Tom Trandt và cuộc chơi tỉnh táo với thời trang
[Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 4/2018] Có một thế hệ người Việt trẻ tìm đến các kinh đô thời trang để học hỏi và làm việc. Và họ trở về, hăng hái bắt đầu cuộc khởi nghiệp đầy thử thách. Họ vừa thiết kế, vừa học cách kinh doanh rồi lắng nghe phản hồi để có được bước đi tiếp theo. Tom Trandt, một trong những NTK trẻ đáng chú ý nhất hiện nay đã bắt đầu bằng đam mê để tiếp tục khám phá nhiều điều thú vị về thói quen, sở thích và kỳ vọng của người yêu thời trang Việt.
Tom Trandt học thiết kế thời trang tại Parsons The New School for Design ở New York. Về Việt Nam anh xây dựng thương hiệu thời trang mang tên Môi Điên. Mới bước những bước đầu tiên, NTK trẻ tự nhận đồ mình làm là “khùng” nhưng lại rất tinh tường về khách hàng, thị trường và những biến đổi nhanh chóng của xu hướng mốt.
Môi Điên có nghĩa là…
Cái khó của tiếng Việt là rất trừu tượng, bạn có thể nói “thích rồi đấy” và người nghe phải dựa vào ngữ cảnh để đoán xem ai thích và thích cái gì, thay vì “I like it” như trong tiếng Anh. Tom Trandt đã bõ công tìm một cái tên có thể truyền tải được thông điệp “speak your mind” rõ ràng cho những người trong cuộc, nhưng cũng đủ mượt mà để thân thiện với những người không nói tiếng Việt. Mọi người tò mò một phần vì cái tên này rất trực diện và mở ra những cuộc đối thoại, là những thứ mà thế hệ mình đang rất cần.
Cạnh tranh hàng ngoại giá rẻ
Bài toán thật sự khó khi giá cả và chất lượng được đưa lên bàn cân so sánh. Nhưng tương lai xa tôi vẫn muốn giải bài toán ấy. Hiện tại các sản phẩm thời trang của tôi đang có giá thành từ 600 nghìn đồng đến 2 triệu đồng. Với sự đầu tư vào tính cá nhân cao thông qua chất liệu và kiểu dáng, phân khúc đó giúp tôi tìm thấy nhiều khách hàng tiềm năng.
Tiết chế là kỹ thuật cần được luyện tập
Khi thiết kế Tom Trand luôn định hướng tập trung vào phần narratives (kể chuyện). Mỗi BST phải được “biên tập” đến khi có sự chuyển đổi mượt mà từ đầu tới cuối với nội dung cô đọng. Một BST đẹp bao gồm rất nhiều thứ không được thiết kế. Tiết chế cũng là một kỹ thuật cần được luyện tập để có thể phát triển một loạt sản phẩm có dấu ấn riêng nhưng cũng có sự tương đồng. Thế hệ của tôi rất quan tâm đến những vấn đề thời sự và Môi Điên rất đặt nặng dấu ấn cá nhân: “Tôi có một tiếng nói, một quan điểm rất khác và tôi cần kể câu chuyện riêng của mình”.
Cá tính hơn là xu hướng
Tùy thuộc vào sở thích và mục đích mỗi người nhưng Tom Trandt chắc rằng bạn sẽ thích mình khác biệt hơn là chìm lẫn. Xu hướng sẽ nhấn chìm bạn! Hãy tìm cá tính của mình thông qua trang phục.
Thương hiệu không nên dựa vào cá nhân
Tom Trandt nghĩ một thương hiệu không nên dựa vào hình ảnh của một cá nhân: NTK, người mẫu, hay nàng thơ… Cá nhân chỉ đảm bảo được sức hút trong thời gian ngắn nhưng thương hiệu cần được xác lập rõ nét, với bản sắc riêng thì mới lâu bền được. Tôi cũng muốn phát triển nhiều thương hiệu khác nhau, ở các phân khúc khác nhau, tập trung vào ý tưởng thiết kế.
Không làm quá 10 sản phẩm cho một BST
Việc bỏ công chăm chút cho 10 mẫu mốt sẽ tốt hơn bạn gắng gồng làm tới 25 mẫu hoặc hơn. Khi bắt đầu thì cần chắc chắn, sự tỉ mỉ cao độ thay vì dàn trải để trông có vẻ đồ sộ nhưng thực ra lại rất thiếu, rất yếu.
Những lời phàn nàn thú vị…
Tôi nhận được nhiều lời phàn nàn về chiếc mác sau cổ áo. Người mặc áo thường thấy khó chịu khi chiếc mác ghi tên nhãn hiệu và kích cỡ được may liền lên vải, dù nhỏ xíu, lẩn khuất nhưng để cọ xát vào da thì thật phiền. Một điều thật nhỏ như vậy nhưng hầu hết ai cũng “bất bình”. Tôi coi trọng điều này để sử dụng nguyên liệu làm mác mềm hơn hoặc may phủ một lớp vải thưa ra ngoài mác áo chẳng hạn. Đây chỉ là một trong những điều thú vị mà các khách hàng đã chia sẻ.
Cảm ơn bạn về những chia sẻ thú vị!
—
Xem thêm:
Vén màn những ”bí mật” thú vị về NTK Tom Ford
Amsale Aberra – NTK của thương hiệu váy cưới danh tiếng qua đời ở tuổi 64
Bài: Thuỳ Trang
Ảnh thời trang: Patrick Jendrusch
Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE