Vải chần họa tiết giúp NTK Raf Simons được Bảo tàng Nghệ thuật Dân gian Mỹ vinh danh
Nhằm lưu giữ tinh hoa văn hoá của xứ cờ hoa, thiết kế vải chần hoạ tiết của Raf Simons đã được Bảo tàng Nghệ thuật Dân gian Mỹ vinh danh.
Giám đốc sáng tạo nhà mốt Calvin Klein, Raf Simons sẽ được Bảo tàng Nghệ thuật Dân gian Mỹ (AFAM) vinh danh tại lễ hội phúc lợi vào ngày 2 tháng 10. Nhà thiết kế Raf Simons đã hồi sinh di sản văn hoá đại chúng Mỹ – nghệ thuật vải chần hoạ tiết trong bộ sưu tập Xuân – Hè 2018 của Calvin Klein.
Nghệ thuật chần vải – một nghề thủ công truyền thống đặc trưng và rất phát triển ở Mỹ vào thế kỷ 19, một lần nữa, được nhà thiết kế Raf Simons hồi sinh. Cảm hứng văn hóa đại chúng Mỹ sống lại mạnh mẽ từ sự thiếu vắng hình ảnh tự do trong nền thời trang đương đại. Phát biểu trong show thời trang Xuân – Hè 2018, Raf Simons cho rằng: “Thời trang đã nhận sự kỳ vọng quá lớn từ những người chiêm ngưỡng. Chính vì thế, sàn diễn giờ đây không còn có quá nhiều sự mạo hiểm như nhiều năm trước. Calvin Klein đang trên đường tôn vinh những giá trị văn hoá lịch sử nước Mỹ và tôi muốn mang tinh hoa nghệ thuật đã đúc kết từ hơn 2 thế kỷ trở lại thời trang hiện đại”.
Nghệ thuật chần vải là may ghép các tấm vải vụn lại thành một tấm vải hay chăn lớn. Nghệ thuật này bắt nguồn từ việc những người dân di cư đến Mỹ gặp khó khăn khi chuyên chở vải vóc, vốn dày và nặng, nên họ nghĩ đến việc giữ lại các tấm vải may thừa và ghép chúng lại.
Công việc này thường do các bà nội trợ đảm nhiệm, có thể do một người hoặc một nhóm người cùng tham gia chần các tấm vải lớn. Các tấm vải chần hoạ tiết thường được sử dụng làm ga giường, ga gối và đôi khi dùng làm vải treo tường để chống cái lạnh vào mùa Đông. Trong chiến tranh, chăn chần được làm ra để gửi cho những người lính ở chiến trường, vốn rất cần các tấm chăn thật dày và ấm.
Giai đoạn nửa sau thế kỉ 19, với sự phát triển của ngành dệt, người phụ nữ không phải kéo sợi và dệt vải nữa nên có nhiều thời gian hơn để sáng tạo với các tấm vải vụn. Nghệ thuật chần vải ở Mỹ phát triển mạnh từ đó. Cùng với thời gian, chần vải đã phát triển thành nghệ thuật và là phương thức mà nhiều phụ nữ Mỹ lựa chọn để thể hiện tài may vá, sự sáng tạo, tình yêu, hy vọng và cả quan điểm cá nhân trong cuộc sống.
Thế kỷ 20 được cho là thế kỷ hưng thịnh của nghệ thuật chần vải ở Mỹ. Các tấm vải chần hoạ tiết đã trở thành các tác phẩm nghệ thuật thực sự, thể hiện khả năng khéo léo, tỉ mỉ cùng với sức sáng tạo tuyệt vời của những người nghệ nhân.
Ông Monty Blanchard, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo tàng nghệ thuật Dân gian Mỹ nhận định: “Chúng ta đang nắm giữ một thiết kế thời trang quan trọng nhất lịch sử. Chúng tôi đánh giá cao chính sách giữ gìn văn hoá nước Mỹ của ông Simons tại hãng Calvin Klein. Một lần nữa, Raf Simons lại chứng minh được, văn hoá Mỹ vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho thế giới thời trang dù chúng ta đều biết ngành thời trang Mỹ đang gặp cơn ác mộng tồi tệ nhất lịch sử”.
—
Xem thêm:
Calvin Klein – Phong cách Mỹ mạnh mẽ đan xen với một chút hoang dã
Sự “hồi sinh” kỳ diệu của xu hướng thời trang hoạ tiết logo sau 15 năm vắng bóng
Bài: Ngọc Trân
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: WWD, Hypebeast
Hình ảnh: Calvin Klein, bluebarquilts