMH mua lại Tiffany & Co.
Sau thời gian đàm phán, LVMH đã mua lại thương hiệu trang sức cao cấp Tiffany & Co. với giá 16,2 tỷ đô la Mỹ. Trong bối cảnh Tiffany đã không còn nằm trong danh sách các thương hiệu cao cấp hàng đầu và sức mua của khách du lịch giảm mạnh, nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi về lý do đằng sau quyết định này của LVMH.
Tuy nhiên, trang sức là mảng kinh doanh có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong phân khúc hàng cao cấp cá nhân. Vậy nên, thoả thuận này có thể “mở đường” giúp LVMH cạnh tranh với các thương hiệu thuộc phân khúc cao cấp.
View this post on Instagram
LVMH reaches agreement with Tiffany & Co. Learn more via link in bio. #LVMH #TiffanyAndCo
Tổng hợp: Ngọc Chuyên
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE