Thời trang / Tin thời trang

Những điều cần biết về Tuần lễ Thời trang Haute Couture sẽ diễn ra vào tuần tới

Kể từ quyết định rút lui khỏi tuần lễ thời trang Haute Couture của Yves Saint Laurent từ 2002, người bạn đời của NTK, Pierre Bergé, đã không ngừng tiên đoán về "cái chết" của thời trang cao cấp. Nhưng trên thực tế, lĩnh vực này hiếm khi được phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Tuần lễ thời trang Haute Couture Thu – Đông 2018/2019 sẽ chính thức bắt đầu vào ngày mùng 1 tháng Bảy tới. Trong vòng năm ngày liên tiếp, những thiết kế hiếm nhất, tinh tế nhất sẽ được trình diễn trước hàng ngàn vị khách mời, những người giờ này chắc sắp nhảy lên chiếc phi cơ riêng bay tới Paris để không bỏ lỡ mất nhà thiết kế yêu thích của mình.

 

Hậu trường show Haute Couture Xuân – Hè 2018 của Dior. (Ảnh: Ambra Vernuccio)

Như mọi khi, tuần lễ thời trang Haute Couture tiếp tục thể hiện sức hút mạnh mẽ, khuyến khích nhiều thương hiệu nổi tiếng cũng như những tài năng mới nổi quy tụ về tổ chức những buổi sự kiện danh giá nhất thế giới tại kinh đô ánh sáng. Đặc biệt, mùa này cũng đánh dấu ngày kỷ niệm 150 của Liên đoàn Haute Couture và Thời trang, (Fédération de la Haute Couture et de la Mode – viết tắt : FHCM) tổ chức bảo trợ cho ngành thời trang của Pháp. Được thành lập từ 1868, FHCM đã bắt đầu từ khi nhà tiên phong Charles Féderick Worth tự gọi mình là nhà thiết kế, thay vì đơn thuần chỉ là thợ may.

Chương trình của tuần lễ, đề ra bởi Hiệp hội FHCM, bao gồm 35 show diễn, trong đó có Chanel và Giorgio Armani sẽ trình diễn hai lần. Bên cạnh đó, một số lượng tương đương các show ngoài danh sách cũng đã được lên lịch trình tổ chức trong các đại sứ quán, khách sạng cao cấp hay cung điện, biệt thự sang trọng. Tuy nhiên, người ta sẽ có xu hướng nghĩ rằng chỉ một vài nhà mốt nhất định mới có khả năng sở hữu lượng người tham dự đáng kể: đó chính là « Bộ Bảy Vĩ Đại » Givenchy, Christian Dior, Chanel, Giorgio Armani, Elie Saab, Jean Paul Gaultier và Valentino. Thành viên đầu tiên trong đó bước lên sàn là nhà mốt Givenchy, với buổi trình diễn tại Phòng Lưu trữ Quốc gia Pháp lúc 20 giờ tối Chủ Nhật.

Một thiết kế Haute Couture của nhà mốt Givenchy cho mùa Xuân – Hè 2018. (Ảnh: Getty Image)

Thực ra, tuần lễ sẽ chính thức bắt đầu từ sáng ngày hôm đó cùng RVDK, BST Haute Couture của NTK người Hà Lan, Ronald van der Kemp. Một bằng chứng của việc Paris vẫn luôn là trung tâm thần kinh của thời trang toàn thế giới.

Nếu chúng ta xem thời trang là một cảnh diễn, và những người làm trong ngành chỉ là những diễn viên, thì ắt hẳn sẽ không có nhà hát nào có thể mang tính quốc tế hơn Haute Couture. Ngày đầu tiên, người ta có thể tham dự buổi trình diễn của thương hiệu Aganovich, sở hữu bởi cặp đôi Nana Aganovich – đến từ Belgrade và Brooke Taylor – đến từ Monte Carlo. Thứ hai, người ta có thể xem BST Haute Couture của Gyunel, với nhà thành lập hiện sống ở London nhưng sinh ra ở Azerbaidjan. Thứ ba, tới lượt Ulyana Sergennko, một NTK người Nga gốc Kazakhstan và thứ tư, Galia Lahav, một NTK Nga khác nhưng gốc Israel.

Đặc biệt, nhà mốt Hà Lan gốc Việt, Xuan-Thu Nguyen, cũng nằm trong danh sách các nhà mốt khách mời, với xuất diễn cuối cùng vào ngày thứ ba.

Thiết kế của Xuan Paris. (Ảnh: @louisdecamps)

Không một tuần lễ thời trang Haute Couture nào có thể hoàn thiện nếu thiếu sự hiện diện của “Quần áo” – Vetements, thương hiệu gốc Thụy Điện, sáng lập bởi NTK gốc Georgia, Demna Gvasalia. “Công xưởng” – Atelier, một dòng thời trang mới đang rất được mong đợi của nhà mốt Sonia Rykiel cũng sẽ trình làng trong dịp này.

Tuần lễ thời trang Haute Couture tới cũng có một vài sự ra đi đáng để lưu ý, ví dụ như của A.F Vandevorst, NTK quyết định bỏ qua thời trang cao cấp và cho ra mắt BST trong tuần lễ ready-to-wear vào tháng Chín. Hay Proenza Shouler và Rodarte, những thương hiệu mới đổ bộ vào Paris từ năm ngoái, đã quyết định quay trở lại quê hương Mỹ của mình.

Buổi trình diễn của NTK Proenza Shouler trong Tuần lễ Thời trang Xuân Hè 2018. (Ảnh: WWD)

Vào 14h30 ngày khai mạc tuần lễ, một “trận chiến” sẽ diễn ra giữa ba cái tên ngoài danh sách chính cùng trình diễn: hãng thời trang Ba Lan Eva Minge, thương hiệu streetwear ANDI.KP và Hermès – nhà mốt lần đầu cho ra mắt BST sớm tại cửa hàng nổi tiếng trên phố Faubourg Saint Honoré.

Fendi cũng sẽ góp mặt trong năm ngày này, nhưng với cái tên là Fendi Couture (May mặc) chứ không phải là Fendi Fourrure (Đồ lông thú) như hãng đã thông báo trước đây. Fendi là một trong năm thương hiệu được Hiệp hội FHCM công nhận là Couture (một chức danh dành cho các thương hiệu quốc tế, ngoài Pháp, dưới Haute Couture một bậc), bên cạnh hai anh em người Ý, Giorgio Armani Privé, Valentino cùng Eliee Saab và Viktor & Rolf.

Show diễn Valentino Haute Couture Xuân – Hè 2018. (Ảnh: Vogue Runway)

Ngày cuối cùng của tuần lễ thời trang Haute Couture sẽ được dành riêng cho một lĩnh vực khác cũng “thống trị” đất Paris, đồ trang sức cao cấp. Xung quanh Quảng trường Vendôme, mười nhãn hàng sẽ cho ra mắt những mẫu trang sức của mình, trong đó có những cái tên không thể bỏ qua : Chopard, De Beer, Dior và Louis Vuitton. Và lại một lần nữa, hàng loạt các thương hiệu trang sức tham vọng khác cũng tổ chức giới thiệu sản phẩm cùng ngày với lịch trình của tuần lễ Haute Couture.

Tóm lại, Haute Couture vẫn giữ vị trí “cửa kính” của làng thời trang, lôi kéo hàng chục thương hiệu lớn tham gia vào tuần lễ trình diễn sắp tới. Mỉa mai thay, cái tên nổi tiếng nhất vắng mặt trong dịp này lại là Yves Saint Laurent, nhà mốt vẫn chưa quay trở lại với Haute Couture kể từ sau BST duy nhất đạo diễn bởi NTK Heidi Slimane vào năm 2005. Rõ ràng là cần phải có ai đó giải thích điều này với Pierre Bergé.

Xem thêm:

Tổng hợp những BST Haute Couture Xuân – Hè 2018

BST Haute Couture của NTK người gốc Việt

Nhóm thực hiện

Hương Giang (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Tham khảo: fashionnetworks.com/ Ảnh: Tổng hợp)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)