Năm 2005 tôi rời Việt Nam sang Đức du học, tại một bang phía Đông. Ngành học: PR Chính trị. Năm 2009 tôi trở lại theo học bổng toàn phần của kênh truyền thông đối ngoại Deutsche Welle, tại một bang phía Tây. Ngành học: Truyền thông quốc tế. Giữa hai mốc này là một năm làm việc toàn thời gian ở Việt Nam và nhiều lần trở về làm dự án riêng, thực tập, làm quen môi trường làm việc… Vậy kinh nghiệm lập thân, lập nghiệp của tôi ở đâu? Nếu nó không nằm ở số năm cuộc đời trong công sở, số lần thất bại, số đêm thức trắng, số lần bật khóc vì vấp ngã, số người mà bạn biết rằng mình không có thể làm bạn, số lần đã thất vọng vì cuộc sống không phải là mơ?
Khi tôi lục tìm trong 5 năm đó, một đoạn không hề ngắn của tuổi trẻ, tôi đã giữ lại được những gì? Câu trả lời là: 2 cuốn sổ tay Moleskine! Những người bạn của tôi luôn không hiểu tại sao tôi không bao giờ giữ lại tài liệu học sau khi nhận xong bằng tốt nghiệp (chính tôi cũng không hiểu tại sao!) thì cũng như thế, không ai hiểu tôi tìm được gì từ những cuốn sổ tay của mình?
22.04.2005.
[…] Lộn xộn. Chưa sắp xếp được hai nhịp sống. Hôm nay một người đã tỏ thái độ kỳ thị người nước ngoài với mình ở ngoài phố. (…) Hôm nay đã sang nhà mới. Hài lòng. Quen nhanh. Phòng không cắm được cable TV. Xem TV ít đi hẳn. Tốt!
Đó là những dòng đầu tiên tôi viết khi sang Đức. Tôi đã viết rất nhiều. Tôi đã nhận những cú sốc văn hóa theo cách mà tôi không đọc được trong sách. Tôi sốc trước sự lạnh lùng của người đi bộ trên đường, của người bán hàng trong siêu thị, của người bán bánh mỳ đầu phố – nơi tôi tới mua mỗi ngày nhưng chúng tôi luôn tỏ ra chưa từng quen biết nhau và chỉ trao đổi những câu tối giản cần thiết, kịp để tôi có được bánh mỳ nóng và người bán hàng có đúng số tiền mà họ cần. Và bài học về lập thân đầu tiên của tôi đã là bài học về học-văn-hóa, về học cách ứng xử trong môi trường đa văn hóa. Bởi vậy, nếu bạn cũng giống như tôi, sẽ bắt đầu một công việc mới hoặc du học trong một môi trường văn hóa xa lạ, hãy đừng vội nghĩ đến những điểm tham quan mình phải đi, những đất nước láng giềng mình muốn tới (cho dù đó là những động lực cực kỳ đáng kể!). Thử để dành những trải nghiệm đó cho tới khi bạn đã hiểu về nền văn hóa mà bạn tiếp xúc. Càng nhiều hiểu biết về văn hóa thì “nguy cơ” bạn rơi vào tâm trạng tủi thân, cô đơn, hay bị đối xử không công bằng (mà thường là qua suy diễn, tưởng tượng) càng giảm đi đáng kể. Tôi lại kể một ví dụ khác. Một lần, tôi bực mình cực độ khi người lái xe bus thản nhiên bỏ đi mặc dù ông ấy rõ ràng đã nhìn thấy tôi chạy thục mạng từ đằng xa để vừa kịp chạm vào cửa xe. Mãi sau này tôi mới vỡ lẽ ra rằng, trong nền văn hóa của Đức, họ tập trung vào hiệu quả, kết quả công việc hơn là vào quan hệ xã hội, cũng như rất ít khi tạo ra trường hợp ngoại lệ. Với họ thời gian chuẩn xác mới là nhiệm vụ số 1. Xe phải tới đúng giờ, còn tôi thì nên đến sớm ít nhất 2 phút!
28.12.2008 […] Phải ghi lại để khỏi quên. Phải học cách cố gắng hết sức trong từng công việc, nghĩ tới từng tiểu tiết. Hãy nghĩ về quy chuẩn, về cách làm việc, về cách suy nghĩ logic, tư duy phê phán. Nếu không ép mình phải chú ý, phải hoàn hảo từng chút một thì sẽ không bao giờ thành công…
Tôi ghi lại những dòng này sau một cuộc cãi vã khá to với một người bạn Đức. Chuyện là, sau khi hoàn thành sơ sơ bài tốt nghiệp của mình, tôi có nhờ anh này đọc qua một lượt để góp ý về lỗi từ vựng, ngữ pháp. Sau một vài tuần, tôi nhận lại được một bản viết tay chi chít dấu đỏ hết trang này tới trang khác. Rất nhiều dấu hỏi, chấm than, dấu… “3 dấu hỏi” và vô số ghi chú “tôi không hiểu anh muốn nói gì ở đây nữa!!!”. Tôi tự ái nổ đom đóm mắt và đùng đùng tìm gặp cho bằng được anh bạn kia để so găng, cãi lý tay đôi. Nhưng càng cãi, càng đọc kỹ lại thì tôi càng ớ người ra vì chính mình đã xuề xòa “một cách kinh dị”, nhảy cóc qua nhiều diễn giải vì coi những điều đó là đương nhiên, tự hiểu. Bài học “made in Germany” lần đó nhắc tôi: Chính xác, chính xác, chính xác và phải có trách nhiệm đến cùng với việc mình làm!
25.08.2009 […] Một đống stress sắp được vứt sang một bên. Câu hỏi đi hay ở đã được trả lời. Đôi khi còn thấy hơi “quá khích” về công việc sắp làm. Mọi điều vẫn còn ở phía trước.
Đây gần là những dòng cuối cùng trước khi tôi về Việt Nam làm việc. Đối với du học sinh như tôi, tất nhiên đó mãi là một quyết định không dễ dàng, không chỉ do khác biệt về môi trường làm việc mà còn nằm ở việc thích nghi trở lại với môi trường văn hóa. Mất cân bằng, hoang mang về phương hướng là trạng thái dễ thấy nhất của shock văn hóa ngược. Nhưng tôi đã quyết định trở về. Và đó là một quyết định tự thân. Cũng như bây giờ tôi trở lại đây để tiếp tục một khóa học khác. Con đường để tôi đi tới mỗi quyết định đều là những con đường dài. Cả khi bắt đầu công việc rồi, tôi vẫn tự hỏi liệu công việc đó có thực sự là điều mình muốn theo đuổi suốt đời hay không? Ai có thể trả lời cho tôi câu hỏi này trừ bản thân tôi? Và có khi sau nhiều con đường dài tôi mới biết được mình đang đi tới đâu. Nhưng cũng có thể nhờ nó mà tôi sẽ không còn lạc đường nữa.
2010
Những ngày gần đây tôi dành thời gian viết rất nhiều về đa văn hóa, về chia sẻ, chấp nhận và dung hòa khác biệt. Lớp học “có một không hai” của tôi có 20 thành viên đến từ 13 quốc gia. Chúng tôi mang tới những câu chuyện khác nhau, những “cuộc đời” khác nhau, ảnh hưởng và định đoạt bởi hoàn cảnh quốc gia. Làm sao để hiểu được hết những “cuộc đời” đó, làm sao để học cách “rộng lượng”, với tôi, vẫn là điều quan trọng nhất trong sự nghiệp (có thể sẽ rất đa văn hóa) của mình!
Có nhiều điều viết ra phải đến hai năm sau đọc lại tôi mới tìm được câu trả lời cho mình. Và có thể những năm sau nữa tôi sẽ thấy có khi đó chưa hẳn đã là một câu trả lời thỏa đáng. Muốn nuôi dưỡng những câu chuyện quá khứ để ngẫm nghĩ chính là câu trả lời cho việc vì sao một đoạn cuộc đời trong vòng 5 năm của tôi đã nằm gọn ghẽ trong 2 cuốn sổ bìa cứng màu đen.
Nhóm thực hiện
Blog Nguyễn Danh Quý - Phó Thư kí Tòa soạn/Chỉ đạo Thời trang