Lifestyle / Trải nghiệm

Ký sự chuyện hậu trường Tuần lễ Thời trang Paris từ blog Ho Ny

Blogger Ho Ny và cũng là Photo Editor của ELLE Việt Nam vừa có mặt tại kinh đô ánh sáng của Pháp để trực tiếp tham dự một trong những sự kiện thời trang thế giới đình đám nhất năm: Tuần lễ Thời Trang Paris.

Đằng sau những gì đẹp đẽ nhất là sự hỗn loạn đầy kịch tính.

Đầu óc tôi quay cuồng, trong lúc tự đặt câu hỏi cho bản thân, tay tôi đang cầm 1 cái túi xách Salvatore Ferragamo tới cashier. Đặt bút ký vào tờ bill, 1 câu hỏi khác chợt pop-up: “Tháng sau mình sẽ xoay sở thế nào để trả nợ đây? Có nên trả lại cái túi sau khi tuần lễ thời trang kết thúc không?”

Nổi khỗ của những nhà thiết kế thời trang

Chỉ một tuần lễ thôi, một tuần lễ thật sự sống trong thời trang, bạn sẽ hiểu chúng tôi không phải là những người hay mơ mộng, mông lung, hào nhoáng, rỗng tuếch… chúng tôi cũng thông minh, biết suy nghĩ, tính toán như tất cả các bạn làm trong ngành công nghiệp khác. Có điều chúng tôi chỉ suy nghĩ và tính toán thấu đáo nhất sau khi làm những chuyện ngu ngốc.

Tuần lễ mà hàng ngàn nhãn hàng thời trang phải đấu đá nhau để được chen chân vào. Ở Paris, bạn sẽ phải đăng ký trước 3 năm, phải tự tổ chức show của mình trong 3 năm đó để Mode a Paris (công ty tổ chức Tuần lễ Thời trang Paris) xem xét về thiết kế, lượng khách mời, hướng phát triển trước khi thương hiệu của bạn được chính thức có mặt trên lịch diễn của Tuần lễ Thời trang. Sự cố gắng chưa dừng lại ở đó, kể cả khi bạn đã được duyệt, thương hiệu của bạn cũng phải chiến đấu dữ dội để được trình diễn vào giờ đẹp, ngày đẹp và venue tiện đi lại cho khách mời.

Chuyện đau đầu nhất với các nhà thiết kế là làm thế nào để mời được các Biên tập viên thời trang, Tổng biên tập của những tờ báo lớn. Với lịch làm việc dày đặc và hàng trăm vé mời, quyết định đi show nào của các biên tập viên thời trang, ngoài việc tính toán về ngày giờ, phương thức đi lại thì thiệp mời và chỗ ngồi ảnh hưởng rất lớn tới quyết định của họ. Lẽ dĩ nhiên, lòng tự tôn của họ không cho phép họ ngồi sau bất kỳ ai…tệ hơn nữa là phải đứng. Họ yêu cái đẹp, nếu thiệp của bạn đẹp và được thiết kế ấn tượng…70% các biên tập sẽ chọn xem show của bạn.

ellevn-paris-fashion-week-manish-arora
Show diễn của Manish Arora
ellevn-paris-fashion-week-Yohji Yamamoto
Show diễn của Yohji Yamamoto

Kịch tính trong những show diễn

Đa phần mọi show diễn thời trang sẽ được tổ chức lớn hay nhỏ tùy thuộc vào độ nổi tiếng của thương hiệu. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa, các nhà thiết kế hạng 3 sẽ không dám chi mạnh để có một fashion show hoành tráng ngang ngửa Chanel hay hãng lớn như Elie Saab lại không quan tâm đến địa điểm, thiết kế sân khấu là mấy.

Mùa này, Elie Saab tổ chức fashion show trong một cái lều dựng tạm. Dù diện tích nhỏ nhưng khách mời đông, nhiệt độ cơ thể của từng đấy con người đủ làm cho không gian nóng như mùa hè – phải thừ nhận rằng ngoài trời mát hơn trong lều rất nhiều. Mọi người chen nhau đứng, ngồi, một số khách mời tới muộn được lịch sự mời ra ngoài. Vé mời đều được tận dụng làm quạt giấy.

ellevn-paris-fashion-week-Elie Saab
Show diễn của Elie Saab

Đề cập đến chuyện tới muộn, tôi thấy làm lạ là ở đất nước Châu Âu với nền văn hóa luôn đúng giờ, nhưng tôi chưa tham dự được show nào diễn ra đúng giờ dự kiến – muộn 30’ là chuyện bình thường. Sau khi đóng màn, khách mời chỉ kịp vỗ tay đúng 30 giây rồi phải vội vàng chạy đi xem show tiếp theo. Ngược lại với các brand lớn như Saab, Manish Arora – một nhà thiết kế từ Ấn Độ mới nổi trong vòng vài năm trở lại đây xém làm tôi trụy mạch vì show quá đẹp: từ quần áo, âm thanh, ánh sáng, chỗ ngồi, backstage, etc…

ellevn-paris-fashion-week-Manish Arora
Show diễn của Manish Arora

Sẽ có vài chục con người nán lại sau show để phỏng vấn nhà thiết kế, hay để đặt mua sản phẩm. Người mua là những người dám chi mạnh cho những mẫu thiết kế họ vừa thấy trên sàn diễn. Ngoài ra, các bà các cô lắm tiền là khách hàng quen thuộc của thương hiệu cũng không tiếc tay chi cho mẫu thiết kế vừa xuất hiện sàn diễn như của LV, Chanel chẳng hạn.

Câu chuyện của các fashionista

Ngoài sự đóng góp ấn tượng của các nhà thiết kế vào nền công nghiệp thời trang. Có 1 bộ phận đông đảo khác giúp cho thời trang phát triển và lan rộng, đó là các blogger, stylist, fashionista. Họ gần gũi với công chúng hơn so với các Editor, sức ảnh hưởng có thể còn lớn hơn cả mấy tờ tạp chí thời trang cộng lại. Họ đi đầu xu hướng và không sợ khoác lên người những thứ độc lạ giữa những ánh mắt kỳ quặc, khó hiểu của người đi đường. Cũng như các nhà thiết kế, bộ phận này có khát vọng được nổi tiếng và được chú ý đến. Ngoài chuyện phong cách thời trang đi từ choáng ngợp, tới hồi hộp, có khi kinh dị, họ cũng là những con người có sức chịu đựng và chăm chỉ nhất thế giới.

Nếu bạn là con gái bạn sẽ hiểu: Giày cao gót đẹp nhưng đau kinh khủng. Bạn đã từng nghe câu: “I would hate for someone to look of my shoes and say, “OMG! They look so comfortable!”” (tạm dịch: Tôi cực kỳ ghét đứa nào nhìn đôi giày cao gót của tôi rồi bảo: Ôi trời ơi, đôi này nhìn thoải mái quá nhỉ!) chưa? Cái giá của việc làm đẹp là đau, vướng víu, khó chịu. Thế nhưng vẫn có một số bạn sẵn sàng ăn mặc đẹp và thật đẹp đến các show thời trang (dù không có vé mời) đứng tạo dáng cho các photographer chụp vài kiểu. Khi khách mời vào hết, họ thầm lặng vào toilet thay đồ để chuẩn bị tới điạ điểm khác cũng tổ chức fashion show để làm “nhận vật nổi bật” vô danh tiếp. Tôi rất phục họ! Thật sự rất phục.

ellevn-paris-fashion-week-Elie Saab street style
Phong cách thời trang đường phố trong show diễn của Elie Saab
ellevn-paris-fashion-week-Leonard street style
Phong cách thời trang đường phố trong show diễn Leonard

Nhiếp ảnh gia và người mẫu cũng khổ!

Các bác photographer cứ say mê chụp mà không biết ai với ai, vì họ được trả tiền để chụp streetstyle, chụp những con người ăn mặc đẹp. Các bác này cũng có nỗi khổ riêng. Trước khi show diễn ra, các bác phải tới trước 2 tiếng để chụp backstage và dành được 1 chỗ đứng chụp lý tưởng. Khi show gần diễn ra, họ phải chạy tới chạy lui để tìm những người nổi tiếng xin chụp kiểu ảnh. Khi show diễn ra, hàng trăm còn người với nhiều dụng cụ cồng kềnh đứng chen chân nhau trong không gian khoảng chừng 15m2 để bắt hình từng bộ đồ trên sàn diễn. Dù có là mùa đông đi nữa, chỗ đứng của các photographer luôn nóng nhất, ồn ào nhất và nhộn nhịp nhất. Các bác đều rất vui tính và có tinh thần giúp đỡ.

Khi tôi được chen chân đứng giữa các bác, có bác nhường hẳn cho tôi 1 cái ghế đẩu để tôi đứng lên chụp cho dễ (do chiều cao của tôi cũng hơi khiêm tốn). Nhưng giờ mới biết các model rất sợ photographer. Cô/anh nào lỡ bước ra trình diễn quá sớm, các photographer đồng thanh: “Oh, f*ck!” (vì hình chụp người mẫu đứng trước sẽ bị dính cô phía sau – không đẹp). Khi mẫu đi lố qua diện tích quy địch, các bác la lớn: “Stop! Stop…Move back” (tạm dịch: Ngưng, ngưng, quay lại ngay). Kể cả khách mời hàng đầu ngồi gác chân hay để túi xách lọt vào ống kính, dị nhiên sẽ bị la: “Leg, leg…bag, bag” (tạm dịch: Dính cái chân! Dính cái túi!)

 

ellevn-paris-fashion-week-Photographers' space
Khu vực dành cho nhiếp ảnh gia
ellevn-paris-fashion-week-Photographers marking their territory
Các nhiếp ảnh gia đánh dấu “lãnh thổ” của mình

Khi tôi được vào backstage của các show diễn, tôi mới biết gần như tất cả các model đều nghiện thuốc lá. Họ quá mệt với cường độ làm việc cao, trong khi lượng calo họ nạp vào không hơn được 1000kcal. Thức ăn và nước uống luôn có sẵn cho người mẫu nhưng đa phần là những phần ăn nhẹ, thậm chí là rất nhẹ như salad trộn, một tí ngũ cốc bánh mì.

 

ellevn-paris-fashion-week-Models' food
Quầy thức ăn cho người mẫu

 

ellevn-paris-fashion-week-Tired, but models are still very friendly
Nét mệt mỏi đằng sau nụ cười thân thiện của người mẫu

Sau vài ngày đầu hào hứng tham gia tất tần các show, tôi thấm mệt với việc phải đi bộ quá nhiều, đứng quá lâu, chen lấn cực khổ. Bắt đầu từ việc quăng giày cao gót, vớ vội lấy đôi giày thể thao, chụp bằng ipad thay vì máy ảnh chuyên nghiệp để up ảnh lên facebook cho lẹ, mặc đồ tối giản nhất để đỡ vướng víu chen lấn cho dễ, rồi tới túi xách thì cái nào càng nhẹ mà chứa được nhiều đồ càng tốt… không quan tâm đến hàng hiệu gì.

Thực tế trần trụi nhỉ? Không lấp lánh vào hào nhoáng như những gì bạn thấy trên TV. Hàng trăm hàng ngàn con thiêu thân vẫn lao vào ngành công nghiệp làm đẹp này dù nó rất chua chát. Người ngoài nhìn vào thấy chúng tôi sướng khi suốt ngày được đi chụp hình, đi đây đó. Chúng tôi nhìn ra chỉ thầm ước: “Mong 1 ngày cuộc sống của mình sóng yên biển lặng.”

Thật mệt mỏi khi phải sống trong thế giới đầy kịch tính. Nhưng tôi sẽ buồn lắm nếu thiếu những thứ ấy. Tôi sẽ không đi đâu tìm được công việc tôn trọng cảm xúc, sự tự do và óc tưởng tượng như ở đây.

Nhóm thực hiện

Blog Ho Ny, nhiếp ảnh gia thời trang của ELLE Việt Nam Ảnh: Ho Ny, Anh Huy Pham
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)