Việc thanh niên lựa chọn cuộc sống độc thân có nhiều mặt tích cực như giảm mức độ gia tăng dân số, giảm áp lực, định kiến lên thanh niên về việc phải xây dựng gia đình bằng mọi giá. Bên cạnh đó cũng có thể có những mặt tiêu cực lâu dài khác như tình trạng dân số già, thiếu nguồn cung lao động năng động và điểm tựa về tinh thần cho người lớn tuổi… Các nhà nghiên cứu xã hội học tạm tóm tắt một số lí do khi người ta chọn sống độc thân như sau:
1. Chưa tìm được người phù hợp
Bản thân mỗi người là một cá thể độc lập và duy nhất vì thế không dễ dàng để tìm một người nào đó phù hợp với mình. Không những thế, mỗi người trong chúng ta đều có thể thay đổi về nhận thức, tư duy, khả năng tài chính và sức khỏe. Vì vậy, có đôi lúc dù tưởng đã tìm được người phù hợp nhưng do sự thay đổi của mỗi cá nhân và xã hội mà người phù hợp lại trở thành người không phù hợp nữa do sự chênh lệch về sức khỏe, tâm lý và tài chính. Lí do người trưởng thành trong xã hội hiện đại chọn cuộc sống độc thân bởi họ không còn chịu áp lực từ gia đình, cha mẹ hay xã hội về việc đến một độ tuổi nào đó, họ nhất định phải có một gia đình mà nhắm mắt chọn một ai đó mình không thực sự yêu thương.
2. Chưa hoặc không có nguồn tài chính ổn định
Dù muốn thừa nhận hay không, tài chính cũng đóng một vai trò chính trong mọi mối quan hệ xã hội, trong đó có tình yêu và hôn nhân. Một người có các nguồn thu nhập hay tiết kiệm minh bạch ổn định luôn hấp dẫn và tự tin hơn người luôn canh cánh lo chạy ăn từng bữa. Vì vậy, nhiều người độc thân bởi chỉ đơn giản họ chưa có công việc hay một một nguồn thu nhập ổn định để chi trả cho mức sống mà họ mong muốn. Họ thậm chí có thể đang có một khoản nợ nào đó sau một quá trình học tập hay kinh doanh hoặc đau ốm hoặc thậm chí là li hôn. Khi không có đủ tài chính dư dả để lo cho mình và chia sẻ các khoản khác cho người mình thích, họ biết cơ hội để mối quan hệ ấy được phát triển tốt đẹp là rất mong manh.
3. Không muốn hoặc không có khả năng giải quyết vấn đề của người khác
Về cơ bản, không có cá nhân nào không có một khó khăn cụ thể nào đó trong cuộc sống: người gặp rắc rối về sức khỏe, tài chính, người lại gặp rắc rối về công việc, tính cách hoặc các mối quan hệ gia đình xã hội. Đôi khi chính bản thân họ cũng đã có quá nhiều rắc rối trong cuộc sống. Nên họ thường từ chối yêu đương để không phải chấp nhận đương đầu với những rắc rối của người khác mà bản thân mình không muốn hoặc không có khả năng giải quyết.
4. Thoải mái với cuộc sống độc thân
Rất nhiều người tìm đến với người khác vì sợ sự cô đơn và độc hành nhưng rất nhiều người lại thoải mái với cuộc sống độc thân của mình. Bởi độc thân đồng nghĩa với tự do và tự tại. Khi sống một mình, họ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn mà không phải lo nghĩ có ảnh hưởng tới người khác. Họ có thể ngủ muộn, dậy sớm vì đơn giản muốn đọc hết cuốn sách, xem hết bộ phim hay hoàn thành nốt công việc. Họ cũng có thể tự do lựa chọn cách trang trí nhà cửa, lựa chọn các món ăn, hay trang phục mình yêu thích hoặc lên kế hoạch đi bất cứ đâu, gặp bất cứ ai mà không lo ai lo lắng, phiền lòng.
5. Chưa hoặc không muốn ổn định
Có một thực tế tâm lý xã hội là rất nhiều người không muốn hoặc chưa sẵn sàng ổn định. Họ thấy thích những mối quan hệ không ràng buộc, thay đổi bạn tình để hưởng thụ tuổi trẻ và đa dạng hóa số lượng bạn tình. Họ cũng không muốn dành quá nhiều thời gian, sức lực, tiền bạc và tình cảm cho một người họ không thực sự thấy yêu hoặc cần. Việc này có thể xảy ra với những người có độ hấp dẫn cao về ngoại hình, sự thành công lớn về sự nghiệp và tiền bạc khiến họ có quá nhiều người thích và theo đuổi. Kết quả là họ không biết đâu mới là một nửa thực sự của mình.
6. Chưa hoặc không có khả năng vun đắp cho tình yêu hoặc hôn nhân
Những người có cá tính nhạy cảm, những người con lớn lên từ gia đình chia tay thiếu văn minh hay những người quá thành công trong sự nghiệp cũng có thể sẽ không muốn, không có khả năng vun đắp cho một tình yêu hoặc hôn nhân bởi những mối quan hệ trên cần sự ổn định về thời gian, địa điểm sống, phong cách sinh hoạt, tâm lý và tài chính. Những mối quan hệ trên cũng cần một sự riêng tư nhất định. Vì thế, những người mải mê với sự nghiệp hoặc không có kinh nghiệm hay khả năng duy trì mối quan hệ lãng mạn cũng có khả năng độc thân rất cao.
7. Từng trải qua một hay nhiều cuộc chia tay
Có những người độc thân không phải vì họ muốn thế, mà bởi mối quan hệ của họ tan vỡ vì một số lí do nào đó. Những cuộc chia tay thường để lại hậu quả nặng nề về tình cảm, tâm lý và tài chính, nhất là nếu những người từng là người yêu hay vợ chồng không cư xử văn minh, tử tế và đàng hoàng với nhau sau khi chia tay. Tệ hơn nếu gia đình, xã hội có những quan niệm thiếu công bằng với một trong hai phía, sự chia tay sẽ khiến một trong hai người hoặc mất tài sản, hoặc mất danh tiếng, mất mối liên hệ với con cái, người thân, hoặc mất tinh thần và tự chủ sau khi đã chung sống và chia sẻ với nhau về tài chính, tinh thần và thể xác với người mình yêu. Và vì những mất mát khổ đau đó, người ta sẽ hoặc chán nản, mệt mỏi, sợ hãi hoặc mất lòng tin vào chuyên hẹn hò, tình yêu và hôn nhân. Đôi khi, các cặp đôi chia tay nhau vì những lí do khách quan không phải vì đã hết yêu thương nhau nên một trong hai hoặc cả hai đều chưa hoặc không sẵn sàng cho một mối quan hệ mới.
8. Tìm thấy nhiều hoạt động ý nghĩa và thú vị khác
Các phương tiện nghe nhìn, công nghệ, giao thông đã khiến người ta có thể tạo ra một cuộc sống độc thân không kém phần sôi động, đa dạng, phong phú và đầy ý nghĩa. Người trưởng thành không chỉ còn thấy việc có một gia đình là một mục tiêu hay ý nghĩa sống duy nhất. Hơn thế nữa, nhiều cá nhân thích nghiên cứu khoa học xã hội, sáng tác nghệ thuật, làm từ thiện, du lịch khám phá các miền đất mới, học tập và cống hiến cho xã hội. Việc có quá nhiều sở thích, niềm đam mê, họ thấy trong mình đầy năng lượng sống và cống hiến. Họ thích gặp gỡ nhiều người để tìm hiểu về con người và xã hội. sống độc lập là lựa chọn tốt nhất để tận dụng hết năng lượng và thời gian cho những ước mơ hoài bão của mình.
BÀI LIÊN QUAN
Có nên sống độc thân hay không?
Tuy vậy, đời sống độc thân trong xã hội hiện đại đã không còn cô độc, vất vả và khó khăn như trước nữa nhưng “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Sau tất cả, không ai có thể sống mãi một mình, không ai có thể trưởng thành và hạnh phúc hoàn toàn nếu không có những mối quan hệ xã hội đặc biệt là những mối quan hệ lãng mạn. Độc thân có thể đem lại một trời tự do, tự tại, thành công nhưng khi tuổi già xế bóng, khi sức khỏe đi xuống, sự nghiệp, sở thích hay tiền bạc không thể thay thế được tình yêu, tình nghĩa vợ chồng, tình cảm cha mẹ con cái, những tình cảm và mối quan hệ vô cùng cơ bản và nhân bản của con người. Do đó, dù vui vẻ với cuộc sống độc thân của mình, chúng ta cũng không nên từ chối cơ hội tốt đẹp để xây dựng một tình yêu và gia đình của riêng mình để luôn được ở bên nhau cả những lúc vui lẫn lúc buồn, cả lúc khỏe mạnh cũng như khi ốm đau.
—
Xem thêm
9 lợi ích dành cho phụ nữ đang sống độc thân
hụ nữ độc thân tuổi 30 nên tìm bạn trai ở đâu?
Đàn ông yêu gì ở phụ nữ độc thân tuổi 30?
Nhóm thực hiện
Bài: Thanh Phạm, nguồn: psychology today, power of positivity, we are humanity