Lifestyle / Trải nghiệm

Làm hòa với Tết, về nhà với nhau

Nhưng Tết bắt đầu dành cho tôi từ mùa Xuân năm 20 tuổi, khi tôi lần đầu phải ăn Tết xa nhà, và thấm thía cảm giác của người mong trở về.

Như bao người Việt khác, từ nhỏ tôi đã được nghe ca khúc Happy New Year của ABBA vang lên trong những giờ khắc chuyển giao năm mới. “No more champagne, and the fireworks are through. Here we are, me and you, feeling lost and feeling blue…”. Sau này, khi đã lớn hơn và biết một chút tiếng Anh, tôi lại thường nghe người ta bỉ bai rằng người Việt không biết tiếng Anh, nên mới phát mãi một bài hát buồn đến thế để chúc mừng năm mới. Nhưng lạ thay, ca khúc đó, lời hát đó, lại đúng với tôi vô cùng.

Tôi hay cảm thấy buồn và trống rỗng vào mỗi thời khắc thấy những vệt màu sáng rực rỡ nở bung trên nền trời đen thẫm. Chẳng bao giờ tôi thực sự được ngắm pháo hoa và nghe hết một bài nhạc năm mới. Dường như tôi luôn đang làm gì đó. Cặm cụi bê sắp mâm lễ ngày Tết, đôi khi hẵng còn lau dở ô cửa sổ nhà mình. Giao thừa trong tôi là một tổ hợp các nghi lễ cần được làm trọn vẹn trong giờ khắc pháo hoa bùng nổ. Còn các ngày Tết trong tôi là tổ hợp của các mâm cỗ kéo dài từ nhà này sang nhà khác. Dù là khi 5 tuổi, 10 tuổi hay 15 tuổi, tôi vẫn luôn thấy mình ngồi lơ đễnh trước một chậu nước rửa bát bọt tung trắng xóa – tự hỏi mình đang ở đây làm gì, và ý nghĩa của những bữa tiệc như thế này là gì.

Tôi biết lễ Tết là dịp đoàn viên, chỉ tiếc rằng tôi không cảm nhận được niềm vui ấm áp đó. Tôi chỉ thấy Tết là dịp phải làm lụng nhiều hơn bình thường, người ta uống say và nói năng linh tinh hơn bình thường, những bao lì xì nhịp nhàng nhảy từ nhà này qua nhà khác, những mâm cơm Tết có đến hai tô canh khác nhau – không hiểu vì sao, những đĩa gà luộc không bao giờ ăn hết, những thùng bia cứ hết lại đầy… Tôi gật gù với chính mình, có lẽ tôi không thích Tết, hay Tết không dành cho tôi.

Nhưng Tết bắt đầu dành cho tôi từ mùa Xuân năm 20 tuổi, khi tôi lần đầu phải ăn Tết xa nhà, và thấm thía cảm giác của người mong trở về. Tôi đi chợ châu Á để tìm đủ nguyên liệu nấu một tô canh của người Việt. Tôi bày mâm ngũ quả, thắp nhang vào đêm giao thừa, dù không ai bắt ép. Tôi leo lên tầng thượng của tòa nhà, đứng đó, trong gió trời cuối năm, đợi những tiếng nổ lớn của pháo bông bung nở trên đầu.

Tết đối với người Việt xa quê nhà

Từ thuở ấy, tôi bắt đầu hiểu hơn cảm giác của một người đang ở nơi xa, mong về nhà ngày Tết. Và cũng từ thuở ấy, tôi bắt đầu học cách bóc tách những cảm xúc của mình với Tết – để một lần được làm hòa với nhau.

Hóa ra, Tết vẫn là một điều gì đó ấm cúng và mầu nhiệm trong tôi. Như một buổi sớm Đông đi chợ, nhìn thấy xe hoa ngang qua, chở theo những cành đào tươi thắm. Như chiếc bánh chưng mới gói trong nhà, báo hiệu những ngày sắp tới với đủ kiểu ăn sáng tạo. Như bát canh măng, như đĩa thịt đông, như khay mứt trên bàn ngọt ngào mời gọi… Những vị ngon trìu mến ấy đã luôn là thứ mà tôi mến thương từ thuở bé thơ, chứ chẳng phải ghét bỏ gì. Những điều mà tôi không thích, hóa ra là cái khổ sở của những nề nếp quá đà, của những lễ nghi rườm rà khắc khổ, của thói quen ăn nhậu và nói xấu nhau, của những nhìn ngó đong đếm và tính toan với nhau, giữa chính những người nhà, người thân, người quen biết.

Khi đã đủ lớn để được tách mình ra khỏi những hà khắc xa xưa, lần đầu tiên trong đời, tôi được cùng gia đình riêng của mình đón một cái Tết mà tôi gọi là: như-ý.

tết việt
Ảnh: Unsplash

Chúng tôi dọn dẹp cửa nhà như-thường-lệ, trong một ngôi nhà vốn đã ít đồ đạc và chẳng có mấy vật dụng trang hoàng. Chúng tôi tắm cho mèo như-thường-lệ và bón thêm một ít đất mới cho chậu hoa nhài. Chồng tôi đi chợ sáng Xuân, mua về mấy cành đào nhỏ, cắm trong lọ thủy tinh trên bàn.

Bếp nhà có sẵn một ít bánh chưng, giò thủ, củ kiệu… Ban thờ dọn dẹp và bày biện trái cây giản đơn, trong không khí thơm mùi nhang thảo mộc. Chúng tôi đã thống nhất ngay từ đầu là không cần nấu cỗ bàn cầu kỳ. Chỉ cần nấu cơm, ninh canh, luộc ít rau củ, cắt thêm ít giò… vẫn là một mâm cơm như bao mâm cơm nhà mình vẫn ăn quanh năm suốt tháng, họa chăng là có thêm đôi món là lạ, để ta nhớ ra rằng: đến Tết.

Mùa Tết năm đó, chúng tôi không “về” đâu, chỉ ở yên trong ngôi nhà vẫn ở. Ấy vậy mà tôi bỗng có cảm giác mình đã đi rất xa. Đi rất xa, từ một đứa trẻ buồn ngác ngơ vào mỗi mùa Tết đến – cho đến một người lớn bắt đầu tìm thấy niềm vui trong những ngày đầu Xuân. Là những ngày Xuân được thảnh thơi ngắm nhìn sự đâm chồi của cành lá, được từ tốn khơi một ấm lục trà Shan Tuyết nhâm nhi với bánh đậu xanh, là được tận hưởng sự nhẹ nhõm trong một không gian đủ giản dị cho ta trải lòng.

Để hiểu rằng sự “trở về” có khi xa tận chân trời, có khi gần ngay trước mắt. Sự “trở về” – với người này là may mắn hiển nhiên, với người kia là cả niềm mơ ước. Song tất thảy có lẽ đều bắt đầu từ việc nhìn lại và tự hỏi chính mình, hỏi nhau, về điều ta mong đợi: trong ngày Tết hay trong những ngày-bình-thường đang sống: Ta cần gì ở nhau?

Nếu ta cần ở nhau sự gắn kết, tình cảm gần gụi ấm áp, thì ta có thể chỉ tập trung vào điều cốt yếu ấy, mà dần tháo xuống những rào chắn mang danh chân lý, những lề thói tưởng đúng mà sai, những e ngại về sự thay đổi. Vì nếu ta đã có những người thân biết vui, một ngôi nhà êm tiếng nói cười, một mùa Tết thảnh thơi và nhẹ nhõm, thì còn điều chi quan trọng hơn tất thảy những điều đó. Còn điều chi quan trọng hơn đâu.

Nhóm thực hiện

Bài: Nhược Lạc 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)