Trước đây, khi nói đến graffiti, rất nhiều người phương Tây sẽ nghĩ ngay đến những gã mặc áo có mũ trùm đầu, tay cầm bình sơn, hay chửi thề và phá hoại cảnh quan với những thông điệp nổi loạn. Đó là vào khoảng những năm 1970, khi phong trào phản chiến diễn ra mạnh mẽ. Những người biểu tình, những thanh niên bất bình chọn việc phun lên tường những lời tuyên bố giận dữ chống đối lại chính quyền. Cứ sau mỗi đêm, những bức tường của nhà ga, các thành cầu hay những khu phố cổ lại chi chít những hình vẽ sặc sỡ. Người qua đường phần lớn chẳng hề bận tâm đến những thông điệp lộn xộn được ghi trên đó, một số người khác thì tỏ ra rất giận dữ.
Sự thay đổi của thời đại
Chẳng bao lâu sau khi graffiti xuất hiện, đột nhiên, truyền thông bỗng thay đổi thái độ – những người lên án graffiti trước đây giờ bị chê là thủ cựu, không nhìn thấy được vẻ đẹp thực sự của nghệ thuật, còn những tác phẩm bị coi là làm dơ bẩn cảnh quan giờ đây được đánh giá như các kiệt tác. Đó là bởi giữa trào lưu của những bức tranh màu phun sơn loạn xạ, có những nghệ sĩ thực sự xuất hiện, đỉnh cao có thể nói là Robert Banks, hay còn được biết đến với cái tên quen thuộc hơn: Banksy.
Những tác phẩm phun sơn của Banksy đã trở nên quá nổi tiếng đến mức người ta sẵn sàng gỡ phần bức tường mà ông vẽ ra, rồi bán tác phẩm với giá đắt đỏ. Sự thành công của ông trở thành cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ đường phố khác và cả các cá nhân sưu tầm tác phẩm nghệ thuật. Người ta nhận ra rằng các bức tường, hầm cầu cũ kỹ cũng có thể trở thành phần nền để các nghệ sĩ sáng tạo. Các tác phẩm mang tính chất bốc đồng cũng dần bớt đi, thay vào đó là các tác phẩm có đầu tư, mang thông điệp rõ ràng và tạo thiện cảm hơn.
Tuy nhiên, trước khi tôn vinh Banksy, những người ủng hộ nghệ thuật hiện đại đã có những động thái thể hiện sự tôn trọng dành cho graffiti, và coi đó là một thể loại nghệ thuật đô thị. Từ cuối 1970, đầu 1980, một số góc phố tại New York như Houston Street hay Bowery đã trở thành không gian tự do của các nghệ sĩ đường phố. Một số khu vực tại Anh như Brixton hay Westbourne Grove cũng cho phép các nghệ sĩ tự do thể hiện, ghi lại tên tuổi của mình. Và khi giới trẻ bắt đầu chú ý đến những bức tranh sặc sỡ trên tường cũng là lúc những người làm trong lĩnh vực truyền thông nhận thấy sức ảnh hưởng của những tác phẩm đầy màu sắc tưởng chừng ngớ ngẩn ấy.
Nhờ sự quảng bá của truyền thông, một số nghệ sĩ đường phố đã dần dần bước vào thế giới nghệ thuật chính thống – dù họ vẫn tiếp tục sáng tác trên đường phố. Nhiều thương hiệu ngay lập tức nhận ra hiệu quả thị giác của những tác phẩm trên các bức tường, thành cầu và mau mắn hợp tác với các nghệ sĩ để tổ chức các chiến dịch quảng cáo. Một số nghệ sĩ thì tự phát triển sản phẩm dựa trên thương hiệu cá nhân của mình. Keith Haring là một trong những nghệ sĩ sớm đi theo con đường này khi mở ra một cửa hàng tại khu SoHo (New York), bán quần áo, đồ chơi. Ông còn thiết kế quảng cáo cho một hãng rượu và đồng hồ Swatch.
Càng về sau này, sự tôn vinh dành cho các nghệ sĩ đường phố càng trở nên hiển nhiên hơn. Năm 2008, nghệ sĩ Shepard Fairey vẽ nên một bức chân dung ứng cử viên tổng thống vào thời điểm đó là Barack Obama trên phố. Sau đó, anh mau chóng được những người phụ trách vận động bầu cử đặt hàng vẽ một tấm chân dung Obama cho riêng cuộc bầu cử. Tấm chân dung này, thậm chí sau đó còn được đưa lên làm bìa của tạp chí Time.
Cũng trong năm 2008, bảo tàng danh giá Tate Modern tại Anh cũng tổ chức một cuộc triển lãm Nghệ thuật đường phố, một lần nữa chính thức coi những tác phẩm trên đường này là một phần giá trị văn hóa. Điều này hòa chung với trào lưu nghệ thuật đường phố đã phát triển trên khắp thế giới. Từ Paris, Berlin đến Sao Paolo, Tokyo, Seoul… nghệ thuật đường phố dần bước vào đời sống, được người dân và chính quyền địa phương ủng hộ. Thậm chí, chúng còn được coi như một trong những địa điểm quan trọng, thu hút khách du lịch tham quan.
Tại Việt Nam, dù phong trào nghệ thuật đường phố vẫn còn khá yếu ớt, nhưng sự xuất hiện của con đường gốm sứ (Hà Nội), những nghệ sĩ đường phố tại các kỳ festival Huế, tác phẩm graffiti tại các góc phố nhỏ tại nhiều thành phố như Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Hội An… đã cho thấy tinh thần sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, một phần vì tinh thần bảo thủ của nhiều người lớn tuổi, một phần vì cách ứng xử thiếu văn minh của nhiều bạn trẻ khi đến tụ tập chụp ảnh, khá nhiều tác phẩm graffiti đã bị xóa bỏ. Chúng ta còn phải chờ lâu để nghệ thuật đường phố trở thành chính thống tại Việt Nam.
Mặt trái của sự đắt giá
Dẫu vậy, không phải cứ thành chính thống là tốt. Nghệ thuật đường phố cũng dần vấp phải những ý kiến nghi ngại về tính tự do, ngẫu hứng vốn là đặc trưng của trào lưu này. Những cuộc đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đường phố ngày càng được tổ chức nhiều hơn. Vậy làm sao các nghệ sĩ còn có thể tự hào tuyên bố mình là nghệ sĩ đường phố, khi tác phẩm của họ được gỡ ra khỏi đường phố, đóng khung kính và đem trưng bày tại những bảo tàng sang trọng rồi sau đó được bán với giá cao ngất ngưởng?
Một vấn đề nghiêm trọng nữa cũng nảy sinh ra là số phận của các tác phẩm nghệ thuật đường phố. Sau khi Banksy trở nên nổi tiếng, tác phẩm của ông trên các con phố không còn được yên ổn như trước đây. Tháng 5/2014, nhiều tác phẩm danh tiếng của ông như No ball game hay Liverpool Rat sau khi bị ăn cắp thậm chí còn được tổ chức bán đấu giá công khai, bất chấp sự phản đối dữ dội của chính tác giả và người hâm mộ. Số tiền thu được từ cuộc đấu giá này ước tính lên tới hàng triệu USD.
Đã trải qua cả một hành trình dài để được công nhận như một hình thức nghệ thuật đích thực, nhưng các tác phẩm trên đường phố có lẽ vẫn còn lâu mới tìm được sự bình yên. Câu chuyện của nghệ thuật đường phố có lẽ từ đây sẽ phải đi theo một hướng khác. Thay vì nỗ lực khẳng định giá trị của mình và trốn tránh khỏi cảnh sát, các nghệ sĩ sẽ phải bước vào cuộc chiến mới: Cuộc chiến bảo vệ đặc tính của mình và chống lại trộm cắp.
Xem thêm Sức hút của nghệ thuật công cộng
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Thủy - Ảnh: Tư liệu