Lifestyle / Trải nghiệm

Gì cũng là nghệ thuật, trừ nghệ thuật

Có lẽ bạn đã từng ít nhất một lần trong đời được nghe câu hỏi kiểu này: “Bộ phim đó nói về cái gì?” từ một người bạn đang chuẩn bị đi xem bộ phim mới ra rạp. Lần sau, nếu được hỏi như thế, bạn nên trả lời là: “Nói thì người ta phát thanh trên radio chứ còn cần phim làm cái gì?”

ellevn nghe thuat

ellevn nghe thuat

1. Một bộ phim, về lý thuyết, không bao giờ “nói về cái gì”, hoặc là “kể về cái gì”.

Nó là một chuỗi các hình ảnh chuyển động (moving pictures, sau này người Mỹ gọi tắt là movie), chứ không phải là một báo cáo khoa học. Và chuỗi hình ảnh này chuyển tải những cảm xúc rất riêng của nghệ thuật điện ảnh. Bạn không thể tả lại nó bằng lời, kể cả loại phim thị trường nhất và kịch bản đơn giản nhất. Ví dụ: “Chiếc Lamborghini hóa thành một con rôbốt khổng lồ và lao vào phá tan tòa nhà”. Xin thưa, chiếc Lamborghini hóa thành con rôbốt bằng một chuỗi các chuyển động tinh tế mà ông đạo diễn kiêm nhà sản xuất Michael Bay đã dày công nghiên cứu nhiều năm mới tạo ra, kèm theo những âm thanh cơ khí sáng tạo mà có lẽ là huyền thoại của văn tả cảnh, Julian Flaubert sống lại cũng… bó tay trong việc chuyển nó thành ngôn từ.

Ngược lại, nếu bạn đã đọc nguyên tác The Great Gatsby bạn sẽ thấy rằng nhiều hình ảnh được mô tả trong bộ phim chuyển thể đình đám gần đây, quả thực rất… không liên quan.

Mỗi môn nghệ thuật có một đời sống riêng, cách thức riêng để đánh vào cảm giác của khán giả. Nghệ thuật nó đớn đau ở chỗ là ngay cả nghệ thuật ngôn từ cũng không thể diễn đạt lại bằng ngôn từ. Ví dụ người ta hỏi nhau: “Rừng Na Uy nói về cái gì?”. Thì câu trả lời chắc là: “Cô gái yêu một chàng trai. Chàng trai chết. Cô gái đi vào rừng. In và nộp lưu chiểu tháng 5/2006”. Hơn chục năm rít thuốc đến teo phổi rồi lại chạy bộ hùng hục của Haruki Murakami thế là toi đời.

Ấy thế mà có một thứ văn hóa tồn tại trong xã hội ta: đó là văn hóa cố gắng chuyển hóa các tác phẩm nghệ thuật thành ngôn ngữ đơn giản. Bạn cứ lên Google mà tìm với những từ kiểu “ý nghĩa của bức tranh”, “nội dung của bức tranh” hoặc “bức tranh nói về” là ra hàng đống bài viết. Ví dụ, trên một tờ báo, lâu rồi, người ta lý giải bức tranh “Vũ trụ” của Nguyễn Sáng như thế này: “Nội dung bức tranh nói về hai người đàn ông đang đối đầu nhau (vào thập niên 80, hình tượng đó được xem là sự đối đầu giữa 2 thế lực Nga – Mỹ)”. Thật là đơn giản dễ hiểu làm sao, cần gì xem tranh nữa. Nguyễn Sáng tái thế có lẽ là nên đi viết xã luận hoặc vẽ áp phích cổ động chứ tốn sơn dầu để vẽ về Chiến tranh Lạnh thế này thì quả thực phí phạm tài năng của một nhà phân tích chính trị.

Đó không phải là lần duy nhất người ta “giải thích” tranh, ảnh, phim, tiểu thuyết trên mặt báo. Văn hóa này là nền tảng cho một thứ tâm lý hoàn toàn không coi trọng nghệ thuật. Người ta có hiểu nghệ thuật là gì đâu, có quan tâm là mình phải cảm nhận nghệ thuật theo cách nào đâu mà coi trọng nó đúng cách.

2. Nhà đấu giá nghệ thuật Sotheby’s có một nguyên tắc: “Người mua tự đi tìm hiểu lý lịch tranh”.

Thật ra đôi lúc họ sử dụng nguyên tắc ấy để phòng bị cho bản thân nếu có nhỡ bán nhầm… tranh giả hay tranh ăn cắp. Nhưng xét một cách toàn diện, đó là một nguyên tắc đáng tôn trọng. Họ bán bản thân bức tranh, chứ không bán lý lịch của nó, “khua chiêng gõ trống” về tên tuổi hay cuộc đời kịch tính của tác giả, về bối cảnh ra đời gay cấn của bức tranh, hay nó đã từng thuộc về ngôi sao nào. Nếu anh tự cảm nhận được giá trị của bức tranh, thì anh mua nó.

Nhiều năm trước đã từng có một đại gia mua một bức tranh của tác giả Max Beckmann với giá 25 triệu đôla Mỹ từ một nhà buôn tranh, để rồi sau đó bị cuốn vào một vụ kiện tụng, khi gia đình sở hữu bức tranh tuyên bố nó đã bị đánh cắp và đòi lại tranh. 25 triệu đôla Mỹ, và vị đại gia thậm chí không cần biết nó đã ở đâu ra? Đúng là chuyện ở… Tây.

Chúng ta có quyền tự hỏi rằng chuyện tương tự có thể diễn ra ở ngay Việt Nam hay không?

Có lẽ là rất khó, khi mà bản thân giá trị nội tại của tác phẩm đã nhạt nhòa, đã khó được thưởng thức đầy đủ (Tranh này nói về cái gì?) – thì người ta buộc phải vin vào nhiều thứ khác bên ngoài giá trị nghệ thuật để quyết định. Họ cần biết những chuyện bên lề, cần biết danh tiếng của tác giả, cần có một thứ gì đó để kể cho bạn bè khi bỏ tiền ra.

Bất kỳ thứ gì cũng có thể tạo nên giá trị của nghệ thuật trừ giá trị nghệ thuật. Thậm chí scandal của nghệ sĩ cũng có thể khiến cô ta/anh ta bán hàng chạy hơn. Chuyện này đặc biệt nhiều trong làng âm nhạc. Sự mến mộ đôi khi không được đong bằng bản thân tác phẩm mà bởi tên tuổi của tác giả. Một nghệ sĩ mới, có rất ít cửa xuất hiện với những “định kiến” kiểu như thế. Nếu anh ta muốn nổi lên, cách tốt nhất là hãy tạo scandal. Một chu trình quen thuộc.

Và chu trình quen thuộc ấy được tạo ra khi bản thân nghệ thuật trở thành thứ yếu trong thị hiếu. Một thứ thị hiếu ưa chuộng thông tin bên lề.

3. Nếu Jackson Pollock, tay họa sĩ nghiện rượu vẽ tranh bằng cách vẩy “bừa” sơn lên tấm toan sinh ra ở nước ta, thì liệu ông ta có bao giờ được thừa nhận? 

Liệu bức No.5 của Pollock có trở thành bức tranh đắt giá thứ nhì trong lịch sử hội họa? Tranh của ông ta không “nói về cái gì”. Bản thân ông ta thì không biết cách làm màu cho bản thân.

Văn hóa thưởng thức nghệ thuật thật ra cũng là thứ phải được đào tạo. Tất nhiên là nó không bao giờ trở thành những công thức – bởi nghệ thuật là thứ để cảm nhận chứ không phải để lý giải. Nhưng mở lòng ra như thế nào, đặt cảm xúc cao hơn lý trí khi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật ra sao là thứ cần được dạy.

Ở nhiều nước có thứ đó. Còn chúng ta thì vẫn cứ hỏi: “Tranh/phim/sách/tượng này nói về cái gì?”. Đặt họ trước các tác phẩm siêu thực và hậu hiện đại thì quả thực là bó tay trong việc trả lời.

 

ellevn hoa si pollock
Họa sĩ Pollock khi sáng tạo

Nhóm thực hiện

Bài: Đức Hoàng - Minh họa: Left Studio

Ảnh: Tư liệu

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)