Trong tiếng Anh, có một khái niệm là “critical thinking”, nghĩ ngược, nghĩ đa chiều, lối suy nghĩ có tính tham chiếu cao, độc lập và khách quan trong các vấn đề. Tôi rất thích khái niệm này và thường sử dụng lối tư duy này trong các bài viết của mình: về bình đẳng giới, về phụ nữ cũng như các vấn đề xã hội.
Lớp học toàn cầu hoá
Tôi theo học khoá học Thạc sỹ về Báo Chí Toàn Cầu. Tài tình thế nào, khoa gom cho lớp đủ mọi thành phần đến từ đủ quốc gia: nhà báo, nhà chính trị, PR, sinh viên kinh tế, nghệ sỹ chính trị (artivist) đến từ Trung Đông, Nga, Tây Âu, Đông Âu, Mỹ, Đông Nam Á, Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Phi, Trung Phi…
Và thế là, lớp học của tôi là mô hình thu nhỏ của Thế giới. Cậu bạn người Armenia dù ngày hôm đó vừa đứng lên đập bàn tức giận khi cô bạn Thổ Nhĩ Kỳ nhất định phủ quyết tội lỗi của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc thảm sát người Armenia năm 1915, cuối tuần vẫn nhảy cuồng nhiệt với cô bạn người Thổ Nhĩ Kỳ. Anh bạn người Ai Cập đang trong lớp học, vẫn không ngừng cập nhật Twitter, gửi đi thông điệp về cuộc đảo chính năm 2011; nhưng sau tất cả, anh vẫn tỏ ra hồ nghi vào chính quyền mới. Cậu bạn người Đức bình thản ngồi nghe tất cả các cuộc thảo luận còn những cô gái Nga thì lên kế hoạch lên Stockholm tham gia biểu tình đòi bỏ phiếu công bằng ở Nga (năm 2012)
Thú vị nhất là trong môn học: “De-westernizing Media” (Nhìn truyền thông dưới góc nhìn ngoài phương Tây), chúng tôi cùng nhau chỉ trích xem báo chí phương Tây đã làm méo mó nhận thức của thế giới về chính thế giới như thế nào.
“Các bộ phim Hollywood đã làm những chàng trai trẻ Châu Phi nghĩ rằng tất cả nước Mỹ đều đang sống ở Beverly Hill và đi xe mui trần,” cậu bạn học người Ethiopia chua chát còn cô bạn học người Mỹ nhún vai đùa: “Xin cho phép tôi được làm người Canada vào lúc này và giấu hộ chiếu của tôi đi!”
“Trong con mắt của phương Tây, tất cả chúng tôi là những kẻ khủng bố” bốn cậu bạn người Pakistan cười buồn. Đó là bốn chàng trai hiền nhất lớp tôi. Họ chăm chỉ bán bánh donut để kiếm thêm tiền đi học.
“Tôi không thích toàn cầu hoá. Chúng tôi không chọn toàn cầu hoá,” cậu bạn người Iran, vốn là một nhà hoạt động chính trị phát biểu.
“Bạn không có quyền chọn hay không chọn. Toàn cầu hoá chọn bạn, chọn tôi và chọn tất cả chúng ta,” tôi phản đối.
Sau này tôi mới biết, khi bị tôi làm mất mặt trên lớp vì cuộc thảo luận này, anh bạn Iran có gửi tin nhắn cho cậu bạn người Mỹ nói về tôi:
“Con nhỏ VC thật ngạo mạn!”
Anh ta cố dùng từ “VC” để nhắc lại mâu thuẫn giữa Mỹ và Việt Nam trong chiến tranh. Hoàn toàn bất ngờ, cậu bạn người Mỹ tức giận, suýt đấm lại cậu bạn người Iran. Anh chàng người Iran với cái tôi to đùng, không quen bị phụ nữ nói lại, quên mất hay không biết rằng, từ “VC” còn nhạy cảm với người Mỹ hơn là với tôi, một cô gái Việt Nam sinh ra sau chiến tranh.
Trong lớp học đó, tôi nhận ra, toàn cầu hoá khác hoàn toàn với hiện tượng “Mỹ hoá” hay “Phương Tây hoá”. Toàn cầu hoá không phải khi bạn nói tiếng Anh, ăn McDonald’s, uống Coca Cola, mặc áo GAP và xem phim Mỹ. Toàn cầu hoá là khi chúng tôi cởi mở, thẳng thắn bàn luận về những vấn đề, mâu thuẫn toàn cầu với nhau nhưng vẫn chung sống hoà bình trên một hành tinh; là khi chúng tôi thấy mình tham gia hay có liên quan tới các sự kiện diễn ra ở những nơi khác nhau trên Thế giới; là khi chúng tôi nhìn mẫu thuẫn của nước mình với nước khác bằng con mắt khách quan bởi tất cả chúng tôi đều là công dân toàn cầu.
Tự tin dân tộc và tự ti dân tộc
Các nhà nghiên cứu xã hội đưa ra hai khái niệm: tự tin dân tộc và tự ti dân tộc để chỉ suy nghĩ thái độ của những công dân với đất nước mình. Thực ra, cả hai thái độ này đều không tốt cho dân tộc đó.
Gần đây, có rất nhiều bài báo khai thác những người gốc Việt tài năng trên Thế giới. Nội dung này không có gì sai, thậm chí rất tích cực: ca ngợi những người tài năng. Nhưng việc nhấn mạnh rằng đó là người gốc Việt hay tự hào cho người Việt Nam thì lại mang nghĩa “tự ti dân tộc” hơn là “tự tin dân tộc”
Có gì lạ khi có 90 triệu người Việt Nam, chưa kể vài triệu người sống ở nước ngoài, có nguồn gốc Việt Nam, không làm nên được thành tích như 9 triệu người Thuỵ Điển. Tỉ lệ người Việt Nam tài năng trên Thế giới rõ ràng là con số không nhỏ. Nếu bạn tin vào điều này, bạn sẽ không cần phải nhấn mạnh, trầm trồ về gốc gác Việt của những người tài năng.
Chưa kể, thử tưởng tượng một cô bé Nga sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nói tiếng Việt, cầm hộ chiếu Việt, có khi còn có bố mẹ người Việt, một cách dễ hiểu nếu cô ấy nhận mình là người Việt hơn là người Nga. Vậy thì những nhân tài gốc Việt, họ có toàn quyền nhận mình là người Mỹ, người Úc hay người Đức chứ không phải người Việt. Không phải họ không tự hào về đất nước Việt Nam. Chỉ đơn giản là la bàn quê hương của họ chỉ về những đất nước nơi họ sinh ra và lớn lên. Hãy tôn trọng điều đó!
Ngược lại với hiện tượng tung hô quá mức người Việt, lại có hiện tượng chê bai người Việt. Tuy nhiên, tôi không chụp mũ chê bai người Việt là tự ti dân tộc ngay. Nhưng cách chê có thể dẫn tới thái độ tự ti dân tộc, thậm chí cho cả thế hệ sau.
Hôm trước, tôi mới được đọc cuốn sách “Tôi là một con lừa” của tác giả Phương Mai, tiến sỹ về giao tiếp văn hoá ở Đại Học Khoa Học Ứng Dụng Amsterdam, Hà Lan. Tôi rất thích một ý, nôm na là càng đi càng ít dám chê bai Việt Nam.
Đó chính xác là suy nghĩ của tôi.
Có cô em họ hôm nọ cứ trầm trồ việc tôi yêu một anh Tây.
“Hay nhất là không phải người Việt Nam!” nguyên văn lời em.
Tôi giật mình, vội giải thích: “Là duyên, là số thôi! Chứ nhiều anh chàng Việt Nam tốt hơn một số anh chàng Tây nhiều!”
Em không phải số ít. Một loạt bài báo gần đây ca ngợi những anh chồng ngoại quốc đã tạo nên một bộ phận các cô gái trẻ nghĩ thiên lệch về những chàng trai Việt. Tôi mong muốn cô em họ của tôi hiểu nhiều chàng trai Việt Nam sẽ chăm sóc bố mẹ vợ như bố mẹ mình, coi anh em vợ như anh em mình, thậm chí là anh chị em họ, coi gia đình vợ gồm hơn 20 người là gia đình mình. Bố tôi đã lặn lội vào Buôn Mê Thuột tìm hài cốt của bác rể tôi (chồng của chị gái mẹ tôi) rồi ôm hũ tro về Hà Nội. Bố cùng anh em đồng hao đã bế bà ngoại tôi, chăm sóc bà trong những ngày cuối đời của bà.
Điều ấy hơi xa xỉ với những chàng trai Tây khi gia đình họ được xây dựng chỉ gồm bố mẹ và con cái. Thậm chí, bố mẹ và con cái cũng có khoảng cách vì con cái được nhà nước nuôi và 18 tuổi, họ sẽ dọn ra ở riêng, tự trả tiền học đại học. Tuy nhiên, rõ ràng là không phải chàng trai Tây nào cũng thế.
Kể cả việc dạy con cái. Có lần, tôi được mời đến một gia đình người Thuỵ Điển ăn tối. Mọi người ăn vừa xong thì nhà mất điện. Bà chủ nhà vội đi tìm cách khắc phục, ba đứa con chạy toán loạn (đứa nhỏ chạy theo mẹ, đứa lớn hơn đi thắp nến lung tung khắp nhà…) Tôi không biết giúp gì, đành đi dọn bàn, cho đĩa bát vào máy rửa bát. Chỉ có thế thôi mà bà chủ nhà sau cứ xuýt xoa, hàm ơn tôi về việc đó.
“Có gì to tát đâu, văn hoá của chúng tôi là nếu giúp được gì thì cố giúp. Bố mẹ tôi dạy con gái phải biết ý!” tôi trả lời.
Phải một hồi lâu tôi giải thích, bà mới hiểu từ “biết ý” bởi khái niệm đó không có trong văn hoá của bà. Bà kể một người Thuỵ Điển 20 tuổi sẽ không bao giờ làm như thế, vì họ được dạy đừng động vào việc của người khác nếu họ không nhờ.
Tôi nhận ra, tôi bước đi, gặp những người mới không chỉ để thấy cái hay cái đẹp của Thế giới, mà sử dụng “critical thinking” còn để thấy cái hay cái đẹp của chính mình và thấy quốc gia nào cũng có người xấu, người tốt.
Các cha mẹ trẻ, chăm tìm hiểu, học hỏi, đã tiếp thu bài học giáo dục con trẻ của phương Tây: không chê bai phũ phàng mà thay vào đó động viên, giúp con sửa để để con mình tự tin, bạo dạn. Tương tự, xin bạn hãy làm thế với đất nước mình: để mai sau, con bạn tự hào cầm trên tay cuốn hộ chiếu bìa xanh và tự tin giới thiệu: tôi là người Việt Nam.
***
Tôi nghĩ ngược để thấy mình không bị đám đông điều khiển. Để thấy mình có sức mạnh với chính suy nghĩ của mình. Và là một người làm truyền thông, tôi viết với cái đầu cởi mở để thông tin chúng tôi truyền đi sáng suốt và tạo cái nhìn đa chiều cho cộng đồng.
Xem thêm Việt Nam: Quá tệ hay quá tuyệt? – blog Mít Đặc
Nhóm thực hiện
Blog Travelling Kat