Lifestyle / Trải nghiệm

Hãy “tám chuyện” về AI một chút nào!

Có thể nói, những AI như ChatGPT chính là trung bình cộng của rất nhiều nhân cách mà con người tạo ra trên không gian mạng, đó là một bản sao rất nhân tính ở bên ngoài, nhưng thiếu vắng phần hồn sâu thẳm bên trong.

cô gái và AI công nghệ

Trong cuốn Sapiens: Lược sử loài người, nhà sử học Yuval Noah Harari đã cho rằng “tám chuyện” là một trong những công cụ quan trọng nhất mà loài người đã tạo ra, không thua gì việc phát minh ra ngọn lửa. Nhờ có “tám chuyện” mà loài người có thể tin tưởng nhau, sớm hình thành các nhóm lớn hơn và ổn định hơn. Yuval đã mượn ý tưởng của nhà nhân chủng học Robin Dunbar, người đưa ra giả thuyết vào năm 1998 rằng, khi những người anh em linh trưởng của loài người vẫn còn mắc kẹt trong việc hình thành liên kết xã hội bằng cách bắt chấy cho nhau, thì loài người nguyên thủy, nhờ “tám chuyện”, đã phát triển vượt bậc và trở nên “con người” hơn.

Một mức phát triển cao cấp hơn của “tám chuyện” chính là giao tiếp. Giao tiếp là thành phần cốt lõi của bất kỳ xã hội nào và ngôn ngữ là thành tố quan trọng nhất của hoạt động này. Khi ngôn ngữ bắt đầu phát triển, các cộng đồng văn hóa khác nhau tập hợp những hiểu biết tập thể thông qua âm thanh bằng việc “tám chuyện”. Theo thời gian, những âm thanh này, với ý nghĩa hay ngụ ý của chúng, trở nên phổ biến và ngôn ngữ được hình thành. Mặc dù mọi loài đều có cách giao tiếp riêng, con người là loài duy nhất đã làm chủ giao tiếp ngôn ngữ có nhận thức. Ngôn ngữ cho phép chúng ta chia sẻ ý tưởng, suy nghĩ và cảm xúc của mình với những người khác.

AI trí tuệ nhân tạo

Khi bàn về sức mạnh ngôn ngữ, người ta hay nói: phụ nữ yêu bằng tai. Nhưng thực ra, tất cả chúng ta đều yêu bằng tai (có ai lại không thích nghe những lời đường mật?). Vì đối với hầu hết mọi người, ngôn ngữ chạm vào chúng ta rất tự nhiên – chúng ta học ngôn ngữ ngay cả trước khi có thể nói. Khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ một cách uyển chuyển, linh hoạt là cái duyên, cái làm cho một người nào đó nhân văn hơn, khác xa với máy móc. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi công cụ AI đầu tiên tạo nên cú nổ diện rộng trong nhận thức xã hội về sức mạnh của công nghệ, chính là một công cụ dùng ngôn ngữ viết để “tám chuyện”.

Mọi thứ trên đời đều có bản sao

ChatGPT, mang trong mình trái tim mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model), nhanh chóng chinh phục hàng triệu người dùng trong một thời gian ngắn, đơn giản vì nó khiến chúng ta thực sự cảm thấy mình đang nói chuyện với một con người – một người thông minh, duyên dáng, bình tĩnh, nhẫn nại, và trong vài trường hợp, rất phục tùng nữa là đằng khác. Vậy người bạn mới quen tuyệt vời này có điều gì khác biệt?

Về cơ bản, các hệ thống AI hoạt động bằng cách tiếp nhận một lượng lớn dữ liệu đã được phân loại, phân tích, tìm ra các mối tương quan và thiết lập mô hình, rồi sử dụng các mô hình này để đưa ra dự đoán về các mô hình trong tương lai khi gặp trường hợp tương tự. Nói cách khác, một AI như ChatGPT biết “lắng nghe”, sau đó đưa ra “lời khuyên”. Hơn nữa, ChatGPT có thể “lắng nghe” hàng triệu câu chuyện, hàng triệu giãi bày một lúc và rồi đưa ra “lời khuyên” có chất lượng thống kê tốt nhất. Nghe có vẻ như là một người bạn hoàn hảo.

Vậy hạn chế của ChatGPT là gì? Tất cả những gì ChatGPT thu thập được chỉ là thông tin đơn thuần, về cơ bản, không có trải nghiệm hay cao hơn là kinh nghiệm. Kinh nghiệm là thông tin được chứng thực thông qua trải nghiệm thực tế. Vậy nên, nếu chúng ta tâm sự tình cảm với ChatGPT, cũng không khác lắm với việc xin lời khuyên từ một cô bạn đã thuộc làu hàng tá truyện ngôn tình và phim lãng mạn, nhưng chưa hề có một mảnh tình vắt vai. Cũng chính vì thế, ChatGPT, do không có vốn sống, sẽ dễ dàng quy phục trước những chất vấn của chúng ta, dù chất vấn đó có vô lý thế nào. Có lẽ không có mối quan hệ nào dễ nhàm chán hơn đối với một người, dù ban đầu rất thú vị, nhưng luôn nhanh chóng cúi đầu ngoan ngoãn. Một người bạn vô cùng chân thành, nhưng cũng đồng thời vô cùng kém tin cậy.

Có thể nói, những AI như ChatGPT chính là trung bình cộng của rất nhiều nhân cách mà con người tạo ra trên không gian mạng, đó là một bản sao rất nhân tính ở bên ngoài, nhưng thiếu vắng phần hồn sâu thẳm bên trong. Trong lĩnh vực hình ảnh, những AI tạo hình như Midjourney hay Stable Diffusion dù đang làm mưa làm gió, nhưng xã hội vẫn đặt dấu chấm hỏi cho những hình ảnh được tạo ra từ các công cụ này, liệu chúng có thể trở thành kiệt tác, có thể giúp tác giả của chúng đạt được điều mà những nghệ sĩ hằng mong – sự bất tử?

Trong tác phẩm nổi tiếng Harry Potter của nhà văn J.K Rowling, nhân vật Tom Marvolo Riddle, với mong muốn bất tử, đã tạo ra trường sinh linh giá bằng cách chia nhỏ linh hồn của mình, một quá trình đầy đau đớn, và kết hợp những mảnh linh hồn đó vào đồ vật, hy vọng rằng nếu chúng còn tồn tại, bản thân sẽ có thể hồi sinh. Hành trình của Tom cũng không khác hành trình của một nghệ sĩ. Tuy nghệ thuật là một bản sao của cuộc sống, nhưng nhờ linh hồn và tình yêu của nghệ sĩ đặt vào mà nó có cơ hội trở thành bất tử. Những hình ảnh tạo ra từ AI – vốn chỉ là bản sao từ hình ảnh hay thông tin trên Internet – thiếu hẳn trải nghiệm bản thân của người dùng điều phối AI, và sẽ còn rất rất lâu mới có thể trở thành những tác phẩm có hồn.

AI nhân vật từ trí tuệ nhân tạo
Variable_Sync “Tương đồng và khác biệt”, hình tác giả bài viết tạo ra từ Stable Diffusion. AI có thể đóng giả nhiều nhân cách, nhưng cuối cùng vẫn là bản sao của nhau.

Cuộc sống sẽ là mãi mãi

Đến thời điểm này, đã có hàng nghìn bài báo viết về việc AI nói chung và ChatGPT nói riêng có thể làm những gì, từ việc dạy trẻ em học cho đến hủy diệt Trái đất. Có dự báo từ các chuyên gia AI và cũng có cả những khẳng định cực đoan mơ hồ của những kẻ cơ hội. Tất cả thể hiện rằng chúng ta đang đứng trước một tương lai đầy biến động. Ngay cả chính OpenAI, công ty sở hữu ChatGPT, khi phỏng vấn ứng viên vào làm việc cũng hỏi rằng: Bạn hãy liệt kê những gì hiện AI chưa làm được nhưng trong tương lai gần sẽ có thể. Có lẽ, ngay cả những nhà phát triển AI kỳ cựu nhất vẫn liên tục ngạc nhiên về những khả năng mới của AI.

Tuy nhiên, con người đang quá ngạo mạn khi cho rằng AI có thể đe dọa sự sống, đem đến tận thế, cũng như cách con người quá ngạo mạn khi cho rằng bản thân họ có thể hủy diệt Trái đất. Thực ra, trong tình huống xấu nhất, con người sẽ chỉ tự hủy diệt chính mình thôi, AI cũng vậy, và Trái đất thì vẫn quay.

“Sự sống, ờ, sẽ tự tìm ra cách”.

Câu thoại trên nằm trong bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng Công Viên kỷ Jura của đạo diễn Steven Spielberg. Trong phân cảnh đó, nhân vật Tiến sĩ Ian Malcolm (Jeff Goldblum) chất vấn John Hammond (Richard Attenborough), CEO và nhà sáng lập công viên, rằng liệu bọn khủng long có thể sinh sản trong hoang dã không, dù nhân viên của John đảm bảo rằng tất cả khủng long sinh ra đều là giống cái, thông qua các kỹ thuật di truyền.

Ts. Ian Malcolm: Cơ mà, làm cách nào ông biết tất cả chúng đều là giống cái? Ai đó tản bộ ra công viên và tốc váy bọn khủng long à?

Henry Wu: Không hề khó chút nào, chúng tôi chỉ cần kiểm soát nhiễm sắc thể. Thực chất phôi thai của chúng đã luôn là giống cái, khi có thêm một chút hormone vào đúng kỳ phát triển phù hợp là nó sẽ chuyển thành giống đực. Chúng tôi chỉ cần không để cho điều đó xảy ra.

Ts. Ellie Sattler: Thế thôi sao?

Ts. Ian Malcolm: John này, cái cách mà ông đang dùng để kiểm soát ấy, lởm lắm. Nếu có gì đáng để học từ lịch sử tiến hóa, thì đó chính là cuộc sống không thể bị kiểm soát. Cuộc sống sẽ phá vỡ xiềng xích và tìm đến tự do, dù có đau đớn, và thậm chí nguy hiểm nữa, nhưng, ờ, nó vậy đấy.

John Hammond: [mỉa mai] Vậy á hả.

Henry Wu: Anh đang hàm ý rằng một nhóm động vật toàn cá thể giống cái sẽ… sinh sản à?

Ts. Ian Malcolm: Không. Ý tôi đơn giản rằng Sự sống, ờ, sẽ tự tìm ra cách.

Vì vậy, bạn đọc thân mến, xin hãy luôn tin tưởng vào cuộc sống, hay tự đưa ra quyết định cho chính mình và tin tưởng vào quyết định của bản thân, dù bạn có tham khảo ý kiến của AI hay của ai khác.

Trương Huyền Đức, biệt danh fxEVo, là một cái tên nổi bật trong lĩnh vực thiết kế – đồ họa CG (Computer Graphics) tại Việt Nam. Anh tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, từng học Entertainment Design tại Mỹ và làm việc ở vai trò Concept Designer/ Visual Artist/ Art Director trong nhiều lĩnh vực, từ game đến phim ảnh. Anh từng tham gia các dự án phim đình đám như Star Wars Rogue One, Star Wars The Last Jedi, Thor Ragnarok, Blade Runner 2049… Anh hiện là nhà sản xuất truyền thông số tại start-up kỳ lân Sky Mavis, đồng thời cũng là cố vấn Hội đồng Khoa học Công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh AMPAS (đơn vị tổ chức giải thưởng Oscar).

Nhóm thực hiện

Bài: Trương Huyền Đức

Ảnh: Tư liệu 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)