Nếu yêu thích và theo dõi Thủy Nguyễn cũng như Thuy Design House trong 9 năm qua, hẳn bạn đã có được những ấn tượng riêng; có thể gọi tên những BST, những thiết kế và những lần Thủy khơi gợi trào lưu thời trang khắp Việt Nam.
Tháng 11/2020 này, ngoài dịp nhìn lại chặng đường gần tròn một thập kỷ, Thuy Design House tổ chức triển lãm thời trang để đưa cho công chúng một cách nhìn mới. Và như lời của Thủy: “Trang phục không chỉ là những bộ quần áo được khoác lên người. Nó còn có câu chuyện, còn có cả một tâm tư tình cảm, trải nghiệm, nghiên cứu”.
Chào chị Thủy! Công chúng và những người yêu thời trang của chị sẽ được trải nghiệm những gì trong triển lãm “Mộng bình thường”?
Đây là một cách tổng hợp quá trình 9 năm làm thời trang nên mọi người cũng sẽ hiểu hơn về logic sáng tạo của Thủy. Triển lãm này cũng có thể mở ra một cách thức tiếp cận mới trong quảng bá thời trang áo dài Việt cho những ngày, dịp đặc biệt ở những chốn xa xôi. Thủy cũng có dự định sẽ thực hiện lại triển lãm này ở những địa điểm và khung thời gian khác nhau, để khán giả khắp mọi nơi có thể cùng trải nghiệm.
Chị là người nhiều “mộng”. Có bao giờ chị ước muốn trở thành Rei Kawakubo của Việt Nam?
Tôi không có ước muốn trở thành bất cứ ai, ngoài chính mình. Tôi có rất nhiều hoài bão, ước mơ, rất nhiệt huyết. Chính vì vậy, mỗi giấc mộng đến với tôi rất bình thường, bình dị như cơm ăn hằng ngày vậy. Lúc nào trong tôi cũng cháy bỏng tham lam những giấc mơ. Là gì đi chăng nữa thì chỉ là chính mình, tôi mới thật nhất và hạnh phúc nhất. Tất cả những hình ảnh được như Rei Kawakubo cũng là một giấc mơ và cảm hứng.
BÀI LIÊN QUAN
Làm triển lãm nghệ thuật hay thời trang ở Việt Nam nói chung luôn có nhiều khó khăn quen thuộc như kinh phí đầu tư, thực thi ý tưởng, thậm chí là địa điểm tổ chức… Chị có sẵn một bộ máy như vậy ở The Factory rồi, chắc hẳn khó khăn sẽ đến ở công đoạn khác?
Đồng ý là tôi có sẵn, nhưng không xây từ những viên gạch đầu tiên thì cũng chẳng có gì bày ra trước mắt mình. Mọi khó khăn bắt đầu từ ý tưởng và sự dũng cảm dám làm cho được ý tưởng của mình. Cái mà bạn đang nhắc đến ở đây có lẽ là phần cứng: địa điểm, chi phí, nhân sự. Nhưng với Thủy, khó khăn còn đến từ phần mềm. Sự tổng hợp hệ thống, chuỗi suy nghĩ, thực hành những ghi chép, những trăn trở trong 9 năm được viết nên để trình bày với đội ngũ giám tuyển chuyên nghiệp của The Factory Contemporary Art Center. Người mà Thủy phải vượt qua mọi rào cản để được bà nhận lời là cô Dolla S. Merrillees, nguyên giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng và Khoa học (MAAS) tại Sydney. Để thuyết phục được người giám tuyển mang tầm cỡ quốc tế như cô không hề dễ. Để The Factory – một đơn vị, nhà tổ chức, trung tâm nghệ thuật đương đại chấp nhận cùng đồng hành, Thủy nghĩ đó là thiên thời địa lợi nhân hòa. Đồng ý với bạn nhìn chung trong tay có vẻ như có hết, vậy ý chí đặt ở đâu, vào chỗ nào để có được những người đồng hành? Mời mọi người đến xem “Mộng bình thường” để trả lời câu hỏi của bạn và cũng sẽ nhận thấy được khó khăn gì Thủy phải trải qua.
Chị đã thuyết phục cô Dolla S. Merrillees như thế nào?
Cô Dolla có những kinh nghiệm về công việc giám tuyển, có nghiên cứu, chuyên môn về thời trang, từng làm việc với nhiều NTK và BST thời trang quốc tế. Thủy muốn những thành phẩm của mình được quan sát, cảm thụ từ một phía rất khác, được lắng nghe những tư duy, phê bình, nhận định rất mới. Dolla từng tới Việt Nam nhiều lần, tiếp xúc với văn hóa Việt và Thuy Design House. Cô Dolla cũng có những ấn tượng và niềm yêu thích cho riêng mình. Thủy nghĩ rằng phải làm việc với người sẵn sự tò mò và hứng khởi thì sự hợp tác mới thực sự có ý nghĩa.
Chúng ta đã có một số triển lãm thời trang và có một vấn đề đáng chú ý là cách xem, cách thưởng thức, hấp thụ triển lãm của công chúng trong nước nói chung. Suy nghĩ của chị về điều này như thế nào? Chị có nghĩ tới việc “dẫn đường” cho công chúng trẻ lối thưởng thức và tiếp nhận?
Cách Thủy làm là mong muốn thay đổi nhìn nhận về thời trang đương đại của khán giả, qua cách thức biểu diễn cũng như cách trình bày. Đến với triển lãm (không phải là sàn diễn) khán giả sẽ được ngắm nhìn kỹ về kỹ thuật và đi sâu hơn nữa không chỉ là thị giác mà là cả quá trình thực hiện phát triển tác phẩm và mong muốn của người nghệ sĩ.
Điều chị thích nhất, vui sướng nhất khi làm triển lãm là gì?
Thủy hạnh phúc nhất là được chia sẻ và điều đó được chấp nhận. Chấp nhận đầu tiên từ các cộng sự, chấp nhận thứ hai là vượt rào bước chân vào cách thức thể hiện thời trang đương đại của giám tuyển Dolla để Thủy được thể hiện các ý niệm của mình một cách sâu nhất. Hạnh phúc nhất là được chia sẻ một giấc “Mộng bình thường” mỗi ngày của Thủy.
Cảm ơn chị về những chia sẻ và chúc cho “Mộng bình thường” thành công!
—
TRIỂN LÃM THỜI TRANG “THUỶ NGUYỄN – MỘNG BÌNH THƯỜNG”:
– Thời gian: 7/11/2020 đến 6/2/2021
– Bạn có thể đặt vé trực tuyến tại: https://ticketbox.vn/event/thuy-nguyen-mong-binh-thuong-80620?opm=tbox.home.hot.11
Nhóm thực hiện
Bài: Thùy Trang
Ảnh: Thuy Design House
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE