Vào ngày 04/12/2014, Paddle8 kết hợp cùng tổ chức nghệ thuật đương đại phi lợi nhuận San Art, bán đấu giá trực tuyến một số tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam trên trang web paddle8.com. Sự chú ý của một công ty danh tiếng trên thị trường nghệ thuật đương đại quốc tế như Paddle8 với San Art là điều rất đáng mừng cho các nghệ sĩ nội địa. Nhân dịp này, Elle Việt Nam đã có bài phỏng vấn độc quyền với anh Alexander Gilkes, đồng sáng lập Paddle8.com, một cựu auctioneer tài năng và đồng thời là gương mặt điển trai đầy phong cách trong giới thượng lưu tại New York.
Chào anh Alexander, hoạt động kinh doanh của Paddle8 thường gắn liền với giới thượng lưu và những phòng tranh cao cấp tại Bắc Mỹ và châu Âu. Vậy điều gì đã đưa anh đến với Sàn Art Việt Nam?
Chúng tôi cảm thấy được truyền cảm hứng từ tinh thần nghệ sĩ của San Art và muốn được đồng hành cùng Sàn Art trong việc trao đổi và nâng đỡ sự phát triển của nghệ thuật đương đại tại Việt Nam. Chúng tôi đã quan tâm tới khi vực châu Á từ lâu và rất nhiều người hiện muốn sưu tầm các tác phẩm từ châu Á, đặc biệt khi các phòng tranh và bảo tàng lớn tập trung khai thác, giới thiệu các tài năng của nghệ thuật đương đại.
Anh nghĩ như thế nào về những tác phẩm trong buổi đấu giá gây quỹ của Sàn Art? Tác phẩm nào khiến anh thích nhất?
Sàn Art đã có một bộ sưu tập nghệ thuật rất đa dạng, nhiều phong cách, hình thức thể hiện, đề tài. Tôi rất thích sự trừu tượng trong tranh ý niệm (conceptual painting) của Trần Xuân Anh, bởi tác phẩm này phản ánh nhiều sự tương đồng về tư duy và ý tưởng với những nghệ sĩ đương đại hiện đang hoạt động tại các kinh đô nghệ thuật lớn như New York hay London hiện nay. Tôi hi vọng, một cộng đồng quốc tế gồm hơn 400.000 nhà sưu tầm của Paddle8 sẽ chú ý tới những tác phẩm này.
Các tác phẩm nghệ thuật đến từ những thị trường đang lên của Đông Nam Á hiện có vị thế như thế nào trên thế giới?
Châu Á và Nam Mỹ đang là những khu vực có đời sống nghệ thuật đương đại thật phong phú và ẩn chứa thật nhiều các tài năng trẻ. Càng nhiều người biết tới các tác phẩm hay, nghệ sĩ xuất sắc, thì thị trường mua, bán, sưu tầm nghệ thuật sẽ càng rộng mở.
Nhiều người vẫn có xu hướng chọn một món đồ thời trang xa xỉ thay vì mua tác phẩm nghệ thuật. Đối với anh, điều gì tạo nên sự khác biệt giữa chúng?
Tác phẩm nghệ thuật sẽ giữ được giá, nếu bạn muốn bán lại. Còn sau khi bạn mua một đôi giày và mang nó vào chân là đôi giày đó đã mất giá rồi. Paddle8 chẳng phải cũng là một nơi để các nhà sưu tầm nghệ thuật dễ dàng bán lại các tác phẩm họ đã mua hay sao? Nhưng theo tôi, quan trọng hơn, một tác phẩm nghệ thuật còn thể hiện trình độ thẩm mỹ, tri thức, tạo ra cho ta những cơ hội để chiêm nghiệm, phản tỉnh, đối chiếu, mang lại các trải nghiệm về thị giác, suy tưởng…
Tại sao anh cho rằng việc đầu tư vào nghệ thuật đương đại là một việc nên làm?
Tôi luôn khuyên mọi người mua các tác phẩm nghệ thuật khi họ thực sự thích chúng, thay vì chỉ nghĩ tới giá trị đầu tư. Nhưng nói cho cùng, khi đầu tư vào nghệ thuật đương đại là bạn đã ngay lập tức tạo ra một sự ủng hộ nào đó đối với các nghệ sĩ và giúp cho môi trường nghệ thuật được phát triển phần nào.
Một chút về trải nghiệm cá nhân… Lý do nào đã thúc đẩy anh theo đuổi công việc của một auctioneer – người điều khiển phiên đấu giá?
Đó là cảm giác sung sướng tuyệt đỉnh mỗi khi tôi tìm ra được chủ nhân xứng đáng cho một kiệt tác nghệ thuật. Ngoài công việc này, tôi phụ trách phát triển, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới cho Paddle8 như mở rộng các lĩnh vực đấu giá khác ngoài nghệ thuật đương đại, tổ chức các buổi đấu giá theo chủ đề do những khách mời là các nhân vật có gout thẩm mỹ và kiến thức tuyệt vời như Tracey Emin (nữ nghệ sĩ người Anh) hay Grace Coddington (Giám đốc Sáng tạo của tạp chí Vogue Mỹ) chủ trì.
Động lực và triết lý làm việc của anh là gì?
Tôi luôn thôi thúc được đi sâu, khám phá những mối quan tâm của công chúng về văn hoá, nghệ thuật đương đại. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà ai cũng muốn gắn kết bản thân mình với nghệ thuật – ca sĩ Lady Gaga hợp tác cùng nghệ sĩ Jeff Koons, chiếc túi chấm bi của hãng thời trang Louis Vuitton là tác phẩm của nữ hoạ sĩ người Nhật Yayoi Kusama. Tôi muốn biến những thú vui ngắn ngủi đó của mọi người thành một sự theo đuổi lâu dài, thành thú đam mê sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật. Để đạt được điều đó, tôi luôn nối kết những người thực sự giỏi lại với nhau.
Anh có lời khuyên gì với những nhà sưu tầm trẻ khi mua tác phẩm đầu tiên cho mình?
Hãy hỏi thật nhiều và đọc tất cả những gì bạn có thể. Đừng ngại yêu cầu mọi thông tin về tác phẩm và lý lịch của nghệ sĩ. Và hãy dành tiền cho những chiếc khung thật đẹp: Một tấm khung hoàn mỹ có thể nâng tầm bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào!
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Nhóm thực hiện