Ai may cho ta mặc? là buổi triển lãm thời trang miễn phí thuộc khuôn khổ tuần lễ Cách Mạng Thời Trang với mục đích nâng cao nhận thức về chi phí nhân lực và những tác động của ngành công nghiệp thời trang, đồng thời kêu gọi hành động giúp đỡ từ phía tất cả mọi người. Triển lãm sẽ giới thiệu, tôn vinh và hỗ trợ các nhà thiết kế, các nhà sản xuất và các thương hiệu thời trang bền vững tại địa phương.
Ngày nay, chúng ta hầu như không biết ai đã làm ra quần áo ta mặc và chi phí thực sự của chúng là gì. Các chuỗi cung ứng thời trang gây ra những chỗ đứt đoạn, khiến các nhà sản xuất trở nên vô danh. Điều kiện làm việc của công nhân may không được đảm bảo hoặc thậm chí ẩn chứa nhiều rủi ro. Điển hình như vụ sập nhà máy Rana Plaza ở Bangladesh năm 2013, chính thảm kịch này đã truyền cảm hứng cho phong trào Cách mạng Thời Trang (Fashion Evolution).
Tổ chức phi lợi nhuận Fashion Evolution hy vọng việc xây dựng lại những mối liên kết đã bị phá huỷ xuyên suốt chuỗi cung ứng, từ nông dân đến người tiêu dùng, là cách duy nhất để thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp này. Và bước đầu tiên bắt đầu với một câu hỏi đơn giản: Ai may cho ta mặc?, đó cũng là chủ đề cho buổi triển lãm thời trang sắp tới.
Tuần lễ Cách mạng Thời Trang thu hút được sự tham gia từ 100 quốc gia trên thế giới. Ai may cho ta mặc sẽ là buổi triển lãm thời trang có quy mô lớn nhất tại Việt Nam được tổ chức bởi tổ chức này. Sự kiện sẽ trưng bày các tác phẩm và sáng kiến của nhiều nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia địa phương, trong đó nhấn mạnh nhu cầu về điều kiện làm việc an toàn và sự tôn trọng dành cho công nhân may mặc trên toàn thế giới (mà 80% trong đó là phụ nữ).
Triển lãm thời trang sẽ diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ ngày 22 đến 28/4. Khách đến tham quan sẽ được trải nghiệm loạt ảnh tài liệu, những bộ phim ngắn truyền cảm hứng hướng tới kêu gọi hành động; học nhiều kỹ năng mới thông qua các lớp học trải nghiệm và có được một hình dung cụ thể hơn về tác động của thời trang thông qua các hoạt động tương tác.
“Chúng tôi yêu thời trang, nhưng không hề muốn công nhân bị bóc lột hay hành tinh này phá hủy” – Ellen Downes, Điều phối viên Quốc gia cho chương trình Cách Mạng Thời trang Việt Nam. “Thời trang nhanh và chủ nghĩa tiêu dùng đang phát triển nhanh chóng và rất nhiều công nhân ngành may mặc, chủ yếu là phụ nữ, vẫn bị trả lương thấp, không được đảm bảo an toàn lao động và thậm chí bị ngược đãi. Thông qua buổi triển lãm này, chúng tôi xin được tôn vinh những người phụ nữ địa phương đang góp sức mình vào công cuộc cách mạng hóa ngành công nghiệp thời trang ở Việt Nam, đồng thời chúng tôi cũng sẽ cung cấp các mẹo và phương tiện để giúp việc mua sắm quần áo của mỗi người trở nên có ý nghĩa hơn”.
—
Bên cạnh đó, mỗi người đều có thể trở thành “nhà cách mạng thời trang” và lan tỏa thông điệp tích cực về thời trang bền vững bằng cách tham gia phong trào #whomademyclothes (“Ai may cho ta mặc?”), với 3 bước đơn giản sau:
1. Selfie với một trong những chiếc mác quần áo mà bạn có, sau đó đăng tải lên Instagram.
2. Gõ “Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới những người đã làm ra quần áo của tôi.
@[tên thương hiệu] #whomademyclothes?” vào phần mô tả.
3. Đánh dấu (thẻ tag) @fashrev_vietnam vào bức hình của bạn.
—
Về Tổ chức Cách mạng Thời trang
Cách mạng Thời trang (Fashion Revolution) là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập bởi Orsola de Castro và Carry Somers, hiện đang có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Tầm nhìn của tổ chức hướng tới ngành công nghiệp thời trang chú trọng một cách cân bằng các yếu tố con người, môi trường, lợi nhuận và sự sáng tạo. Cách mạng Thời trang hoạt động quanh năm với mục đích nâng cao nhận thức về ngành công nghiệp thời trang với các vấn đề cấp bách nhất, ủng hộ những thay đổi tích cực và tôn vinh những cá nhân đang trên hành trình từng bước tạo ra một tương lai có đạo đức và bền vững hơn cho ngành thời trang.
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Fashion Evolution Ảnh: Fashion Evolution