Năng lượng vi tế
Vào năm 1939, nhà khoa học người Nga Semyon Kirlian, bằng các kỹ thuật dựa trên vật lý hiện đại, đã phát minh ra máy chụp Kirlian, cho thấy các sinh vật sống đều được bao phủ bằng trường sinh học. Điều này cũng khá phù hợp với các nhận định của Albert Einstein trước đó, khi ông nói rằng “Trường là thực tại duy nhất tồn tại trong vật lý lượng tử”, tức là chúng ta được cấu thành từ năng lượng, và các trường năng lượng này liên tục kết nối cũng như tương tác lẫn nhau.
Vì thế, trong suốt nhiều năm, chữa lành bằng năng lượng vi tế đã được quan tâm nghiên cứu. Ngành khoa học này tập trung vào việc chẩn đoán và giải quyết các vấn đề về năng lượng, từ đó tìm cách để đạt đến sự cân bằng giữa trong và ngoài cơ thể thông qua nhiều trường năng lượng khác nhau như từ trường, điện trường hay ánh sáng, âm thanh, màu sắc… Như Pythagore đã từng phát biểu: “Mỗi một thiên thể, mà trong thực tế là mọi nguyên tử, đều sinh ra âm thanh do sự chuyển động, nhịp điệu hay rung động của bản thân mình. Tất cả thanh âm và rung động này tạo thành vũ trụ hài hòa trong mỗi phần tử, trong khi vẫn có chức năng và tính cách riêng góp phần vào tổng thể chung”. Cho nên, chữa lành bằng âm thanh chính là liệu pháp y học tìm đến cân bằng dựa trên tần số rung động.
Nguyên lý cơ bản của liệu pháp dùng âm thanh nói riêng và những cách khác thuộc dòng năng lượng vi tế nói chung đều cho rằng, mọi sự thay đổi và những căn bệnh dù về thể chất hay cảm xúc đều sẽ xảy ra trong trường năng lượng trước tiên. Khi trường này hỗn loạn đến ngưỡng nào đó, nó sẽ biểu hiện thành các dạng bệnh lý cần phải chữa lành. Điều này dựa trên cơ sở khoa học là mọi vật thể đều được tạo ra từ những nguyên tử, và chúng rung động trong mọi mô hình cũng như dải tần. Nhà vật lý sinh học người Đức Fritz-Albert Popp cũng đã phát hiện ra các tế bào có sự trao đổi tín hiệu dưới dạng ánh sáng, được ông gọi tên là “photon sinh học”. Do đó, những ảnh Kirlian chụp được cũng chính là dải quang phổ con người phát ra, mà ta không thể nhìn được chỉ bằng mắt thường.
Chữa lành bằng âm thanh
Âm thanh là một dạng sóng cơ học và cũng được dùng để tạo ra các thay đổi năng lượng vi tế. Do đó, việc ứng dụng âm thanh trong y học tập trung vào trường sinh học với tần số rung hài hòa được cho là có hiệu quả trong việc đưa cơ thể trở lại trạng thái cân bằng, có thể thực hiện bằng nhiều biện pháp, từ dùng chuông xoay (chuông bát), niệm kinh mantra… cho đến lắng nghe thiên nhiên và tự đối thoại với bản thân mình. Không chỉ mới đây mà liệu pháp này đã được áp dụng trong suốt chiều dài lịch sử. Người ta phát hiện ra rằng trong các nền văn hóa bản địa, tiếng vỗ tay, đánh trống và các bài hát dành cho nghi lễ thiên về tâm linh chính là các phương pháp chữa lành hoàn toàn bản năng. Điều này cũng được xét thấy ở thổ dân Úc trong việc sử dụng kèn didgeridoo cổ đại, thần chú của người Hindi hay chuông xoay của người Tây Tạng.
Thời gian gần đây, âm thanh từ các loại chuông xoay ngày càng nhận được nhiều sự chú ý. Về mặt lịch sử, chuông xoay được cho là đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 8 gần vùng Tuyết Sơn (ngày nay là thủ đô Kathmandu của Nepal). Tuy vậy, phải đến những năm 90 của thế kỷ trước, âm thanh chuông xoay mới phổ biến như một loại hình chữa lành đối với phương Tây. Sở dĩ gọi là chuông bát hay chuông xoay vì chuông có cấu tạo nửa hình cầu rỗng, thường được dùng bằng cách miết cây dùi mộc theo hình tròn để tạo âm thanh. Được chế tác vô cùng kỳ công, những chiếc chuông này là sự kết hợp của nhiều tổ hợp từ 7 kim loại đại diện cho 7 hành tinh và 7 luân xa, phù hợp với những xung động khác nhau của mỗi người, tùy thuộc vào luân xa nào họ muốn giải phóng năng lượng ứ đọng, từ đó tạo ra sự cân bằng.
Không chỉ có chuông xoay mà việc thực hành chánh niệm thông qua độc thoại và niệm mantra cũng là cách để tìm về an yên. Bắt nguồn từ tiếng Phạn, mantra, hay chân ngôn, là một câu thần chú hay trích dẫn kinh Phật thường được lặp lại trong các buổi tu tập hành trì. Câu chân ngôn quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng là “Om Mani Padme Hum”. Trong Phật giáo Tây Tạng, thế giới được quan niệm là bắt đầu từ chữ “Om” và kết thúc với chữ “Hum”. Thế nên, niệm mantra tức là hiểu rằng thế giới liên tục vận động, tự ta tìm thấy một nơi an trú khi nhìn vào bên trong mình.
BÀI LIÊN QUAN
LIỆU PHÁP DÀNH CHO SỐ ĐÔNG
Bởi vì cơ thể, tâm trí và tinh thần của chúng ta luôn muốn chuyển động theo hướng cân bằng, nhưng nhiều yếu tố ngoại cảnh lại phá vỡ nó, nên việc tìm về với sự rung động hay chánh niệm là cách tốt nhất để ta mở khóa các giác quan, từ đó phát hiện thêm nhiều khả thể của bản thân mình. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng liệu pháp âm thanh đem đến rất nhiều lợi ích như giúp giảm căng thẳng, thư giãn sâu, tập trung tinh thần, cải thiện giấc ngủ, mở mang trí tuệ cùng với các tác dụng khác ở từng cơ quan. Các âm thanh này cũng được sử dụng ngày càng nhiều hơn trong những buổi sound bath (hay thiền âm thanh), nơi mỗi người sẽ ngả lưng trên các mặt phẳng và việc cần làm chỉ là nhắm mắt, lắng nghe rung động bên trong cơ thể.
Đã từ rất lâu, các hoạt động thiền tập được chứng minh là sẽ tăng hoạt động của hệ thần kinh phó giao cảm, giúp cho người tập giảm căng thẳng. Tuy vậy, khó khăn của phương pháp này là cần có thời gian, sự kiên nhẫn cũng như nỗ lực. Do đó, các hình thức thụ động và đơn giản hơn như sound bath sẽ rất phù hợp với số đông. Nguyên lý của hình thức này là thông qua nhịp điệu và tần số của các âm thanh, ta có thể điều khiển sóng não và chuyển đổi nó thành nhiều trạng thái khác nhau. Quá trình có thể đi từ trạng thái beta (ý thức tỉnh táo bình thường) sang alpha (ý thức thoải mái), lên đến theta (trạng thái thiền định), và sau cùng là delta (ngủ).
Thậm chí, hiệu ứng này còn được áp dụng trong cả âm nhạc hiện đại. Jhené Aiko – ca sĩ dòng R&B từng được đề cử Album của năm tại giải Grammy danh giá – cũng mang âm thanh chuông xoay vào âm nhạc của mình. Cô chia sẻ, tùy vào nội dung của các bài hát mà cô sẽ chọn từng loại chuông xoay phù hợp, từ đó mở ra các luân xa riêng, giúp cho người nghe cảm nhận một cách rõ nhất và sâu sắc nhất sản phẩm của mình. Có thể thấy rằng, hiện nay, liệu pháp chữa lành bằng âm thanh đang ngày càng phổ biến và được ứng dụng rộng rãi. Không quá phức tạp mà vẫn tạo được tác dụng tối ưu, đây là xu hướng có nhiều khả năng sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Minh
Ảnh: Tư liệu